Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2010

Phương Pháp Tu Tập



Là người Phật Tử khi tu học ai cũng muốn mình sẽ đạt được sở nguyện, hai pháp môn thông thường thực hành tu tập là Thiền và Tịnh độ.


Bản chất của Thiền là định TÂM, hoặc là chú tâm vào một đề mục hoặc là giữ tâm yên định, vì tâm định thì trí huệ sanh, do đó người ta thấu hiểu được vấn đề hay tâm định để chứng nhập vào các tầng Thiền: Sơ thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền. Cho nên mới có Thiền Đốn ngộ và Tiệm tu hay Như Lai thiền và Tổ sư thiền. Dẫu sao Thiền cũng đòi hỏi người hành Thiền nhiều nổ lực để đạt được cứu cánh tức thời hay hiện kiếp. 


Người tu Pháp môn Niệm Phật để cầu vãng sanh, Cốt yếu của Pháp môn Niệm Phật là phải có Tín, Hạnh, Nguyện. Tín ấy là tin có Đức Phật A Di Đà đang cai quản cõi Cực Lạc, cõi ấy tràn đầy an lạc, phải tin rằng có niệm mười câu danh hiệu Đức A Di Đà thì sẽ được sinh về cõi Cực Lạc, tin rằng chuyên tâm tưởng nhớ đến Phật A Di Đà suốt 7 ngày thì sẽ được sinh về cõi Cực Lạc và lúc trút hơi thở cuối cùng, tâm không điên đảo tưởng nhớ đến đức A Di Đà thì sẽ được Ngài và chư thánh chúng đón rước về cõi Cực Lạc.


Người tu theo pháp môn Tịnh độ phải lập Hạnh, luôn luôn tưởng nhớ đến đức Giáo chủ cõi Cực Lạc A Di Đà Phật, bằng cách đi, đứng, nằm, ngồi đều phải tưởng niệm đến đức A Di Đà Phật.


Và phải chí quyết về cõi Cực Lạc, chí quyết này luôn luôn nhắc nhở người tu theo pháp môn Tịnh độ phải tin tưởng, phải hành ngày đêm không ngừng nghỉ.


Người tu theo pháp môn Tịnh độ làm được như vậy, nhất định sẽ về cõi Cực Lạc như trong các kinh điển đã ghi chép, nhất là Kinh A Di Đà.


Tịnh độ khác Thiền, phương pháp này đòi hỏi chuyên cần hơn nổ lực, cứu cánh đạt được ở kiếp mai sau.


Đạo Phật tin vào Nhân Duyên thì người tu theo pháp môn Thiền hay Tịnh cũng là do Nhân Duyên, kết quả đạt được do người hành có dốc tâm nổ lực hay chuyên cần hay không.


Phương pháp hành khác nhau sẽ đưa đến kết quả khác nhau, nhưng kết quả sẽ đúng y như lời Phật dạy, được ghi chép trong Kinh.  

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Vành Khăn Tang Cho Thầy

Chánh Hạnh
*
Mợ Sâm là mẹ của Nga ở đoàn Thiếu Nữ và em Châu ở đoàn Nam Oanh Vũ, Châu là một Oanh Vũ khá tinh nghịch, vài lần tôi phụ trách Đoàn Nam Oanh Vũ, nên có cùng Trưởng Trúc Hải đến thăm gia đình em để nắm vững tình hình và bắt một nhịp cầu liên lạc chặt chẻ giũa Đoàn và gia đình các em đoàn sinh.

Đến thăm vài lần, sau đó cả Trúc Hải và tôi, xem Mợ Sâm như một bà mẹ, Mợ Sâm đối với chúng tôi cũng thế, có những lúc tôi đến nhà hoặc ra chợ Nguyễn Tri Phương thăm. Ở chợ này Mợ sâm có một sạp bán kim chỉ, vậy mà tảo tần đủ nuôi ba mẹ con.


Thỉnh thoảng Mợ Sâm đi chùa Giác Minh, mỗi lần sau khi lễ Phật, Mợ Sâm đều tìm thăm Thầy Chính Tiến. Được xem như người nhà, tôi hỏi Mợ về mối liên hệ nầy, Mợ cho biết:


-         Tôi có người em, đi tu từ nhỏ với Thầy, xem Thầy như em tôi, mỗi lần đi chùa lễ Phật, tôi đều thăm Thầy cũng như thăm em tôi còn ở Bắc vậy!


Hiểu thế chúng tôi quý mến Mợ Sâm nhiều hơn. Ngày tôi ra trường chào Mợ để lên Cao nguyên dạy học, Mợ bảo tôi phải đến nhà dùng bửa cơm gia đình, lần đầu tiên tôi đưọc ăn Tiêt canh vịt do Mợ làm. Sau tôi có đến thăm, người ta cho biết Mợ sang sạp, bán nhà dọn về Tân Thuận, Nga lập gia đình với một quân nhân, còn Châu đi Trung sĩ. Tôi chỉ nghe biết vậy, chớ không hề gặp lại, thỉnh thoẳng nhớ tới họ, nhớ nhất là Mợ Sâm do mối dây quan hệ giữa Mợ, Thầy Chính Tiến và tôi.


Tôi quy y với Hòa Thượng Thích Thanh Thạnh, Thượng Thủ Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt Tại Miền Nam, lễ quy y có Tam sư: Hòa Thượng Thích Thanh Thạnh, Giáo Thọ Thích Bình Minh, Duy Na Thích Chính Tiến, do sự gần gủi tôi cứ nghĩ và tôn kính Thầy Chính Tiến như là bổn sư của mình.


Trong số Huynh Trưởng hoạt động tại Giác Minh, dưới mắt nhiều người đánh giá là Thầy “cưng” tôi nhất cho nên năm 1959, tôi là Huynh Trưởng là Liên Đoàn Trưởng Gia Đình Phật Tử Giác Minh mới có 18 tuổi!


Trước đó, Thầy Chính Tiến chủ trương Đặc San ÁNH ĐẠO, nội dung về Gia Đình Phật Tử,  đặc san này đã có bài của anh Nguyễn Văn Thục, Thầy muốn tôi viết bài về anh Võ Đình Cường, nên Thầy viết thư, giới thiệu tôi vào Phật Học Đường Ấn Quang, để gặp và phỏng vấn anh Cường, vì lý do chánh trị thời bấy giờ bài này có liên quan tới anh Cường nên Thầy không đăng vào báo, nhưng nhờ duyên ấy, tôi mới quen biết và lui tới nhà anh Cường từ thuở đó.


Năm 1962, là Đoàn Trưởng Trường Đào Tạo HuynhTrưởng A Dật Đa, tôi viết một bài về “Lược sử Gia Đình Phật Tử thuộc Giáo Hội Tăng Già Băc Việt Tại Miền Nam”, bài đăng trong Tài liệu học tập Khóa 2. Sau khi xem xong, Thầy trao tiền cho một người, thưởng cho tôi 1,200 đồng thời đó, tôi mua một kính mát gọng vàng của Pháp hiệu Nylor và một cây bút ngòi vàng hiệu Pilot kiểu V, cây bút em họ tôi xin rồi mất trong chuyến vượt biên, kính tôi đổi cho nhạc gia tôi cái kính model mấy chàng Pilot thường mang, tôi vô ý làm rớt bể tròng, gặp thời buổi kinh tế khó khăn bán cái gọng vàng mua được vài ký gạo, cho nên nay không còn chi để kỷ niệm!


Có một lần, bổng dưng Thầy nói với tôi: “Gia đình con quen, Thầy có biết. Không nên tiến tới hôn nhân” Thầy chỉ khuyên bảo ngắn gọn như vậy, nhiều năm tháng về sau, Thầy không hỏi han cũng không khuyên bảo thêm lời nào.


Nói tôi được Thầy “cưng” chắc không ngoa, vì khoảng cuối năm 1963, trong một đêm uống cà phê bàn tính chuyện, tại quán cà phê bản doanh của Ban Hướng Dẫn ở ngã tư Phú Nhuận, bác Nguyễn Đức Lợi, Nguyễn Quang Vui, Nguyễn Đình Thống, Ngô Mạnh Thu đã trao cho tôi sứ mệnh gặp Thầy, báo cho Thầy biết dư luận khong tốt cho Thầy..


