Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Pháp giới Duyên khởi

Phúc Trung
I. Dẫn: Như đã trình bày, Hoa Nghiêm Tông phân chia lý duyên khởi thành 4 chủng loại: Vô minh duyên khởi, A lại da duyên khởi, Như Lai tạng duyên khởi và Pháp giới viên khởi là viên giáo.
II. Ðịnh nghĩa: Dharma chữ Phạn là Pháp, chỉ chung cho mọi sự vật dù lớn hay nhỏ dù vô hình hay hữu hình, chơn thật hay hư vọng đều là Pháp cả. Duy Thức luận giải nghĩa chữ Pháp : " Tự thể nhậm trì, quỉ sinh vật giải " nghĩa là có khả năng duy trì bảo hộ tự thể và là tiêu chuẩn quy phạm của nhận thức. Hay có thể nói PHÁP chỉ cho cái gì gìn giữ được tự thể của nó, làm cho người ta trông đến, nhận biết đó là vật gì.
Dharmadhatu chữ Phạn là Pháp giới, có nhiều nghĩa nhưng có thể tóm tắc vào hai nghĩa trong phạm vi về sự và về lý.
Về sự : Pháp là các pháp, giới là cảnh giới, giới hạn. Các pháp đều có tự thể nhưng vì cảnh giới chẳng đồng, cho nên phân ra từng cảnh giới, mỗi cảnh giới là một pháp giới. Như trong kinh Phật chia ra mười cảnh giới: 1. Phật, 2. Bồ Tát, 3. Duyên Giác, 4. Thanh Văn, 5. Thiên, 6. Nhơn, 7. A tu la, 8. Quỉ, 9. Súc sanh, 10. Ðiạ ngục. Trong vũ trụ vô biên vô cùng tận, lúc nào, chỗ nào cũng có Phật pháp gọi chung là pháp giới (cõi pháp của Phật). Khi đức Phật tại thế Ngài dạy vô lượng pháp môn tu, các pháp môn ấy gồm thành một Pháp giới.
Về lý: Pháp giới là cảnh giới chung của chúng sanh: Dầu người, dầu vật đều có đồng một pháp tánh như nhau, đó là Phật tánh hay Chơn như nên tất cả đều sẽ thành Phật. Pháp giới còn có nghĩa là: Pháp là Phật đạo, Thánh đạo, Giới là cảnh giới mà người tu hành phải nương theo, để tấn tới thành Thánh rồi tiến lên thành Phật. Pháp còn có nghĩa là pháp lý, pháp môn, giới tức là tánh; các pháp đều đồng một tánh, người tu hiểu được như thế, nương theo đó tu để mau được giải thoát.
Một đoạn kinh rất quan trọng là căn bản của Pháp giới duyên khởi, đức Thế Tôn đã giảng tại Kỳ thọ Cấp Cô Ðộc viên như sau:
Ở đây, này các Tỷ kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử khéo chơn chánh tư duy định lý duyên khởi: " Do cái nầy có mặt, cái kia có mặt. Do cái nầy sanh, cái kia sanh. Do cái nầy không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái nầy diệt, cái kia diệt.". Ví như do duyên vô minh, các hành sanh khởi… Như vậy là toàn bộ khổ uẩn nầy tập khởi. (1)
Chính đoạn kinh trên đây, cho chúng ta thấy rằng một vật hiện hữu liên hệ chằng chịt với biết bao nhiêu vật khác trong Vũ trụ hay Pháp giới, do vậy mà người ta thường nói là trùng trùng duyên khởi.
III.Kết luận: Hiểu được Pháp giới duyên khởi là chúng ta thấy được vạn hữu tánh không, do đó vô ngã, giả hợp mà có, từ đó xả ly mọi tham ái, phiền não để tiến nhanh trên đường giải thoát.
--- Chú thích:
(1) HT. Thích Minh Châu
Kinh Tương Ưng Bộ, quyển 2, trang 171,VNCPHVN, 1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét