Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Duyen khởi và Vô minh duyên khởi


Duyên khởi là giáo lý cơ bản, quan trọng nhất của Phật giáo để giải thích vì sao mọi pháp được hình thành. Ðức Phật đã dạy tôn giả A Nan: " Này A Nan ! Giáo pháp Duyên khởi nầy thâm thúy, thật sự thâm thúy, này A Nan chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp duyên khởi này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một tổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja, không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử." (1).
Nó quan trọng bởi vì giáo lý Duyên khởi, cho thấy mọi pháp do duyên sinh nên vô ngã tính, hiểu được vô ngã tính trong mọi pháp, chúng ta sẽ dễ dàng bỏ hết những tiền, tài, danh, lợi, để tinh tấn tu học.
Vậy Duyên khởi là gì ? Chúng ta hãy nghe đức Thế tôn giảng trong Kinh Tương Ưng bộ Phẩm Phật Ðà như sau :
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá vệ), tại Jetavana (Thắng Lâm), trong vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc)
Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ kheo: " Này các Tỷ kheo!". "- Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói:
- Này các Tỷ kheo, ta sẽ thuyết cho các Ông về lý Duyên khởi. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn
Các Tỷ kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
Này các Tỷ kheo, thế nào là lý Duyên khởi ? Này các Tỷ kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy toàn bộ khổ uẩn nầy tập khởi. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là tập khởi.
Nhưng do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn nầy đoạn diệt. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là đoạn diệt.
Thế Tôn nói như vậy. Các Tỷ kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Lần khác cũng ở tại Sàvatthi (Xá vệ)
- Này các Tỷ kheo, ta sẽ thuyết và phân tích cho các Ông về lý Duyên khởi. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn
Các Tỷ kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
Này các Tỷ kheo, thế nào là lý Duyên khởi ? Này các Tỷ kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy toàn bộ khổ uẩn nầy tập khởi.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là già chết ? Cái gì thuộc chúng sanh nầy hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh nầy hay thuộc bộ lọai chúng sanh khác, sự từ bỏ, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn hư hoại, thân thể vứt bỏ. Ðây gọi là chết. Như vậy đây là già, đây là chết. Này các Tỷ kheo, đây gọi là già chết.
Và nầy các Tỷ kheo, thế nào là sanh ? Cái gì thuộc chúng sanh nầy hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh nầy hay thuộc bộ loại chúng sanh khác bị sanh, xuất sanh, giáng sanh, đản sanh, sự xuất hiện các uẩn, sự thành tựu các xứ. Này các Tỷ kheo, đây gọi là sanh.
Và nầy các Tỷ kheo, thế nào là hữu ? Này các Tỷ kheo, có ba hữu này: Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hữu.
Và nầy các Tỷ kheo, thế nào là thủ ? Này các Tỷ kheo, có bốn thủ này: Dục thủ, Kiến thủ, Giới cấm thủ, Ngã luận thủ. Này các Tỷ kheo, đây gọi là thủ.
Và nầy các Tỷ kheo, thế nào là ái ? Này các Tỷ kheo, có sáu ái thân này: Sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Này các Tỷ kheo, đây gọi là ái.
Và nầy các Tỷ kheo, thế nào là thọ ? Này các Tỷ kheo, có sáu thọ thân này: thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỷ xúc sanh, thọ do thiệt xúc sanh, thọ do thân xúc sanh, thọ do ý xúc sanh. Này các Tỷ kheo, đây gọi là thọ.
Và nầy các Tỷ kheo, thế nào là xúc ? Này các Tỷ kheo, có sáu xúc thân này: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Này các Tỷ kheo, đây gọi là xúc.
Và nầy các Tỷ kheo, thế nào là sáu xứ ? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Này các Tỷ kheo, đây gọi là sáu xứ.
Và nầy các Tỷ kheo, thế nào là danh sắc ? Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý; đây gọi là danh. Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo ra; đây gọi là sắc. Như vậy đây là danh, đây là sắc. Ðây gọi là danh sắc.
Và nầy các Tỷ kheo, thế nào là thức ? Này các Tỷ kheo, có sáu thức thân này: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Này các Tỷ kheo, đây gọi là thức.
Và nầy các Tỷ kheo, thế nào là hành ? Này các Tỷ kheo, có ba hành này: Thân hành, khẩu hành, ý hành. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hành.
Và nầy các Tỷ kheo, thế nào là vô minh ? Này các Tỷ kheo, không rõ biết Khổ, không rõ biết Khổ tập, không rõ biết Khổ diệt, không rõ biết Con đường đưa đến Khổ diệt. Này các Tỷ kheo, đây gọi là vô minh.
Như vậy nầy các Tỷ kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn nầy tập khởi. Nhưng do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt. Như vậy là ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn của toàn bộ khổ uẩn nầy. (2)
Theo duyên khởi, con người được hình thành do 12 chi của nhân duyên: Vô minh -> hành -> thức -> danh sắc -> lục nhập -> xúc -> thọ -> ái ->thủ -> hữu -> sanh -> già chết, cho nên được gọi là Vô minh duyên khởi.
Về Vô minh, đức Phật dạy tôn giả Xá Lợi Phất như sau:
"Vô minh, vô minh", nầy hiền giả, Sàriputta, được nói đến như vậy. Nầy Hiền giả, thế nào là vô minh?
Này hiền giả, không biết rõ đối với khổ, không biết rõ đối với khổ tập khởi, không biết rõ đối với khổ đoạn diệt, không biết rõ với con đường đưa đến khổ đoạn diệt, này Hiền giả, đây gọi là vô minh. (3)
Ðể giải thích khởi nguyên của vũ trụ, các nhà khoa học đương đại lập thuyết Big Bang. Theo thuyết nầy vũ trụ hình thành cách nay 15 tỷ năm, từ một vụ nổ chớp nhoáng, phát khởi từ một vật chất vô cùng bé, nóng và đậm đặc vô cùng. Vụ nổ đồng thời tạo ra không gian và thời gian, từ đó giản nở không ngừng, loãng đi và lạnh rất nhiều. Nhờ vũ trụ lạnh đi nên các cấu trúc như các hạt cơ bản, hạt quarks, điện tử, nguyên tử có thể hình thành. Năng lượng của hư không tạo ra vật chất theo công thức nổi tiếng của nhà bác học Einstein E=mc2, được đánh giá là công thức nổi tiếng nhất trong lịch sử khoa học. Mo6.t khối năng lượng có thể chuyển thành một hạt vật chất mà khối lượng m bằng khối năng lượng E chia cho bình phương của tốc độ ánh sáng.
Nhưng khoa học không cho phép người ta dò tìm ra được điểm khởi đầu của vụ nổ, như có bức tường ngăn, không cho các nhà khoa học biết chi hết, bức tường đó được gọi là Planck, đó là tên của nhà khoa học Ðức, người đầu tiên nghiên cứu vấn đề nầy. Bức tường Planck hiện hữu ở thời điểm 10-43 giây (mười lũy thừa trừ 43), thời điểm nầy cũng được gọi là thời điểm Planck. Vũ trụ lúc bấy giờ nhỏ bằng đường kính của nguyên tử Hydro nhỏ bé bằng 10-33 cm (mười lũy thừa trừ 33), đường kính nầy cũng là chiều dài Planck. (5)
Phải chăng đối với các nhà khoa học, bức tường Planck là màn vô minh, vô minh ấy mới hành ra Big Bang ?
Ðã nói về duyên khởi, cũng nên nói qua Nhân duyên, nhân là điều kiện chính, duyên là điều kiện phụ phát sinh ra sự vật (pháp). Theo Kinh Lăng Già Tâm Ấn (5), có hai thứ duyên và sáu thứ nhân.
Tất cả pháp có hai duyên tướng là ngoại và nội duyên:

