Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Đức Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát


Chánh Hạnh
Ðức Văn Thù Sư Lợi là một vị Bồ Tát được hàng Phật Tử Bắc Tông biết đến và rất quen thuộc như Ðức Di Lặc, Quán Thế Âm, Ðại Thế Chí, Phổ Hiền và Ðịa Tạng.
Văn Thù Sư Lợi (Lỵ) hay Mạn Thù Thất Lỵ là phiên âm Hán Việt từ chữ Phạn Mânjuri, tên Ngài dịch nghĩa ra Hán Việt là Diệu Kiết Tường, Diệu Ðức (Văn Thù: Diệu, Sư Lỵ: Kiết tường, Ðức). Trong Ðại Nhựt Kinh, dịch tên Ngài là Diệu Kiết Tường, trong Vô Lượng Thọ Kinh, Niết Bàn dịch là Diệu Ðức Bồ Tát, trong Vô Hạnh Kinh dịch là Diệu Thủ Bồ Tát, trong Ðại Tịnh Pháp Môn Kinh dịch là Phổ Thủ Bồ Tát. Những kinh khác như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa... để tên Ngài là Văn Thù Sư Lợi, có khi tên Ngài còn kèm thêm Pháp vương tử, vì Ngài do Pháp mà ra hay là bậc có trí huệ bao quát tất cả Pháp, hay là siêu việt các Pháp nên còn được tôn xưng là Ðại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Phẩm Tựa do đức Di Lặc tin rằng chỉ có Ngài Văn Thù biết, nên thay mặt tứ chúng hỏi về hiện tượng Phật phóng hào quang từ lông trắng giữa chặn mày. Nhân đó, Ngài Văn Thù mới nhắc lại những kiếp xưa kia đã từng thấy hiện tượng ấy, báo cho biết Phật sắp giảng một thời pháp cực kỳ quan trọng.
Theo phẩm nầy, chính Ngài Văn Thù Sư Lợi cho biết rằng thuở hằng sa vô lượng kiếp trước có hai muôn vị nối tiếp nhau thành Phật đồng một hiệu là Nhật Nguyệt Ðăng Minh Phật, đồng một họ là Phả La Ðọa. Vị Nhật Nguyệt Ðăng Minh Phật sau rốt trước khi xuất gia có 8 vương tử: Người thứ nhất là Hữu Ý, thứ hai là Thiện Ý, thứ ba là Vô Lượng Ý, thứ tư là Bửu Ý, thứ năm là Tăng Ý, thứ sáu là Trừ Nghi Ý, thứ bảy là Hưởng Ý và thứ tám là Pháp Ý. Các vương tử nghe vua cha xuất gia tu đạo chứng Vô thượng Chánh Ðẳng Chánh giác, họ đều bỏ ngôi vị xuất gia theo vua cha.
Ðức Nhật Nguyệt Ðăng Minh Phật sau khi phóng hào quang từ lông trắng giữa chặn mày, rồi xuất định, vì Diệu Quang Bồ Tát nói kinh đại thừa tên là Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm, lại thọ ký cho Ðức Tạng Bồ Tát thành Phật tương lai hiệu là Tịnh Nhân Như Lai Ứng Cúng, Chính Ðẳng Chính Giác.
Sau khi Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh diệt độ, Diệu Quang Bồ Tát trì Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, tám vị vương tử đều theo Bồ Tát Diệu Quang học đạo, đều bền vững ở đạo Vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, họ cúng dường trãi qua vô lượng Phật thành tựu công đức, tám vị đều chứng quả Phật, vị sau cùng hiệu là Nhiên Ðăng .
Trong tám trăm đệ tử của Nhật Nguyệt Ðăng Minh Phật, có vị Bồ Tát vì ưa thích danh lợi, nên có tên là Cầu Danh Bồ Tát ấy chính là Ðức Di Lặc, còn Diệu Quang Bồ Tát chính là Ðức Văn Thù Sư Lợi.
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Quyển thứ nhất, Chương II, Tựa Riêng:
Khi ấy Vua ba Tư Nặc, nhân ngày kỵ phụ vương, mở tiệc chay nơi cung cấm; Vua sắm đủ các món ăn quý báu, rồi thân đến rước Phật và các vị Ðại Bồ Tát. Trong thành lại có các trưởng giả cư sĩ đồng thời cũng trai tăng, chờ Phật đến chứng. Phật khiến Ngài Văn Thù chia lãnh các vị Bồ Tát và A La Hán đi đến các nhằ trai chủ.
Duy có ông A Nan trước đã nhận lời mời riêng, đi xa chưa về, không kịp dự hàng tăng chúng. Ông về một mình, không có Thượng Tọa và A Xà Lê cùng đi và ngày ấy cũng không được ai cúng dường. Lúc bấy giờ ông cầm bình bát vào trong thành, trên đường đi, theo thứ lớp khất thực; tâm ông trước hết cầu được một người tối hậu đàn việt làm trai chủ, không kể sang hèn, phát tâm làm sao cho tất cả chúng sinh được viên thành vô lượng công đức. Ông A Nan đã biết đức Phật Thế Tôn quở ông Tu Bồ Ðề và ông Ðại Ca Diếp làm La Hán mà tâm không công bằng. Ông kính vâng lời dạy vô giá của Phật độ thoát mọi điều chê bai nghi hoặc, ông đến bên thành, thong thả vào cửa, uy nghi nghiêm chỉnh, kính giữ phép hóa trai.
Trong khi khất thực, ông A Nan đi qua nhà người dâm nữ Ma Ðăng Già, bị phép huyễn thuật. Nàng ấy dùng chú Tiên Phạm Thiên đạo Sa Tỳ Ca La bắt vào phòng riêng, dựa kề vuốt ve làm cho ông A Nan gần phá giới thể.
Ðức Như lai biết ông A Nan mắc phải dâm thuật, nên dùng trai rồi, liền trở về tinh xá. Vua cùng đại thần, trưởng giả cư sĩ đều đi theo Phật, mong nghe những pháp chủ yếu của đạo Phật.
Khi ấy trên đỉnh Thế Tôn phóng hào quang bách bảo vô úy; trong hào quang hiện ra tòa sen báu nghìn cánh, có hóa thân Phật kiết già ngồi trên, tuyên đọc thần chú, khiến Ngài Văn Thù đem chú nầy đến giúp đỡ, tiêu diệt tà chú, đưa ông A nan cùng nàng Ma Ðăng Già đều về chỗ Phật ở.
Trong kinh Hoa Nghiêm Phẩm thứ tám, Ðức Văn Thù Bồ Tát giảng cho chư Bồ Tát khác nghe về Tứ Thánh Ðế trong pháp giới cho đến hư không giới.
Dẫn những kinh Ðại thừa trên để thấy rằng Ngài Văn Thù Sư Lợi là một vị Ðại Bồ Tát, thượng thủ trong hàng Bồ Tát, công hạnh của Ngài siêu việt, bằng chứng là đã giữ những vai trò quan trọng như trong kinh đã nêu, và nhất là trong Diệu Pháp Liên Hoa đã độ cho Long nữ, thân gái đã chứng thành Phật quả. Ðiều ấy cũng để thuyết minh mọi chúng sinh ai cũng có Phật tính và cũng có thể chứng quả Phật như nhau, đó là điểm căn bản của Ðại Thừa Khởi Tín Luận.
Trong các chùa thờ Hoa Nghiêm Tam Thánh là Phật Tỳ Lư Xá Na hay Thích Ca đứng ở giữa, tượng đức Phổ Hiền cửi voi trắng sáu ngà đặt ở tay trái của Phật, Ngài Văn Thù ở tay phải cởi sư tử Xanh, tượng trưng cho Trí, Tuệ, Chứng. Trí tuệ Ngài như gươm báu sắc bén để đoạn trừ phiền não, luân hồi.
Phật Giáo Trung Hoa, tin rằng trú xứ của Ðức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát tại một trong tứ đại danh sơn của Trung Quốc, đó là Ngũ Ðài Sơn.
Phật Giáo Tây Tạng cũng thờ đức Văn Thù, vẽ Ngài ngồi trên lưng sư tử xanh, và họ tin rằng Ban Thiền Lạt Ma là hiện thân của Ðức Văn Thù Sư Lợi. Cũng như Ngài Ðạt Lai Lạt Ma là hiện thân của Ðức Quán Thế Âm.
Theo trong kinh, Ngài Văn Thù là một vị cổ Phật, đã thành Phật vô số kiếp rồi, song Ngài tùy cơ ứng hóa để cứu độ chúng sanh và truyền bá đạo lý. Về kiếp quá khứ Ngài là Phật Long Chưởng Thượng Tôn Như Lai, về vị lai ngài sẽ làm Phật Phổ Kiến Như Lai.\

Chánh Hạnh
Ngày 28 tháng 4 năm 2002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét