Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Đức Tin


Đứng trước tượng Phật dù bằng đồng, đá trắng, xi măng, thạch cao hay là một bức ảnh, tôi thành tâm tôn kính và thấy Phật ở đó hay Phật ở trong lòng tôi, nhờ đó được một niềm an lạc.
Nói theo Duy Thức có Kiến phần, Tướng phấn, Chứng phần và Chứng tự chứng phần, đó là Tứ phần thành tâm, là Phật ở trong tâm, có từ trước Kiến phần và Tướng phần, và trong kinh Phật dạy: “Nhất thiết chúng sinh, giai hữu Phật tính”
Trong lúc gần đây, các cuộc rước Phật Ngọc long trọng tại các chùa khởi đầu từ Việt Nam, trước tiên nhiều người có tâm lý Phật Ngọc là quý vì tượng có trọng lượng cả tấn, người ta muốn dự lễ, đến tượng đài để chiêm ngưỡng Phật Ngọc, thứ nữa là góp lời cầu nguyện cho nền hòa bình thế giới, vì ngày nay nào là thiên tai như sóng thần Tsunami hơn 200 ngàn người thiệt mạng, nào là chiến tranh Trung Đông, khủng bố, bôm tự sát, bão lụt, đất chùi, sụp hầm mỏ … khiến cho thế giới bất an, nhân tâm điên đảo. Vậy thì cầu nguyện cho Thế giới Hòa Bình, chúng sinh an lạc mà trước tiên là tâm của mình được bình yên an lạc, sau nữa là cùng nhau hướng về hòa bình để cho được “Tâm bình, thế giới bình”.
Khi tượng Phật Ngọc rước đến Tu viện Pháp Vương ở California, ngày 4-2-2010 người ta thấy trong số ảnh chụp tượng Phật Ngọc có những đốm trắng như là trong kinh chư thiên tung hoa Mạn Đà La cúng Phật, từ đó có nhiều người tin tượng Phật Ngọc linh thiêng, niềm tin này có thể dẫn đến có người tin rằng cầu gì được nấy!
Vì có người tin như vậy nên người ta vô tình hoặc cố ý phổ biến tượng Phật Ngọc linh thiêng, do vậy có nhiều vị đã phải vạch rõ Chánh Tín và Mê Tín, nhưng có khi đi quá xa, chẳng những sự thật được phơi bày còn có thể làm mất cả đức tin.
Tôi có anh bạn, chẳng những đến dự lễ mà còn theo tu học suốt thời gian Tượng Phật Ngọc được rước về Tu Viện Quán Âm tại thành phố Memphis, Tennessee, anh cũng thành tâm nguyện và chụp được ảnh Phật Ngọc có hoa Mạn Đà La, anh bạn tôi tin rằng tâm thanh của mình được Phật chứng.
 Gần đây có người đi chiêm bái Phật tích, vào Bồ Đề Đạo Tràng, cầu xin Phật cho chụp được tấm ảnh có hoa Mạn Đà La, kết quả người ấy hoan hỷ vô kể vì có hoa như lời cầu xin.
Về hoa Mạn Đà La này, tôi có viết một bài Hướng Về Phật Ngọc, với bạn tôi cũng như người chiêm bái Phật tích, chụp ảnh tượng Phật với lời cầu xin cho có hoa Mạn Đà La và đã có thật, mỗi người có đức tin, tôi nghĩ không nên làm mất lòng tin của họ, bởi vì hiện tượng đó đã xảy ra ngẩu nhiên hay huyền diệu.
Cũng như tôi, trên bàn thờ, tôi tôn tượng đức Bổn sư, tượng này bằng đồng của Thái Lan, tượng Phật ngồi thiền định, tay phải dơ ra với ấn quyết, tay trái để trên chân giữ chiếc bình bát, sau lưng có con rắn bảy đầu che trên đức Phật, đây là tượng của ông giáo sư Đại Học, trước khi rời xa tôi định cư chỗ khác, đã thỉnh tượng từ cửa hàng nào đó, tặng cho tôi làm quà lưu niệm về mối duyên Phật pháp. Mỗi ngày khi công phu ngồi thiền, tụng kinh tôi đều tin đức Bổn sư đang ngự ở đó, tôi hằng nguyện cầu: “Phong điều, vũ thuận, quốc thái, dân an, tứ phương bình tịnh can qua, gia gia vô cơ cẩn chi niên, xứ xứ hưởng Thái bình Nghiêu Thuấn nhật ….”
Cũng trong thời gian này, bạn hữu nào đó đã gửi cho tôi bài Con Cá Gỗ của Sư Viên Minh, bài viết ngắn, cô đọng, tôi rất thích như một điều tâm đắc. Xin ghi lại đây:
 Con cá gỗ
Lão hành khất vào ngồi trong hiên chùa, bắt đầu bữa ăn xin được trong ngày: ít vắt cơm, muối và ... một con cá rô cây.
 Người gác chùa quan sát bữa ăn, thấy con cá rô cây được đẽo gọt khá cẩn thận, dọn ra giống y con cá thật đã được nấu nướng đàng hoàng. Ông hỏi người hành khất với giọng châm biếm:
  - Này ông lão, ông làm gì với con cá gỗ ấy hay cuối cùng cũng chỉ cơm với muối ?
  Lão hành khất bình tĩnh đưa tay chỉ tượng Phật bằng đá trên tòa sen giữa chánh điện, trả đũa:
  - Này ông bạn, còn ông làm gì với tượng Phật đá kia hay cuối cùng cũng chỉ còn vô minh với ái dục?.
LỜI GÓP Ý:
Thờ cúng chỉ mang tính cách tượng trưng, thế rồi những tôn giáo cổ xưa đã biến thành những nghi lễ huyền bí và những hiến tế phức tạp ... tưởng qua đó họ có thể được cứu rỗi. Nhưng Đức Phật xem đó chỉ là giới cấm thủ (mê tín, dị đoan, hình thức ràng buộc), và Ngài dạy rằng chỉ sống đúng pháp (Dhammànudhammà patipanno vihàrati) mới là tôn kính Như Lai một cách cao thượng.
Xưa có một người xuất gia theo Phật chỉ mong hằng ngày được lễ bái và chiêm ngưỡng 32 tướng tốt của Ngài . Đức Phật trách: " Dẫu cho hằng ngày con có nắm chéo y Như Lai và bước theo từng dấu chân của Như Lai thì cũng vẫn xa Như Lai vời vợi . Người nào sống đúng Pháp mới gọi là gần gũi, cung kính, lễ bái, chiêm ngưỡng Như Lai một cách chân chính".
Hằng ngày sống bên Đức Phật, lễ bái chiêm ngưỡng và đặt tron niềm tin ở Ngài vẫn còn bị Ngài khiển trách, huống nữa chỉ biết lễ lạy, tụng đọc trước tượng Phật bằng đá để cầu xin cứu độ thì muôn đời vẫn không bao giờ nếm được chút hương vị giác ngộ giải thoát.
Tin tưởng, lễ bái, cung kính, chân thành, tri ân, tinh khiết .. là những nhân tố của phương tiện thờ cúng, nhờ đó dem lại hạnh phúc,hân hoan, thái hoà, an lạc ....cho những kẻ sơ cơ . Nhưng cho đến một lúc nào đó phải biết thoát ra khỏi phương tiện, vì dù tin tưởng Phật dưới bất cứ hình thức nào cũng đều phải tự mình sống đúng chân lý, nếu không thì muôn đời vẫn như lão ăn xin với con cá rô cây vô vị.
Cho nên, xin đừng lợi dụng lòng tin mà cũng đừng đã phá niềm tin của kẻ khác, nếu niềm tin ấy có mầm móng tiến tới chánh tín, ngược lại cần phải có phương tiện thiện xảo để giúp cho sự mê tín trở thành chánh tín.
Phúc Trung
21-11-2010