Tôi nhớ có lần tôi vô tình chạm tay vào áo của Thầy, Thầy dạy tôi trước nhiều người :”Các con không được phép chạm vào y của quý Thầy, làm vậy phạm giới đó!”, cho nên theo tôi Thầy gìn giữ giới luật rất nghiêm minh. Cái khó khăn cho tôi là làm sao nói với Thầy, sứ mệnh đã giao, tôi phải làm . Tôi lại nhớ một lần ai viết thiệp Tết chúc Thầy tinh tấn, Thầy dạy chúng tôi không được chúc như vây, vì đó là lời khuyên, chỉ có ngưòi trên mơi khuyên kẻ dưới tu cho tinh tấn mà thôi.


Nghe tôi trình bày những dị nghị của người đời, Thầy bảo cho tôi biết: “- Con đừng lo! Thầy đã hứa bên giường bệnh mẹ Thầy là Thầy sẽ tu trọn cuộc đời”. Tôi quý Thầy, tôi tin tưởng Thầy nhiều hơn.


Rồi những năm sau đó, Thầy xây dựng Tổ đình Vĩnh Nghiêm hoành tráng, uy nghiêm giữa đất phồn hoa đô hội Sàigòn, tôi nghĩ Thầy đã làm như Thầy đã nói với tôi.


Một lần tôi về phép năm 1970, bế con đầu lòng vào phòng thăm Thầy trong hậu liêu, tôi để ý thấy liêu Thầy giản tiện và trống trải hơn liêu kế bên của Thầy Thanh Kiểm, một cái bàn làm việc kê gần cửa kính ngó ra sân sau chùa, một tủ kính chứa đầy kinh kệ bìa cứng mạ chữ vàng, một cái tủ nhỏ chắc là để y, liêu nhỏ không có thêm ghế cho khách, tôi đứng thưa chuyện với Thầy, Thầy trò vẫn bình thản như xưa.


Năm sau tôi về nghe tin Thầy đã hoàn tục, tôi vừa thương tiếc vừa kính trọng Thầy nhiều hơn. Thưong Thầy là vì tình Thầy trò bao nhiêu năm sâu đậm nay Thầy đã rời khỏi chùa, kính trọng Thầy là một vị chân tu hoặc tu thì tu cho chính chắn, còn không thì ra đời tránh khỏi chuyện gian dối ở chốn Thiền môn.


Nghe nói, Thầy xin hoàn y, Thầy Tâm Giác chưởng môn phái Vĩnh Nghiêm nhất địnhkhông cho, giờ chót buổi lễ tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm Thầy Tâm Giác phải tới dự, buỗi lễ diễn ra đầy xúc cảm, làm rơi lệ bao người bởi vì họ rất quý mến một ông Tăng, Phật học uyên thâm, nói năng từ tốn, nghiêm túc và hành xử bao dung, quảng đại với mọi ngưòi nay phải hoàn y trở về thế tục !


Sau năm 1975, Thầy có mời anh em chúng tôi gồm Nguyễn Đình Thống, Ngô mạnh Thu, Nguyễn Quang Vui, lại có thêm Nguyễn Văn Quýnh và tôi, đến nhà Thầy đãi ăn cho một bửa, đó là bửa ăn sau nhiều năm Thầy trò mới gặp lại, trên căn gác nhà Thầy trong hẻm đường Lê Văn Duyệt.


Tiệc tàn, anh Quýnh và tôi ra đường Phan Đình Phùng gần nhà cũ của Thầy, hai chúng tôi ngồi uống cà phê bên vệ đường, anh Quýnh đã kể cho nghe, một vị Tăng trong gia đình cho anh biết đã phải chiến đấu nội tâm cam go như thế nào mới gìn giữ được giới luật.


Thầy đến Mỹ tôi chưa đi thăm, Thầy dự Hội Ngộ mấy lần tôi đều vắng mặt, nay Thầy mất, tôi không đến thắp cho Thầy một nén hương. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, tình nghia Thầy trò sao mà phai nhạt vậy ?!!!


Giá mà đến đuợc để dự tang lễ, tôi xin một vành khăn tang, tỏ lòng tôi tôn kính và biết ân Thầy.


29-01-2010