- Ngoại duyên:  Như đất, nước, công sức, củi lửa lò nung làm ra cái bình, những thứ làm nên cái bình ấy là ngoại duyên.
- Nội duyên:  Còn chất mặn trong nước biển là sở duyên của nước, nó ở trong nước biển là nội duyên.
Còn 6 nhân là:
Ðương hữu nhân, tương tục nhân, tướng nhân, tác nhân, hiển thị nhân và đãi nhân.
- Ðương hữu nhân là có nhân rồi pháp trong, ngoài sanh, tương đương với nhân duyên.
- Tương tục nhân là duyên có rồi pháp trong ngoài sanh, tương đương với sở duyên duyên.
- Tướng nhân là tạo tướng không gián đoạn tương tục sanh, tương đương với đẳng vô gián duyên.
- Tác nhân là làm tăng thêm, tương đương với tăng thượng duyên.
- Hiển thị nhân là vọng tưởng sanh rồi tướng mới hiện.
- Ðãi nhân là khi đoạn diệt tạo đoạn tương tục, tánh chẳng vọng tưởng sanh.
Sáu nhân nầy làm thành sáu loại duyên khởi.
Lý Duyên khởi rất quan trọng như đức Thế Tôn đã dạy : "Ai thấy duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Phật". Nhờ thấy Phật ta có đức tin, nhờ thấy Pháp ta biết đường tu để ly tham, đoạn diệt vô minh đầu mối của sinh tử, luân hồi.
Phúc Trung
Jun. 12th. 2003
---
  1. Kinh Ðại Duyên Trường Bộ 1, tr. 512
  2. Kinh Tương Ưng Bộ 2, tr. 9-14
  3. Kinh Tương Ưng Bộ 4, tr. 411
  4. GN số 62, 05/2001
  5. Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Tu viện Chân Không, Vũng Tàu, Việt Nam, 1975, tr. 142

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét