Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Đức Di Lặc Tôn Phật



Phúc Trung


Trong pháp hội của đức Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài đã thọ ký cho đức Di Lặc sẽ thành đạo dưới cội Long Hoa, pháp hội Long Hoa ấy sẽ đem đến cho thế gian, khắp cả mọi người tràn đầy an lạc. Tết Nguyên Đán là một ngày vui tươi nhất trong năm, nên chư Tổ đã chọn ngày nầy làm ngày Vía của đức Di Lặc.

Di Lặc là một vị thánh tăng có thực trong lịch sử, Ngài là người Bà La Môn ở Nam Ấn Độ, thân sinh là Ba Bà Lợi, họ A Dật Đa, tên là Di Lặc. A Dật Đa nghĩa là vô năng thắng , hạnh tu và lòng từ bi của Ngài không ai sánh kịp. Di Lặc dịch là Từ Thị , nghĩa là có lòng Từ rộng lớn. Sở dĩ gọi là Từ Thị là vì khi mẹ Ngài chưa thọ thai thì từ tâm rất kém, khi thọ thai Ngài thì tâm từ rộng mở. Lại trong một kiếp trước, ngài là một vị tiên tên là Nhất Thế Trí Quang nhờ đức Phật dạy phép tu Từ tâm tam muội, ngài tu phép ấy cho đến khi thành Phật, nên gọi Ngài là Từ Thị.

Vào thế kỷ thứ 10, Ngài có một hóa thân ở Trung Hoa, là Hòa Thượng Khê Thử ở tại xứ Minh Châu huyện Phong Hóa, Ngài có thân hình to lớn, tánh tình hoan hỷ, nói năng khác thường, ngủ nghỉ không chọn sang hèn. Ngài thường quảy cái đãy to đi khất thực, nên người ta gọi Ngài là Bố Đại Hòa Thượng,  ai cho chi Ngài bỏ vào đãy, đến chỗ nào có trẻ con, Ngài lấy những thứ có trong đãy ra cho trẻ con và chơi đùa vui vẻ với chúng. Một hôm Hòa Thượng Thảo Đường gặp Ngài hỏi : ''- Đại ý Phật Pháp như thế nào ?''. Đang quảy bị trên vai, nghe hỏi như thế Ngài bỏ cái bị xuống đất. Hoà Thượng Thảo Đường liền hỏi thêm : ''Chỉ có thế thôi hay còn đường tiến lên ''. Ngài chẳng nói chẳng rằng quảy cái bị lên vai đi tiếp. Trước khi tịch Ngài có bài kệ :

Di Lặc chơn Di Lặc
Phân thân thiên bách ức
 Thời thời thị thời nhơn
 Thời nhơn thị bất thức

Nghĩa là : Di Lặc thật Di Lặc, phân thân trong muôn ức, thường thường chỉ dạy người, người đời tự không biết. Nhờ đó người ta mới biết Hoà Thượng Khê Thử là hóa thân của đức Di Lặc, người ta làm tượng Ngài thân hình cao lớn, bụng to, miệng cười hoan hỷ đó là phỏng theo hình dạng Bố Đại Hòa Thượng.

Ngày mồng Một đầu năm là ngày Tết Nguyên Đán, ngày khởi đầu những tiết của một năm mới, ai ai cũng hân hoan vui mừng chào đón, hy vọng ngày ấy tốt lành, cả năm sẽ mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Do đó, chư Tổ chọn ngày Tết Nguyên Đán làm ngày Đản sinh của Đức Di Lặc.
Tháng2/1999

Tổng kết về Duyên khởi


Phúc Trung
*
I. Dẫn: Lý Duyên Khởi rất độc đáo trong giáo lý của đức Thế Tôn, bởi vì nó cho thấy một vật hiện hữu do duyên sinh, có trùng trùng duyên khởi, không có tự tánh, do vậy vô ngã. Nó khác với các tôn giáo khác, cho rằng có một đấng cao cả sinh hóa vạn vật.
II. Giáo lý căn bản: Trước tiên, thực tế hơn hết, Ðức Thế Tôn dạy cho người ta nhận chân được bốn sự thật : Ðây là khổ. Ðây là khổ tập. Ðây là khổ diệt. Ðây là con đường đưa đến khổ diệt. Con đường đưa đến khổ diệt ấy Ngài dạy thật rõ nó có tám phần phải theo: Thấy biết chân chính. Suy tư chân chính. Nói lời chân chính. Hành động chân chính. Ðời sống chân chánh. Tưởng nghĩ chân chánh. Ðịnh tâm trong chân chánh. Phát triển trí tuệ trong chân chánh.
Ðể giảng dạy về khổ uẩn tập khởi và khổ uẩn đoạn diệt, chúng tôi xin trích hai đoạn văn tinh yếu sau đây trong Kinh Tương Ưng Bộ nói lên đầy đủ về Duyên khởi và những gì trọng yếu đức Thế Tôn đã giảng dạy:
Phẩm Cây. X. Nhân (S.ii,92)
Một thời thế Tôn trú giữa dân chúng Kuru, tại một thị trấn của dân chúng Kuru tên là Kammàsadamma.
Rồi tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn sâu xa thay là định lý Duyên khởi này, và sâu xa thật là định lý này. Nhưng đối với con định lý ấy có vẻ rõ ràng, minh bạch!
- Chớ có nói vậy, này Ànanda! Chớ nói vậy, này Ànanda! Sâu xa thay, này Ànanda là định lý Duyên khởi này, và sâu xa thật là định nghĩa này. Này Ànanda, chính vì không hiểu rõ pháp này, không giác ngộ, không chứng nhập (pháp này) mà chúng sanh nay bị rối ren như cuộn chỉ, bị phủ đầy bởi bệnh cằn cỗi, như cỏ munjà, như cây lau, không thoát khỏi sự luân hồi trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ.
Nàu Ànanda, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái hữu có mặt. Do duyên hữu sanh có mặt. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
Này Ànanda, ví như một cây lớn, các rễ của cây ấy đâm xuống và đâm ngang, tất cả rễ ấy đều hút lên nhựa sống cho cây ấy. Này Ànanda, cây ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể đứng vững trong một thời gian dài.
Cũng vậy, này Ànanda, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ có mặt. Do duyên thủ, hữu có mặt …(như trên)… Như vậy toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
Này Ànanda, ai sống thấy sự tai hại trong các pháp chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt … (như trên)… Như vậy toàn bộ khổ uẩn này diệt.
Này Ànanda, ví như một cây lớn, rồi có người đi đến, cầm cái cuốc và cái giỏ. Người ấy chặt đứt rễ cây ấy. Sau khi chặt đứt rễ, người ấy đào một cái mương. Sau khi đào mương, người ấy nhổ lên các rễ lớn cho đến các rễ con, rễ phụ. Người ấy chặt cây ấy ra từng khúc, người ấy bửa. Sau khi bửa, người ấy chẻ ra từng miếng nhỏ. Sau khi chẻ ra từng miếng nhỏ, người ấy phơi giữa gió và nắng, người ấy lấy lửa đốt. Sau khi lấy lửa đốt, người ấy vun lại thành đống trọ Sau khi vun lại thành đống tro, hoặc người ấy sàng trong gió lớn hay đổ vào dòng nước chảy mạnh để nước cuốn đi. Như vậy, này Ànanda, cây lớn ấy sẽ bị chặt đứt, làm thành như cây Ta La không thể nào tái sanh, không thể sanh khởi lại trong tương lai.
Như vậy, này Ànanda, ai sống thấy tai hại trong các pháp được chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này diệt. (1)
III. Chủ đích giáo hóa: Và một đoạn khác, cho thấy chủ đích giáo hóa của Thế Tôn:
Phẩm Tương Ưng Kassapa. XII. Sau Khi Chết (S.ii.222)
Một thời tôn giả Mahà Kassapa (Ðại Ca Diếp) và Tôn giả Sàriputta (Xá Lợi Phất) trú ở Bàrànasi (Ba La Nại) tại Isipatana (chư Tiên đọa xứ), ở Migadaya (Lộc Uyển).
Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi chiều từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm, liền ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Mahà Kassapa:
- Này Hiền giả Kassapa, có phải Như Lai có tồn tại sau khi chết không?
- Này Hiền giả, Thế Tôn không có tuyên bố: "Như Lai có tồn tại sau khi chết".
- Như vậy, này Hiền giả, có phải Như Lai không tồn tại sau khi chết?
- Cũng vậy, này Hiền giả, Thế Tôn không có tuyên bố: "Như Lai không tồn tại sau khi chết".
- Như vậy, này Hiền giả, có phải Như Lai có tồn tại, và không tồn tại sau khi ch ết?
- Này Hiền giả, Thế Tôn không có tuyên bố: "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết".
- Như vậy, này Hiền giả, có phải Như Lai không tồn tại, và không không tồn tại sau khi chết?
- Cũng vậy, này Hiền giả, Thế Tôn không có tuyên bố: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
- Này Hiền giả, vì sao Thế Tôn không có tuyên bố như vậy? Vì đây này Hiền giả, không đưa đến lợi ích, không đưa đến cứu cánh Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Do vậy, Thế Tôn không có tuyên bố như vậy.
- Vậy này Hiền giả, Thế Tôn tuyên bố cái gì ?
- "Ðây là khổ", này Hiền giả, Thế Tôn đã tuyên bố. "Ðây là khổ tập", Thế Tôn đã tuyên bố. "Ðây là khổ diệt", Thế Tôn đã tuyên bố. "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”, Thế Tôn đã tuyên bố.
- Vì sao, này Hiền giả, Thế Tôn đã tuyên bố như vậy ?
- Vì đây, này Hiền giả, đưa đến lợi ích, đưa đến cứu cánh Phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Do vậy, Thế Tôn đã tuyên bố như vậy . (2)
IV. Kết luận: Ðức Thế Tôn dạy ở một đoạn khác nữa(3) khi một người đã hiểu rõ Duyên khởi thì không hỏi về sự có mặt hay không có mặt của mình trong quá khứ, hiện tại và vị lai, và cũng để yếm ly, ly tham, an trú trong chánh niệm để giải thoát khỏi phiền não, sinh tử trong luân hồi.
--- Chú thích:
(1) HT. Th. Minh Châu
Kinh Tương Ưng Bộ, q2, trang 165, 166, 167VNCPHVN, 1993
(2) HT. Th. Minh Châu
Kinh Tương Ưng Bộ, q2, trang 382, 383, 384VNCPHVN, 1993
(3) HT. Th. Minh Châu
Kinh Tương Ưng Bộ, q2, trang 53, 54 VNCPHVN, 1993

Pháp giới Duyên khởi

Phúc Trung
I. Dẫn: Như đã trình bày, Hoa Nghiêm Tông phân chia lý duyên khởi thành 4 chủng loại: Vô minh duyên khởi, A lại da duyên khởi, Như Lai tạng duyên khởi và Pháp giới viên khởi là viên giáo.
II. Ðịnh nghĩa: Dharma chữ Phạn là Pháp, chỉ chung cho mọi sự vật dù lớn hay nhỏ dù vô hình hay hữu hình, chơn thật hay hư vọng đều là Pháp cả. Duy Thức luận giải nghĩa chữ Pháp : " Tự thể nhậm trì, quỉ sinh vật giải " nghĩa là có khả năng duy trì bảo hộ tự thể và là tiêu chuẩn quy phạm của nhận thức. Hay có thể nói PHÁP chỉ cho cái gì gìn giữ được tự thể của nó, làm cho người ta trông đến, nhận biết đó là vật gì.
Dharmadhatu chữ Phạn là Pháp giới, có nhiều nghĩa nhưng có thể tóm tắc vào hai nghĩa trong phạm vi về sự và về lý.
Về sự : Pháp là các pháp, giới là cảnh giới, giới hạn. Các pháp đều có tự thể nhưng vì cảnh giới chẳng đồng, cho nên phân ra từng cảnh giới, mỗi cảnh giới là một pháp giới. Như trong kinh Phật chia ra mười cảnh giới: 1. Phật, 2. Bồ Tát, 3. Duyên Giác, 4. Thanh Văn, 5. Thiên, 6. Nhơn, 7. A tu la, 8. Quỉ, 9. Súc sanh, 10. Ðiạ ngục. Trong vũ trụ vô biên vô cùng tận, lúc nào, chỗ nào cũng có Phật pháp gọi chung là pháp giới (cõi pháp của Phật). Khi đức Phật tại thế Ngài dạy vô lượng pháp môn tu, các pháp môn ấy gồm thành một Pháp giới.
Về lý: Pháp giới là cảnh giới chung của chúng sanh: Dầu người, dầu vật đều có đồng một pháp tánh như nhau, đó là Phật tánh hay Chơn như nên tất cả đều sẽ thành Phật. Pháp giới còn có nghĩa là: Pháp là Phật đạo, Thánh đạo, Giới là cảnh giới mà người tu hành phải nương theo, để tấn tới thành Thánh rồi tiến lên thành Phật. Pháp còn có nghĩa là pháp lý, pháp môn, giới tức là tánh; các pháp đều đồng một tánh, người tu hiểu được như thế, nương theo đó tu để mau được giải thoát.
Một đoạn kinh rất quan trọng là căn bản của Pháp giới duyên khởi, đức Thế Tôn đã giảng tại Kỳ thọ Cấp Cô Ðộc viên như sau:
Ở đây, này các Tỷ kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử khéo chơn chánh tư duy định lý duyên khởi: " Do cái nầy có mặt, cái kia có mặt. Do cái nầy sanh, cái kia sanh. Do cái nầy không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái nầy diệt, cái kia diệt.". Ví như do duyên vô minh, các hành sanh khởi… Như vậy là toàn bộ khổ uẩn nầy tập khởi. (1)
Chính đoạn kinh trên đây, cho chúng ta thấy rằng một vật hiện hữu liên hệ chằng chịt với biết bao nhiêu vật khác trong Vũ trụ hay Pháp giới, do vậy mà người ta thường nói là trùng trùng duyên khởi.
III.Kết luận: Hiểu được Pháp giới duyên khởi là chúng ta thấy được vạn hữu tánh không, do đó vô ngã, giả hợp mà có, từ đó xả ly mọi tham ái, phiền não để tiến nhanh trên đường giải thoát.
--- Chú thích:
(1) HT. Thích Minh Châu
Kinh Tương Ưng Bộ, quyển 2, trang 171,VNCPHVN, 1993

Như Lai tạng Duyên khởi

Phúc Trung
I.- Dẫn nhập: Theo như tông Hoa Nghiêm thì giáo lý Duyên khởi có bốn chủng loại là: Nghiệp cảm duyên khởi, đây là giáo lý nguyên thỉ, A lại da duyên khởi là thỉ giáo của Ðại thừa, Như lai tạng duyên khởi là chung giáo của Ðại thừa và Pháp giới duyên khởi là viên giáo của Ðại thừa.
II.- Ðịnh nghĩa: Như Lai chữ Phạn viết là Tathà-gata dịch ra Hán việt là Như lai. Trước tiên chúng ta cần tìm hiểu xem nghĩa của Như Lai theo các kinh điển nghĩa là gì? Theo như kinh Kim Cương, đức Thế Tôn giảng " Như Lai giả tức chư pháp như nghĩa", có nghĩa là: " Như Lai có nghĩa là chân như của các pháp ", cũng trong kinh nầy một đọan sau, đức Thế Tôn giảng " Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai " có nghĩa là: " Như Lai có nghĩa là không từ đâu tới cả và cũng không đi về đâu cả, cho nên gọi là Như Lai ". (1)
Trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn, phẩm Phạm Hạnh (2) đức Thế Tôn giảng cho Ngài Ca Diếp về mười danh hiệu của chư Phật : 1.- Như Lai. 2.- Ứng Cúng. 3.- Chánh Biến Tri. 4.- Minh Hạnh Túc. 5.- Thiện Thệ. 6.- Thế Gian Giải. 7.- Vô Thượng Sĩ. 8.- Ðiều Ngự Trượng Phu. 9.- Thiên Nhân Sư. 10.- Phật Thế Tôn. Về nghĩa của Như Lai: " Thế nào gọi là Như Lai ? Như chỗ thuyết pháp của chư Phật quá khứ chẳng biến đổi. Chư Phật quá khứ vì độ chúng sanh nên nói mười hai bộ kinh (3). Ðức Như Lai cũng vậy nên hiệu là Như Lai. Chư Phật Thế Tôn từ sáu môn Ba La Mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo (4), mười một pháp không (5) mà đến đại Niết Bàn. Ðức Như lai cũng vậy, nên gọi Phật là Như Lai. Chư Phật Thế Tôn vì chúng sanh nên tùy nghi phương tiện khai thị ba thừa, thọ mạng vô lượng không thể tính đếm. Ðức Như Lai cũng vậy nên gọi Phật là Như Lai."
Trong Kinh Thắng Man Bảo Quật: " Như lai là thể thuộc Như mà đến nên gọi la Như lai. Cũng như chư Phật mà đi đến, cho nên gọi là Như Lai. Có người hỏi: Nói rằng thể của Phật thuộc tính Như mà đi đến nên gọi là Như Lai. Tức là Ứng thân của Phật, vậy làm sao có nghĩa Lai ? Ðã là Chân như Pháp thân rồi thì làm sao có Lai ? Ðáp: Như vốn ẩn nhưng nay hiện, cho nên nói là Lai (đến) cũng có thể được ".
Như Lai chữ Phạn còn viết là Tu-già-đà dịch là Như Khứ, Hảo Khứ có nghĩa là dứt khỏi vòng sanh tử.
Trong Bi Tàng Kí Bản: " Như Khứ là từ phàm phu tu hành đến thành chánh giác. Hiểu được lẽ Như mà đi nên gọi là Như Khứ. Như Lai là từ sau khi thành Phật, một lòng nguyện từ bi, ra công cứu vớt chúng sinh. Hiểu được là Như mà đến nên gọi là Như Lai ".
Như vậy Như Lai có hai nghĩa đối lập nhau, Như Khứ là hướng lên trên tìm tự lợi (thượng cầu bồ đề), còn Như Lai là hướng xuống dưới làm lợi cho người khác (hạ hóa chúng sanh).
Như Lai còn có nghĩa chẳng phải bực đoạn diệt phiền nãọ mà là bực chẳng hề phát sinh phiền não. Như vậy Như lai tức là Niết bàn.
Như lai chẳng phải là phàm phu, cũng chẳng phải là Thinh Văn, Duyên giác, Bồ tát. Như vậy Như Lai tức là Phật tánh.
Như Lai là bậc mà Thân. Tâm và Trí huệ bủa khắp vô lượng vô số thế giới, không hề bị chướng ngại. Như vậy Như Lai tức là hư không.
Như lai là thường trụ, chẳng hề biến đổi. Như vậy Như Lai tức là thật tướng.
Tóm lại Như Lai là chỉ cho chư Phật, bậc toàn giác, không còn luân hồi sinh tử, an nhiên, tự tại.
Còn Như Lai Tạng trong Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Thế Tôn dạy Bồ tát Ðại Huệ (6): "... Ðại Huệ ! Có khi nói không, vô tướng, vô nguyện, như thật tế, pháp tánh, pháp thân, niết bàn, ly tự tánh, bất sanh, bất diệt những câu như thế đều nói Như Lai tàng..."
Hiểu nghĩa rốt ráo Như Lai tạng là kho chứa Phật tính hay Chân như. Tạng có 3 nghĩa:
1.- Thu nhiếp lại: Chân như ở trong chúng sanh bao gồm hai mặt hòa hợp và không hòa hợp. Hòa hợp thì sinh ra hết thảy các pháp nhiễm ô, không hòa hợp thì sanh ra hết thảy các pháp thanh tinh. Cả hai Nhiễm pháp và Tịnh pháp đều nằm trong Như lai tính tức Chân như, nên gọi là Như Lai Tạng. Nói cách khác, Chân như bao gồm mọi pháp, Như Lai tạng chứa tất cả các pháp.
2.- Giấu kín che phủ: Khi Chân như ở trong phiền não, bị phiền não che lấp mất tính đức của Chơn như, nó không thể hiện ra được vì lẽ đó gọi là Như Lai tạng.
3.- Có khả năng nuôi dưỡng: Chân như ở trong phiền não, ngậm chứa thâu nhiếp hết thảy công đức quả vị của Như Lai, cho nên gọi là Như Lai tạng.
Như trên vừa trình bày, Như Lai tạng gồm cả tịnh và nhiễm pháp, vậy tu tập là gột trừ phiền não nhiễm ô để chỉ có những tịnh pháp, hiển lộ Chân như.
III.- Kết luận: Chúng ta thấy rằng Như Lai tạng chứa hết thảy các pháp, vạn hữu vốn là Chân như từ Như Lai tạng mà ra, nên vạn hữu duyên sanh mà có là Chân như duyên khởi hay Như Lai tạng duyên khởi vậy.
---
Chú thích:
  1. Thích Nhật Từ Kinh Tụng Hằng Ngày Ðạo Phật ngày nay xuất bản, 2002 trang 692, 701
  2. Thích Trí Tịnh Kinh Ðại Bát Niết Bàn THPGTPHCM, 1996, trang 605-606
  3. Thuật ngữ chỉ 12 chủng loại tất cả kinh Phật: 1.- Khế kinh, 2.- Trùng Tụng, 3.- Phúng tụng, 4.- Nhân duyên, 5.- Bản sinh, 6.- Bản sự, 7.- Vị Tằng Hữu, 8.- Thí dụ, 9.- Luận nghị, 10.- Tự thuyết, 11.- Phương quảng, 12.- Thụ ký.
  4. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo gồm có:
1.- Bốn Niệm Xứ :
1.- Quán thân bất tịnh.
2.-Quán tâm vô thường.
3.-Quán pháp vô ngạ
4.-Quán thọ thị khổ.
2.- Bốn Chính cần:
1.-Tinh tấn ngăn ngừa các điều ác chưa phát sinh.
2.- Tinh tấn dứt trừ các phần ác đã phát sinh.
3.- Tinh tấn phát triển các điều lành chưa phát sinh.
4.- Tinh tấn tiếp tục phát triển các điều lành đã phát sinh.
3.- Bốn Như ý túc:
1.-Dục như ý túc.
2.-Tinh tấn như ý túc.
3.-Nhất tâm như ý túc.
4.-Quán như ý túc.
4.- Năm Căn:
1.-Tín căn.
2.- Tấn căn.
3.- Niệm căn.
4.- Ðịnh căn.
5.- Tuệ căn.
5.- Năm Lực:
1.- Tín lực.
2.- Tấn lực.
3.- Niệm lực.
4.- Ðịnh lực.
5.-Tuệ lực.
6.- Bảy Giác chi:
1.- Trạch pháp (chọn lựa pháp tu).
2.- Tinh tấn.
3.- Hỷ.
4.- Khinh an.
5.- Niệm.
6.- Ðịnh.
7.- Xả.
7.- Tám Thánh đạo:
1.- Chánh kiến.
2.- Chánh tư duỵ
3.- Chánh ngữ.
4.- Chánh nghiệp.
5.- Chánh mạng.
6.- Chánh tinh tấn.
7.- Chánh niệm.
8.- Chánh định.
(5) Trong Ðại Trí Ðộ Luận phần 46 có kể ra 18 pháp không. Trong Ðại Bát Niết Bàn Kinh kể ra 25 thứ Không: 1.- Nội không. 2.- Ngoại không. 3.- Nội ngoại không. 4.- Hữu vi không. 5.- Vô vi không. 6.- Vô thỉ không. 7.- Tánh không. 8.- Viễn ly không. 9.- Tán không. 10.- Tự tướng không. 11.- Vô tướng không. 12.- Âm không. 13.- Nhập không. 14.- Giới không. 15.- Thiện không. 16.- Bất thiện không. 17.- Vô ký không. 18.- Bồ đề không. 19.- Ðạo không. 20.- Niết bàn không. 21.- Hành không. 22.- Ðắc không. 23.- Ðệ nhất nghĩa không. 24.- Không không. 25.- Ðại không.
(6) Thích Thanh Từ Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Tu viện Chơn Không, chùa Phổ Ðà ấn tống, 1989, trang 134

A-Lại-Da Duyên khởi

Phúc Trung
I. Dẫn nhập: Vô minh duyên khởi là giáo lý đức Thế Tôn chỉ dạy bao quát, con đường dẫn dắt chúng sinh vào trong lục đạo luân hồi. Lục đại duyên khởi là giáo lý chỉ cho biết thành phần cấu tạo con người. Còn nghiệp cảm duyên khởi là giáo lý cho thấy nó giữ vai trò quan trọng trong luân hồi. Nhưng nghiệp ấy hình thành, duy trì và hoạt động như thế nào, giải quyết vấn đề ấy có A Lại Da duyên khởi.
II. Quá trình hình thành Luận tập. Chúng ta biết rằng giáo lý nguyên thủy của đạo Phật nằm trong Tứ thánh đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên, Ngũ uẩn. Nhìn lại lịch sử Phật giáo, lần kiết tập kinh điển thứ nhất ngay sau khi Phật nhập niết bàn, do ngài Ðại Ca Diếp làm thượng thủ, lần kiết tập thứ hai khoảng 100 năm sau Phật nhập diệt, hay ở thế kỷ thứ V trước Công nguyên, lần kiết tập nầy do vấn đề giới luật, Phật giáo lần đầu tiên bị phân phái thành Thượng Tọa bộ và Ðại Chúng bộ. Ðến thời đại vua A Dục, khoảng 236 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn, tức năm 250 trước CN, nhà vua hộ trì tổ chức kiết tập lần nầy để chỉnh đốn lại hàng ngủ Tăng già, có thuyết cho là do tân thuyết của Ðại Thiên. Lần kiết tập nầy xuất hiện bộ "Luận sự" hay "Thuyết sự" (Kathàvattnu), tương truyền của Ngài Mục Kiền Liên Ðế Tử Tu (Moggaliputta Tissa) sáng tác, để thuyết minh sự lý luận giửa ngoại đạo với Phật Giáo, nó trở thành Luận Tạng, từ đó Phật Giáo có đủ Tam Tạng Kinh Ðiển. Lần kiết tập thứ tư dưới triều đại Ca Nhị Sắc Ca (128-151), khoảng 700 năm sau khi Phật nhập niết bàn, khoảng năm 140 CN, lần kiết tập nầy, hội nghị đã sáng tác bộ "Luận Nghị" (Upadesa), để giải thích tạng Kinh, bộ "Tỳ Bà Sa" (Vibhasa) để giải thích tạng Luật và bộ "A Tỳ Ðạt Ma" (Abhidarma) để giải thích tạng Luận.
Sau nầy người ta thấy rằng Luận thư đã trãi qua bốn thời kỳ như sau:
Thời kỳ 1: Luận thư còn giữ hình thức khế kinh trong khoảng 100 năm sau khi Phật nhập niết bàn. Như trong kinh Tăng nhất A hàm, Tạp A hàm, Kinh Thế Ký trong Trường A hàm, Phân biệt bộ trong Trung bộ kinh và Chúng tập trong Trường bộ kinh mang nhiều sắc thái như luận thư.
Thời kỳ 2: Luận thư giải thích nghĩa kinh như Vô Ngại Ðạo Luận của Phật Âm, Ma Ha Ni Luật Sa, Cưu Lạp Ni Luật Sa trong Tiểu bộ như Pháp Uẩn Túc Luận, Tạp Dị Môn Luận.
Thời kỳ 3: Luận thư tiến tới độc lập với kinh. Thời kỳ nầy luận thư không còn lấy kinh để bàn giải nghĩa, lấy tất cả đề mục của các kinh tập họp rồi phân loại cho nên nội dung luận thư dần dần bao hàm các vấn đề độc lập với kinh. Ðó là thời kỳ xuất hiện bảy bộ luận của Phật giáo Nam phương, Ðại Tỳ Bà Sa của Hữu bộ, Thành Thật luận của Kinh bộ.
Thời kỳ 4: Luận thư cương yếu, Thời kỳ nầy Luận thư của các bộ phái phát triển quá nhiều, khó học hỏi nên đòi hỏi phải có luận thư cương yếu để tóm lược hay đễ giải thích. Bộ luận thư toát yếu ra đời đầu tiên là A Tỳ Ðàm Tâm Luận của ngài Pháp Thắng, Tạp A Tỳ Ðàm Tâm Luận của Pháp Cứu, học trò Pháp Thắng, rồi đến Câu Xá Luận của ngài Thế Thân, Thanh Tịnh Ðạo Luận của ngài Pháp Âm.
Như trên đã nói Luận thư Thuyết sự xuất hiện ở lần kiết tập kinh điển thứ ba để có đủ ba tạng kinh điển, nhưng một số luận thư theo truyền thuyết đã được các đại đệ tử viết từ khi Phật còn tại thế như A Tỳ Ðạt Ma Tạp Dị Môn Túc Luận (Abhidharma-sanjìtiparyàpàdá-sàtra) của ngài Xá Lợi Phất hay A Tỳ Ðạt Ma Pháp Uẩn Túc Luận (Abhidharma-dharma-skandhapàda) của ngài Mục Kiền Liên.
Cho đến khoảng 300 năm sau khi Phật nhập diệt, có ngài Ca Ða Diễn Ni Tử không tán đồng chủ trương của Thượng Tọa Bộ lấy kinh tạng làm bản vị, nên ngài sáng tác A Tỳ Ðạt Ma Phát Trí Luận (Abhidhamma-jnànaprasthàna-sàstra) lấy luận tạng làm bản vị, tách rời khỏi Thượng Tọa Bộ, phân phái thành Nhất Thiết Hữu Bộ cũng gọi là Hữu Bộ. Hữu bộ lấy Phát Trí Luận làm Thân luận và sáu luận khác làm chân gọi là Lục Túc Luận, gồm có:
1. Tập Dị Môn Túc Luận (Abhidhamma-sanjitiparyàpàdà-sastra) của ngài Xá Lợi Phất
2. Pháp Uẩn Túc Luận )Abhidhamma-dharma-skandhapàda-sàstra) của ngài Mục Kiền Liên
3. Nhân Thi Thiết Túc Luận (Abhidhamma-prajnàtipada-sàstra) của ngài Ðại Ca Chiên Diên.
4. Thức Thân Túc Luận (Abhidhamma-Vijanànakàyapàda-sàstra) của ngài Ðề Bà Thiết Ma.
5. Phẩm Loại Túc Luận (Abhidhamma-prakadanapàda-sàstra) của ngài Thế Hữu
6. Giới Thân Túc Luận (Abhidhamma-harma-dhàtukàyapada-sàstra) của ngài Thế Hữu
Ðại cương Luận tập đã được hình thành như thế, nhờ có luận người ta mới thật hiểu rõ về những ý nghĩa thâm diệu, cho đến cùng tột không thể nghĩ bàn của Kinh.
III. Nguồn gốc và sự phát triển Duy Thức. Nói đến A Lại Da Duyên Khởi không thể không nói đến Duy Thức, nói đến Duy Thức không thể không nói đến quá trình hình thành Duy Thức từ A Tỳ Ðàm Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhammatthasangaha).
1.- A Tỳ Ðàm Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhammatthasangaha).
Ngay phần mở đầu, Luận nầy đã viết: "Theo đệ nhứt nghĩa đế, các pháp thuộc Abhidhamma có bốn tất cả: Tâm, Tâm sở, Sắc và Niết Bàn."
Tâm : Có 89 như sau: 54 Dục giới tâm, 12 Sắc giới tâm, 12 Vô sắc giới tâm và 8 Siêu thế tâm. Cũng có 121 tâm.
Sắc pháp: Có 28 ở Dục giới, 23 ở Sắc giới và 17 ở Vô sắc giới, tổng cộng là 68 sắc pháp.
Lộ trình tâm: Từ khi tâm khởi cho đến khi tâm chấm dứt gọi là tâm sát na (Cittakhapa), Lộ trình tâm có 16 sát na như sau:
1. Sự rung động hữu phần (Bhavangacalana)
2. Sự dừng đứng của hữu phần (Bhavargupaccheta)
3. Ngũ môn hướng tâm (Pancadvaravajjana)
4. Nhãn thức hay một trong bốn thức khác (Cakkhuvinnãna)
5. Tiếp thọ tâm (Sanpaticchana)
6. Suy đạc tâm (Santirana)
7. Xác định tâm (Vatthapana)
8-14. Tốc hành tâm (Javana)
15-16. Ðồng sở duyên (Tadalambana)
Kiết sinh thức: Là thức dẫn tái sinh
Nội dung còn bàn đến Nghiệp, quả, tu tập và đối tượng tu tập.
2.- Luận A Tỳ Ðạt Ma Câu Xá (Abhidharma Kosa). A Tỳ Ðàm Câu Xá có nghĩa là Ðối Pháp Tạng (Abhi: đối, Dharma: pháp, Kosa: tạng), do ngài Thế Thân viết nhằm mục đích "Quán sát cùng tột lý nhân quả của mê và ngộ để đạt đến chân trí vô lậu của Niết bàn". Cũng nhằm phá tà kiến vô nhân sinh và tạo hóa sinh, các pháp hữu vi không thể đơn độc sinh mà phải có những pháp khác đồng thời nương nhau sinh, nên gọi là câu sinh. Các pháp hữu vi trong vũ trụ nhiều không thể kể xiết nhưng có thể quy kết trong năm loại là: Sắc, tâm, tâm sở, tâm bất tương ưng hành và vô vi. Mặt khác năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới có thể tổng nhiếp tất cả các pháp trong vũ trụ. Trong đó sắc uẩn tổng nhiếp tất cả sắc pháp, ý xứ tổng nhiếp tất cả tâm pháp, pháp giới tổng nhiếp tất cả tâm sở, bất tương ưng hành và vô vi pháp. Tất cả các pháp chia thành 5 vị gồm trong 75 pháp như sau:
- 11 sắc pháp (5 căn, 5 trần và vô biểu sắc)
- 1 tâm pháp (6 thức tâm vương)
- 46 tâm sở pháp (10 Ðại địa pháp: Thọ, tưởng, tư, xúc, dục, tuệ, niệm tác ý, thắng giải, tam ma địa. 10 Ðại thiện địa pháp: Tín, bất phóng dật, khinh an, xả, tàm, quý, vô tham, vô sân, bất hại, cần. 6 Ðại phiền não dịa pháp: Si, phóng dật, giải đãi, bất tín, hôn trầm, trạo cử. 2 Ðại bất thiện địa pháp: Vô tàm, vô quý. 10 Tiểu phiền địa pháp: Phẫn, phú, xan, tật, não, hại, hận, siễm, cuống, kiêu. 8 Bất tịnh địa pháp: Tầm, tứ, thụy miên, ố tác, tham, sân, mạn, nghi)
- 14 bất tương ưng hành (Ðắc, phi đắc, đồng phận, vô tưởng thiền, vô tưởng định, diệt tận định, mạng căn, sinh, trụ, dị, diệt, cú, văn thân)
- 3 vô vi pháp (Hư không, trạch diệt, phi trạch diệt)
Sự hiện hữu các pháp như đã trình bày do câu sinh, kết quả ấy do Sáu nhân, Bốn Duyên và Năm quả tạo thành.
Sáu nhân là: Năng tác nhân, câu hữu nhân, đồng loại nhân, tương ưng nhân, biến hành nhân và dị thục nhân.
Năng tác nhân. Nhân là năng tác, quả là sở tác. Năng tác tức là nhân nên gọi là năng tác nhân, bất cứ dữ kiện nào có trợ giúp hoặc không cản trở để cho kết quả thành tựu đều là năng tác nhân.
Câu hữu nhân. Nhân quả cùng có một lúc một chỗ (cùng thời gian và không gian) được gọi là câu hữu nhân.
Ðồng loại nhân. Tính chất đồng nhất và tương tục làm cho sự vật hình thành gọi là đồng lọai nhân.
Tương ưng nhân. Sự tương ưng của tâm vương và tâm sở để cho sự vật phát sinh.
Biến hành nhân. Chỉ cho sự quan hệ nhân quả của mười một phiền não biến hành của tâm sở. Phiền não do Tập đế hay Khổ đế sinh ra, nó có tác dụng làm nhân phát sinh tất cả phiền não, nên gọi là biến hành nhân.
Dị thục nhân. Nhân và quả khác loại, khác tính hoặc biến đổi đưa đến kết quả báo sai khác, gọi là dị thục nhân.
Duyên là sự quan hệ, Sự vật hình thành, tồn tại do những mối quan hệ chằng chịt, phức tạp chia thành bốn duyên: Nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên.
Nhân duyên. Nhân là yếu tố chính duyên là yếu tố phụ hình thành sự vật. Lấy nhân làm duyên gọi là nhân duyên, nó là yếu tố trực tiếp của hậu quả.
Ðẳng vô gián duyên. Là cái duyên chủ yếu thuộc nội tâm bình đẳng không gián đoạn tác động vào sự hình thành sự vật.
Sở duyên duyên. Là duyên của sở duyên tức duyên của đối tượng. Duyên nầy chủ yếu thuộc nội tâm.
Tăng thượng duyên. Duyên từ bên ngoài giúp thêm vào làm cho nó mạnh thêm lên, chẳng hạn nó làm cho thành công sớm hay thất bại nhanh.
Nhân và duyên tạo ra quả, quả có hai loại chính là:
Quả hữu vi, có sinh diệt biến dị, do nhân duyên sinh.
Quả vô vi, thường trú không sinh diệt, do chứng đắc.
Quả hữu vi có bốn thứ là: Dị thục quả, đẳng lưu quả, sĩ dụng quả, tăng thượng quả.
Dị thục quả. Là thân quả báo của loài hữu tình có khổ, vui trong lục đạo.
Ðẳng lưu quả. Tính chất của quả giống với nhân. Tâm trước lành sinh ra tâm sau lành, tâm trước ác sinh ra tâm sau ác. Do đồng loại nhân, biến hành nhân và tăng thượng duyên tạo ra.
Sĩ dụng quả. Sĩ là sĩ phu, dụng là tác dụng. Sĩ dụng quả là kết quả do năng lực con người làm ra.
Tăng thượng quả. Là kết quả của năng tác nhân và bốn duyên hợp thành. Ví như học trò đi học, hiểu nhanh, chậm còn tùy thuộc vào khả năng của thầy giáo và sự chuyên cần hay biếng nhác của người học.
Quả vô vi. Là quả thứ năm, quả nầy do hành giả chứng đắc khi đoạn tận sự ràng buộc của tham ái nhờ năng lực trí tuệ tu tập, không do sáu nhân và bốn duyên hợp thành.
3.- Tam Thập Tụng. Về sau, cuối cùng Thế Thân viết luận Tam Thập Tụng (Ba mươi bài tụng) trong đó có nói về tướng của thức năng biến là A lại da, Mạt Na và sáu thức nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Một bài tụng viết:
Sơ A lại da thức
Dị thục, Nhứt thế chủng
Bất khả tri chấp thọ
Xứ liễu thường dĩ xúc
Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư
Tương ưng duy Xả thọ
Thị vô phú vô ký
Xúc đẳng diệc như thị
Hằng chuyển như bộc lưu
A la hán vị xả
Nghĩa là:
Trước là A lại da
Nhị thục, Nhứt thế chủng.
Không thể biết: giữ, chịu (chấp thọ)
Thế giới (xứ) và phân biệt (liễu)
Tương ưng năm biến hành,
Năm thọ chỉ Xả thọ,
Thức nầy và Tâm sở
Ðều vô phú, vô ký.
Hằng chuyển như nước thác
A la hán mới xả.
Về Duy thức, được xác định trong một bài tụng khác
Thị chư thức chuyển biến
Phân biệt sở phân biệt
Do thử bỉ giai vô
Cố nhứt thế Duy thức.
Nghĩa là:
Các thức nầy chuyển biến
Phân biệt, bị Phân biệt
Do bỉ, thử đều không
Nên tất cả Duy thức.
Duy thức và A lại da duyên khởi đã được Thế Thân dựa vào kinh điển xiển dương từ đó. Tiếp theo là các luận sư tiếp nối nhau tuyên dương giáo nghĩa Duy thức, truyền bá tư tưởng A lại da duyên khởi như Thân Thắng (Bandhusrì), Hỏa Biện (Citrbhàna), Ðức Tuệ (Gunamati), Trần Na (Dignàga hay Nahàdignàga), An Tuệ (Sthiramati), Nan Ðà (Nanda), Tịnh Nguyệt (Suddhacandra), Hộ Nguyệt, Hộ pháp (Dharmapàla - học trò Trần Na), Giới Hiền (Silabhadra), chính ngài Giới Hiền truyền môn Duy thức cho Huyền Tráng (600-664) tại học viện Na Lan Ðà. Huyền Tráng viết Thành Duy Thức Luận lấy giáo nghĩa Duy thức của ngài Hộ Pháp thầy của Giới Hiền làm chính.
Tại chùa Ðại Từ Ân, Khuy Cơ tiếp tay giúp việc phiên dịch cho thầy mình, sau khi Huyền Tráng tịch, Khuy Cơ viết luận để phát huy chân nghĩa Duy thức như Thành Duy Thức Luận Thuật Ký, Thành Duy Thức Luận Biệt Sao, Thành Duy Thức Luận Khu Yếu, Duy thức tam Thập Tụng lược thích, Duy Thức Nhị Thập Tụng Thuật Ký, Duy Thức Luận Khai Phát.
4.- Nội dung Duy Thức. Duy thức chia vạn vật ra làm 5 vị, 100 pháp:
1. Tâm pháp : Cũng gọi là Tâm vương là chân tướng của tri thức, nó có 8 :
- Nhãn thức : Cái biết của con mắt.
- Nhĩ thức : Cái biết của lỗ tai.
- Tỹ thức : Cái biết của mũi.
- Thiệt thức : Cái biết của lưỡi.
- Thân thức : Cái biết của thân.
- Ý thức : Cái biết của ý.
- Mạt Na thức : Cái biết thường chấp ngã.
- A Lại Gia thức : Tàng trữ tất cả cái biết.
A Lại Gia thức là căn bản còn bảy thức kia chỉ là biến tướng của nó mà thôi. Có khi người ta chỉ phân Tâm pháp ra thành 3 là : Tâm (A Lại Da), Ý (Mạt Na, vì thức nầy có tánh cách suy nghĩ, lo lắng nên có tên là Ý, nó cũng là Ý căn, để tránh nhầm lẫn với Ý thức, người ta để tên nó theo Phạn âm Mạt na) và Thức (Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý thức)
2. Tâm sở : là sự tác dụng của tri thức, nó có 51 thứ, chia thành 6 loại :
a) Biến Hành .- Có 5 thứ :
- Xúc: Tiếp xúc, gặp gỡ.
- Tác ý : Móng khởi cái ý
- Thọ : Lãnh thọ.
- Tưởng : Nhớ tưởng.
- Tư : Lo nghĩ.
b) Biệt cảnh.- Có 5 thứ :
- Dục : Mong muốn.
- Thắng giải : Hiểu biết rõ ràng.
- Niệm : Nhớ.
- Ðịnh : Chuyên chú.
- Huệ : Sáng tỏ.
c) Thiện.- Có 11 thứ :
- Tín : Tin
- Tàm : Tự xấu hổ.
- Quí : Thẹn với người.
- Vô tham : Không tham lam.
- Vô sân : Không sân hận.
- Vô si : Không si mê.
- Tinh tấn : Tinh chuyên và tấn tới.
- Khinh an : Nhẹ nhàng, thơ thới.
- Bất phóng dật : Không buông lung, phóng túng.
- Hành xả : Làm rồi không chấp trước.
- Bất hại : Không làm tổn hại.
d) Căn bản phiền não.- Có 6 thứ :
- Tham : Tham lam.
- Sân : Nổi nóng.
- Si : Ngu si.
- Mạn : Khinh mạn.
- Nghi : Nghi ngờ, do dự.
- Ác kiến : Những thấy biết thuộc về tội ác, nhiễm ô như : Thân kiến (Chấp NGÃ), Biên kiến (Chấp một bên), Tà kiến (Chấp tà, mê tín, dị đoan), Kiến thủ (Cho rằng chỉ chỗ hiểu biết của mình là đúng), Giới cấm thủ (Chấp giữ theo những giới cấm không chơn chánh).
e) Tùy phiền não.- Có 20 thứ :
 Tiểu tùy : Có 10 thứ :
- Phẫn : Giận.
- Hận : Hờn.
- Phú : Che giấu.
- Não : Buồn buồn.
- Tật : Tật đố, ganh ghét.
- Xan : Bỏn xẻn.
- Cuống : Dối.
- Siễm : Bợ đỡ, nịnh hót.
- Hại : Tổn hại.
- Kiêu : Kiêu căng.
 
Trung tùy : Có 2 thứ :
- Vô tàm : Tự mình không biết xấu hổ.
- Vô quí : Không biết thẹn với người.
 
Ðại tùy : Có 8 thứ :
- Trạo cử : Lao chao.
- Hôn trầm : Mờ tối trầm trọng.
- Bất tín : Không tin.
- Giải đãi : Biếng nhát, trễ nải.
- Phóng dật : Buông lung.
- Thất niệm : Mất chánh niệm.
- Tán loạn : Rối loạn.
- Bất chánh tri : Biết song không chơn chánh.
g) Bất định.- Có 4 thứ :
- Hối : Ăn năn.
- Miên : Ngủ.
- Tầm : Tìm cầu.
- Tư : Chính chắn xét.
3. Sắc pháp : Là vật tượng do tri thức nhận ra được nó, có 11 thứ :
a) Năm căn.- Căn là chỗ nương cho thức phát sanh, căn nào cũng có tinh tế ở bên trong, gọi là Thắng nghĩa căn , còn thô phù. ở bên ngoài gọi là Phù trần căn. Có năm căn:
- Nhãn căn : Mắt.
- Nhĩ căn : Lỗ tai.
- Tỹ căn : Lỗ mũi.
- Thiệt căn : Cái lưỡi.
- Thân căn : Thân thể.
b) Sáu Trần.- Trần có nghĩa là nhiễm ô, bụi bặm.
- Sắc Trần : Cảnh do mắt thấy.
- Thanh trần : Tiếng do tai nghe.
- Hương trần : Mùi ngửi.
- Vị trần : Vị nếm.
- Xúc trần : Sự tiếp xúc của thân.
- Pháp trần : Cái bóng dáng của 5 trần còn lưu lại trong ý thức.
4. Bất tương ưng hành pháp : Hành có nghĩa là Hành Uẩn, Tương ưng có nghĩa là hòa hiệp. Vậy đây là những Hành uẩn không hòa hợp với Tâm. Chúng do sự quan hệ giữa Tâm pháp và Sắc pháp mà thành lập, có 24 thứ :
- Ðắc : Ðược.
- Mạng căn : Thân mạng sống lâu hay mau.
- Chúng đồng phận : Là đồng loại với nhau.
- Dị sanh tánh : Tánh chất khác nhau.
- Vô tưởng định : Sự tạm diệt các tâm sở ?? tưởng ??.
- Diệt tận định : Sự tạm diệt cảm giác và tư tưởng.
- Vô tưởng báo : Báo thân ở cõi trời vô tưởng.
- Danh thân : Tên hay danh từ.
- Cú thân : Câu.
- Văn thân : Chữ.
- Sanh : Sanh ra.
- Trụ : Ở lại.
- Lão : Già, suy yếu.,
- Vô thường : Không thường.
- Lưu chuyển : Xoay vần.
- Ðịnh vị : Nhơn quả lành dữ khác nhau, không lộn lạo.
- Tương ưng : Ưng thuận, cân xứng nhau.
- Thế tốc : Mau lẹ nhanh chóng.
- Thứ đệ : Thứ lớp, trật tự.
- Thời : Thời gian.
- Phương : Không gian Ðông,Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới.
- Số : Số lượng.
- Hòa hiệp tánh : Tánh hòa hợp với nhau.
- Bất hòa hiệp tánh : Tánh không hoà hợp, chống chỏi nhau.
5. Vô vi pháp : Có 6 thứ :
- Hư không vô vi : Không ngã, không pháp, không cấu nhiễm, rỗng rang trong vô vi.
- Trạch diệt vô vi : Dùng trí huệ diệt trừ hết các ô nhiễm trong vô vi.
- Phi trạch diệt vô vi : Không lựa chọn, diệt trừ hết các ô nhiễm trong vô vi.
- Bất động diệt vô vi : Diệt trừ hết các chao động trong vô vi.
- Tưởng thọ diệt vô vi : Diệt trừ hết các thọ và tưởng trong vô vi.
- Chơn như vô vi : Thật tánh của các pháp.
Bốn pháp trên là Hữu vi pháp thuộc về hiện tượng, còn vô vi pháp thuộc về bản thể. Căn nguyên thứ nhất của hiện tượng giới chính là A Lại Gia Thức, hết thảy những hiện tượng có trong vũ trụ đều do chủng tử của A Lại Gia Thức biểu hiện ra mà thôi. A Lại Gia Thức có 3 nghĩa. Vì nó chứa các chủng tử nên có tên là Tàng Thức, chủng tử phát sinh ra vạn hữu nên còn có tên là Nhứt Thế Chủng, chính chủng tử mang theo nghiệp để chịu luân hồi nên lại có tên là Dị Thục Thức .
Tàng Thức lại bao hàm ba nghĩa: Năng tàng là chủng tử của A Lại Da tạo ra vật nọ, việc kia, Sở tàng là A Lại Da chứa đựng những hình ảnh, những sự việc, A Lại Da lại bị Mạt Na thức luyến ái chấp làm NGÃ, đó là Ngã ái chấp tàng. Dị Thục Thức cũng có ba nghĩa : Dị thời nhi thục, có nghĩa là khác thời mà chín, cũng như trái cây sống và chín thời gian khác nhau. Dị loại nhi thục, có nghĩa khác loại mà chín, cũng như trái cây có thứ sống thì chua mà chín thì ngọt. Biến dị nhi thục, có nghĩa là biến đổi mà chín, cũng như trái cây lúc còn non da xanh, lúc chín da đỏ.
Căn thân (thân mệnh) và Khí giới (thế giới vật lý) đều do nhân duyên kết hợp và do chủng tử của A Lại Gia Thức phát sinh, cho nên vạn hữu đều là giả có, Pháp nào hết nhân duyên, chúng tự tan rã. Chủng tử thuộc A Lại Gia Thức là hữu vi pháp, có sanh diệt, bởi nhân duyên giả hiệp sở sinh nên không phải là thật tại, quyết không phải là bản thể. Bởi vì bản thể của vạn hữu là cái lý tánh của Chân như, nó là thực tại, vô vi, bất biến.
Như vậy thì một vật hữu vi, hữu sinh, hữu hoại, nó liên hệ gì với bản thể vô vi bất biến ? Vấn đề nầy Duy Thức Học giải đáp rằng, vạn vật có 3 tự tánh :
- Biến kế sở chấp : Do vô minh, chúng ta cho rằng vật nọ vật kia có, thật ra thì do thức tạo ra, chớ nó chẳng thật có.
- Y tha duyên khởi : Một vật giả có là do các duyên hợp thành, gồm có Nhân duyên ấy là nhân duyên của chủng tử. Ðẳng vô gián duyên là những cái duyên sanh hóa liên tục, niệm trước diệt lại làm duyên cho niệm sau sanh. Sở duyên duyên là khi tâm khởi, tất nhiên nó dựa vào cảnh giới khách quan, cảnh giới nầy là sở duyên, cảnh giới có trực tiếp và gián tiếp nên có thứ gọi là Thân sở duyên và Sơ sở duyên. Tăng thượng duyên là những thứ làm cho duyên vượt qua các trở ngại, nên nó có Thuận tăng thượng duyên và Nghịch tăng thượng duyên.
- Tánh viên thành thật : Nó gồm có nghĩa viên mãn, thành tựu và thật tại, nó chính là bản thể, là Chân như, nó là cái sanh ra Y tha duyên khởi Cho nên Tánh viên thành thật là bản thể của Y tha duyên khởi và tướng của nó là hiện tượng.
Thức biến chuyển nên đồng thời sanh ra Năng duyên và Sở duyên, Năng duyên còn được gọi là Kiến phần và Sở duyên còn được gọi là Tướng phần. Khi ta nghe một âm thanh, cái nghe của ta là Kiến phần, còn âm thanh phát ra đó là Tướng phần, nhờ cả cái nghe và âm thanh hợp chung lại làm cho ta nhận biết âm thanh kia, đó gọi là Tự chứng phần, lại còn cái mà ta nhận biết được phần mà ta nghe biết âm thanh kia gọi là Chứng tự chứng phần, Chứng tự chứng phần phải có sẳn ở trong tâm ta, ta mới có thể biết được vạn hữu, cho nên có những thứ ta không có chứng tự chứng phần thì ta không thể biết chúng. Kiến
Phần, Tướng phần là hai phần ở bên ngoài, còn Tự chứng phần và Chứng tự chứng phần là hai phần ở bên trong, cả bốn phần nầy có tên là Tứ phần thành tâm.
Kiến phần sai khác nhau, có 3 thứ :
- Hiện lượng : Nhìn thấy một vật, nghe một âm thanh mà tâm ta không phân biệt vật ấy như thế nào, âm thanh ấy ra sao. Ðó là hiện lượng. - Tỷ lượng : Nhìn một vật ta cho rằng nó hình thật tròn, màu đỏ chói . . . đó là ta đã có so sánh, phân biệt nên gọi là tỷ lượng. - Phi lượng : Nhìn thấy một vật mà ta phân biệt một cách sai lầm, so sánh không đúng thì gọi là phi lượng.
Về Tướng phần tức là hiện tượng nó có 3 cảnh :
- Tánh cảnh : Tướng phần là khách quan của tâm nội, nó là thật thể và thật dụng do chủng tử sanh ra. Có hai loại tánh cảnh:
1) Vô bản chất tánh cảnh : Do Tàng thức biến ra Tướng phần rồi Tàng thức duyên Tướng phần nầy qua Kiến phần, đó là Vô bản chất tánh cảnh.
2) Hữu bản chất tánh cảnh : Chỉ có Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân thức mỗi thức tự duyên Tướng phần của mình, hay những gì do ngũ quan của mình biết được đó là Hữu bản chất tánh cảnh.
- Ðộc ảnh cảnh : Cảnh nầy không có thật thể và thật dụng, cũng không do từ nơi chủng tử sanh ra, nó chỉ là ảnh tượng đơn độc. Có hai loại Ðộc ảnh cảnh :
1) Hữu bản chất độc ảnh cảnh : Như ý thức duyên năm căn và duyên tâm vương, tâm sở của người khác, dùng cảnh nầy để làm bản chất rồi biến ra ảnh tượng của mình để duyên, như thế gọi là Hữu bản chất độc ảnh cảnh.
2) Vô bản chất độc ảnh cảnh : Như Ý thức duyên lông rùa, sừng thỏ là những thứ không có bản chất, như thế gọi là Vô bản chất độc ảnh cảnh.
- Ðới chất cảnh : Như tâm năng duyên khi duyên cảnh sở duyên, tuy rằng có gá nơi cảnh của sở duyên để làm bản chất nhưng không có duyên đặng tự tướng của bản chất. Có hai loại Ðới chất cảnh :
1) Chơn đới chất : Như Mạt Na duyên Kiến Phần của A Lại Da chấp Kiến phần nầy là Ngã. Kiến phần của A Lại Da là Chơn đới chất của Mạt Na bởi vì nó không phải là thật tướng A Lại Da.
2) Tợ đới chất : Như Ý thức duyên những hình tướng dài, ngắn, vuông, tròn màu sắc xanh, đỏ ... để rồi tạo ra Tướng phần vuông, tròn, xanh, đỏ khác. Tướng phần nầy chỉ do Ý thức sanh ra mà thôi nên gọi là Tợ đới chất.
Năm thức đầu là Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân thức gọi là Tiền ngũ thức. Riêng Ý thức thì lại có 2 loại : Ðộc đầu ý thức Ngũ câu ý thức.
- Ðộc đầu ý thức : Là ý thức độc lập khi tác dụng suy nghĩ, tưởng niệm không cần phối hợp với Tiền ngũ thức, nó được phân thành 5 loại :
a) Ý thức tán vị : Trong khi thức, ý thức của ta hoạt động không ngừng, đây là ý thức tán vị.
b) Ý thức trong mộng : Ý thức hoạt động trong giấc mộng.
c) Ý thức trong cơn điên cuồng : Ý thức của người điên.
d) Ý thức trong suy tính : Khi suy nghĩ, tính toán.
e) Ý thức trong định : Ý thức nầy chỉ có trong lúc thiền định.
- Ngũ câu ý thức : Là Ý thức phối hợp với một hay nhiều thức của Tiền ngũ thức ( nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân ).
Như trên đã nói, tất cả các pháp đều do chủng tử sanh ra, còn chủng tử là vô thỉ pháp, chứa trong A Lại Da Thức, khi đủ nhân duyên nó sẽ hiện hành các pháp khác, Chủng tử có hai thứ : Thứ có từ trước, gọi là Bản hữu chủng tử (hay là Bản tánh trụ chủng), thứ mới có, gọi là Thỉ khởi chủng tử (hay Tập sở thành chủng), do sự huân tập để sanh chủng tử mới , gọi là huân sanh, thí dụ một người từ nhiều đời nhiều kiếp chưa nghe Phật Pháp, nay lần đầu tiên được nghe, sẽ gieo được chủng tử Phật Pháp trong A Lại Da, đó gọi là huân sanh. Ví như một người cứ niệm danh hiệu một vị Phật, như vậy người đó huân tập hình ảnh vị Phật ấy, A Lại Da của người đó tạo ra ảnh tượng đức Phật, làm cho ảnh tượng ấy ngày càng rõ ràng hơn, đó chính là huân trưởng chủng tử Phật. Chủng tử có 3 tánh: Lành, dữ và không lành dữ. Thứ hoàn toàn lành, không bị tạp nhiễm, gọi là Vô lậu chủng tử thứ lành hoặc dữ có tạp nhiễm thì gọi là Hữu lậu chủng tử.
Nói rằng vạn hữu do Thức biến hiện ra, đại để có hai thứ : Cộng biến là thức của nhiều chúng sanh chung lại biến ra và Bất cộng biến là thức chỉ do một chúng sanh biến ra, nói rộng ra thì có 4 loại :
1) Cộng trung cộng biến : Như quả địa cầu nầy, do thức của tất cả chúng sanh cùng chung biến ra.
2)
Cộng trung bất cộng biến : Tuy ở chung trên quả địa cầu nầy, có những người chỉ ở vùng rừng núi, không thấy biển hay ngược lại.
3)
Bất cộng trung cọng biến : Như người ở Châu Á, người ở Châu Mỹ nhưng cùng chung biến ra mặt trời, mặt trăng.
4)
Bất cộng trung bất cọng biến : Như người Pháp ở Paris có tháp Eiffel, người Mỹ ở New York có tượng thần tự do.
Chủng tử ở trong A Lại Da Thức giả hợp với nhân duyên phát sanh ra vạn hữu gọi là hiện hành, A Lại Da có tánh Năng trì ( khả năng duy trì) và Năng biến ( khả năng chuyển biến), cho nên khi hiện hành ra một pháp nào đó, pháp ấy lại sinh ra chủng tử, rồi chủng tử nầy lại hiện hành ra các pháp khác, cứ thế liên tục. Như vậy chủng tử sanh hiện hành, hiện hành sanh chủng tử biến chuyển từng giây phút không ngừng nghỉ.
Chủng tử giả hợp với nhân duyên sanh ra một pháp, không phải chủng tử rời khỏi A Lại Da, chủng tử vẫn ở tại A Lại Da để làm Tự chứng phần, do đó Chứng tự chứng phần mới biết được các pháp.
IV. Kết Luận: Tóm lại những gì chúng ta làm có tác ý sẽ thành chủng tử huân tập ở A Lại Da, có đủ nhân duyên sẽ hiện hành ra sự vật, có lúc nó trở nên dị thục thức để mang tất cả chủng tử đã huân tập từ kiếp nầy sang kiếp khác, chuyển từ đời sống nầy sang đời sống kia. Dòng sinh mạng liên tục do A Lại Da duy trì và chuyển biến. Mặt khác "Tam giới duy TÂM, vạn pháp duy THỨC". Ðó chính là A Lại Da Duyên Khởi.
Ngày 31 tháng 8 năm 2003
Sách tham khảo:
HT. Thiện Hoa Duy Thức Tam Thập Tụng Dị Giải, Hương Ðạo Xuất bản, 1971
HT. Thiện Hoa
Duy Thức Nhập Môn, Hương Ðạo Xuất bản, 1971
HT. Thanh Kiểm
Lịch Sử Phật Giáo Ấn Ðộ, Vạn Hạnh Xuất bản, 1963
HT. Thanh Kiểm
Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc, Vạn Hạnh Xuất bản, 1965
TS. Nhất Hạnh
Vấn Ðề Nhận Thức Trong Duy Thức Học, Lá Bối, Việt Nam, 1969
Phan Văn Hùm
Triết Học Phật Giáo, Tân Việt, 1958
HT. Thiện Siêu
Ðại Cương Luận Câu Xá, NXB Tôn giáo, 2000
Thích Tâm Thiện
Tâm Lý Học Phật giáo, NXB TP HCM, 1998