Phúc Trung
Hàng Phật tử chúng ta ai cũng hiểu rằng khi tụng kinh thì miệng đọc, thân yên tịnh, tâm chú trọng vào nghĩa lý của câu kinh. Cho nên sự lợi ích của tụng kinh là mở mang trí huệ, định tâm, đồng thời chuyển được ba nghiệp của thân, miệng, ý.
Trong một thời tụng kinh, những bậc tổ, thầy ngày xưa có dạy một câu thiệu ‘ vào Ðại Bi, ra Bát Nhã ‘, nghĩa là trước khi tụng một quyển kinh hay một phẩm kinh, sau phần nguyện hương, tán Phật, trước khi vào phần chính của kinh là phải tụng ‘ Chú Ðại Bi ‘, khi chấm dứt kinh, người ta phải tụng ngay tiếp theo‘ Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh ‘, Có chỗ còn gọi là ‘ Bổ khuyết tâm kinh ‘.
Khi tụng Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh có một số vấn đề, chúng tôi thấy cần tìm hiểu :
- Nguồn gốc và các nghi vấn.
- Cốt tuỷ kinh.
- Chú.
- Nguồn gốc và các nghi vấn.
- Cốt tuỷ kinh.
- Chú.
1.- Nguồn gốc và các nghi vấn : Chúng ta biết rằng các lần kết tập kinh điển kỳ I và II, chỉ hợp tụng kinh điển mà thôi. Còn lần kết tập kỳ III, dưới triều đại A Dục ( ASOKA-lên ngôi năm 272 và mất năm232 TTL ), tuy ngày nay không tìm thấy một bản kinh nào được ghi chép trong lần kết tập nầy, nhưng bài sắc văn của vua A Dục khắc ở cột đá đã được phát kiến ở thôn Lumbini, nơi đức Thế Tôn đản sinh, cho phép chúng ta đi đến kết luận kinh điển Phật giáo cũng đã có ghi chép trong lần kết tập nầy, nhưng sau triều đại A Dục, vương triều MAURYA suy kém lần, Ấn độ bị Hy Lạp thôn tính, các tiểu quốc nổi lên cát cứ nhiều phương, nạn đói kém, sau đó bị vương triều SUNGA chiếm lấy ngôi của dòng Maurya, Phật giáo bị đàn áp, vì thế mà các bản kinh đã không còn được lưu truyền. Cho đến vương triều KUSANA, vua Ca Nhị Sắc Ca ( KANISHKA -78 TTL-101 STL ) đã tổ chức lần kết kỳ IV, lần nầy kinh điển được khắc vào bản đồng, tuy vậy mà ngày nay, chỉ còn có luận tạng Abhidarma-mahavibhàsa Sutra hãy còn giữ được.
Trước thời đại ngài Long Thọ ( Nagarjuna - ngài sanh vào khoảng năm 160 ) Bát Nhã bộ đã lưu truyền gồm có :
- Ðại Bát Nhã Sơ Phận.
- Ðại Bát Nhã. - Văn Thù Bát Nhã.
- Thắng Thiên Vương Bát Nhã.
- Lý Thú Bát Nhã.
- Kim Cương Bát Nhã.
- Bát Nhã Tâm Kinh.
- Ðại Bát Nhã. - Văn Thù Bát Nhã.
- Thắng Thiên Vương Bát Nhã.
- Lý Thú Bát Nhã.
- Kim Cương Bát Nhã.
- Bát Nhã Tâm Kinh.
Khi Ðức Phật còn tại thế, Ngài nói kinh nầy tại bốn chỗ, 16 hội trong thời gian 22 năm ở Kỳ Viên Tịnh Xá ( Jetavana-Vihàna nay ở thành Sahet-Mahet ) và Trúc Lâm Tịnh Xá ( Valuvana-Vihàna nay ở thành Rajighia ), hai tịnh xá nầy cách nhau khoảng 600 cây số ngàn, cả hai nơi đức Phật thường thuyết Pháp hơn các nơi khác.
Kinh Bát Nhã ( Prajna-Paramita Sutra ) gồm có ba bản :
- Ðại phẩm Bát Nhã, có 25 ngàn bài tụng.
- Tiểu phẩm Bát Nhã, có 8 ngàn bài tụng.
- Bát Nhã tâm kinh.
- Tiểu phẩm Bát Nhã, có 8 ngàn bài tụng.
- Bát Nhã tâm kinh.
Ngài Câu Ma La Thập ( Kumarajiva 344-413, ngài được vua Diệu Hưng đời Hậu Tần rước về Tràng An vào năm 401 đến 413, trước đó ngài đã ở ải địa đầu Lang Châu. Trong ba mươi năm ở Trung quốc, ngài dịch ra chữ Hán hơn 97 bộ kinh, gồm 425 quyển, nay chỉ còn lại có chừng 50 bộ kinh ), ngài đã dịch ra chữ Hán toàn bộ kinh Bát Nhã như sau :
- Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật kinh, 27 quyển.
- Tiểu phẩm Bát Nhã Ba La Mật kinh, 10 quyển.
- Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật kinh, 1 quyển.
- Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật đại thần chú, 1 quyển.
- Tiểu phẩm Bát Nhã Ba La Mật kinh, 10 quyển.
- Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật kinh, 1 quyển.
- Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật đại thần chú, 1 quyển.
Trần Huyền Trang ( 600-664 ) đời Ðường, ngài có dịch Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh với tựa là Ðại Bát Nhã Kinh ( Từ khi ở Ấn Ðộ về năm 645, ông đến chùa Hoằng Phước ở kinh đô Tràng An, tổ chức việc dịch 675 quyển kinh đã mang về. Năm 652, sợ bị hỏa hoạn hay hư hỏng, ông cho xây một tàng kinh các có 5 tầng, ở góc phía tây chùa Từ Ân, để tàng trử các kinh nầy. Công việc dịch thuật được vua Ðường Thái Tôn yểm trợ, ngoài ông ra còn có 12 danh tăng, lại có thêm 9 nhà sư thông thạo văn phạm, 1 nhà sư nguyên ngữ học, về sau nhà vua còn chỉ định 5 vị quan đầu triều giúp đỡ và nhuận sắc nếu cần, không kể những người giúp việc sao chép. Từ năm 660 đến năm 663, ông đến chùa Ngọc Hoa cạnh kinh kỳ, để có nơi yên tĩnh dịch kinh Ðại Bát Nhã, nó gồm có 600 quyển, đó là dịch phẩm cuối cùng và ông đã viên tịch tại đây năm 664. Trong 19 năm, ông và những người cộng sự đã hoàn tất được 75 dịch phẩm, gồm 1335 tập ).
Ngài Câu Ma La Thập cũng như ngài Huyền Trang, họ đều là các bậc thánh tăng, để lại tiếng tăm dịch kinh bất hủ trong lịch sử Phật Giáo Trung Quốc.
Hòa Thượng Thích Trí Tịnh đã dịch Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật theo quyển của ngài Câu Ma La Thập, bộ kinh nầy ngài dịch trong 6 năm, từ năm 1967 đến năm 1973 thì hoàn tất, in thành ba tập.
Tưởng cũng nên ghi nhận, kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật là tóm tắc Kinh Ðại Bát Nhã, nội dung của Ðại phẩm Bát Nhã và Tiểu Phẩm Bát Nhã thì tương tự nhau, còn Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh là bản cô động nhất, ngắn nhất, ngài Huyền Trang dịch bản kinh nầy chỉ có 280 chữ kể cả tựa.
Theo học giả Trần Trọng Kim thì Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh dịch ra chữ Hán có 7 bản, trong đó bản dịch của ngài Huyền Trang được phổ biến hơn cả.
Còn dịch ra Việt ngữ, về văn xuôi thấy có in trong Từ bi Ðạo tràng Mục Liên Sám pháp dịch giả Hoà Thượng Quảng Ðộ, do chùa Việt Nam ở Seatttle in năm 1992, không rõ ai là dịch giả bài Tâm Kinh ( bản chánh bài Tâm kinh in âm Hán Việt ). Về văn vần, có một bổn in trong Nghi Thức Tụng Niệm của Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam, ấn hành năm 1979, một bản nữa, in trong Kinh Vu Lan ( Nghĩa ) dịch giả Hòa Thượng Huệ Ðăng, Hương Ðạo Xuất Bản năm 1970.
Theo ông Bạch Liên viết trong Những Ðiều Tôi Hiểu Biết Về Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh in năm 1970 thì Phạn ngữ có đến 2 bản Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh: Bản ngắn và bản dài. Bản ngắn là bản của ngài Huyền Trang đã dịch, các kinh đều in theo bản nầy và Phật tử chúng ta đã tụng trong mỗi thời kinh chữ. Còn bản dài, có một bản được lưu giữ ở tu viện Hasedara thuộc tỉnh Yamato của Nhật Bản, gồm một bản sao chữ Phạn, một bản phiên âm chữ Phạn và một bản dịch chữ Hán, các bản nầy được sao chép tại Trung Quốc vào năm 796-798 và được mang về Nhật Bản vào đầu thế kỷ IX. Bản nầy được hai nhà sư Nhật là Kanematsa và Ôta, sao chép từ Nhật gửi sang Oxford cho ông W. Max Muller nhận được ngày 7-10-1880, ông Max Muller in trong quyển Anecdota Oxoniensia Aryan Serie năm 1884, được ông F.M. dịch ra Việt ngữ như sau :
Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh.
Nam mô nhất thiết trí !
Tôi nghe như vầy : Một thuở nọ đức Thế Tôn ngụ tại thành Vương Xá ( Ragugriha ) trên non Linh Thứu ( Gridhrakuta ), cùng với một số đông hàng Tỳ kheo ( Bhiksu ) và một số đông chư chư vị Bồ Tát ( Bodhisattvas ).
Khi ấy đức Thế Tôn đang đại định, tức là nhập Thâm diệu Tam Bồ Ðề ( Gambhirava-sambodha ), đồng thời Ðức Thánh Quán Tự Tại bồ tát cũng thật hành pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa cao thâm, Ngài suy nghĩ như vầy: có 5 Uẩn và bản tính chúng đều trống không ( về hiện tượng ).
Bây giờ nhờ oai lực của Phật, Tôn giả Xá-lợi-tử bạch với Ðức Thánh Quán Tự-tại Bồ-tát rằng: Nếu có thiện nam, tín nữ nào muốn tu học theo pháp môn Bát-nhã Ba-La-mật cao thâm thì phải tu học như thế nào ?
Nhơn đó, Ðức Thánh Quán Tự-tại Bồ-tát mới bảo Tôn giả Xá-lợi-tử: Nếu thiện nam, tín nữ nào muốn tu học pháp môn Bát-nhã Ba-la-mật cao thâm thì phải suy nghĩ như vầy: Có 5 Uẩn và phải xem bản tính của 5 Uẩn đó như là trống không: Sắc là không, không là sắc. Không chẳng khác sắc mà sắc chẳng khác không. Cái gì là sắc, đó là không, cái gì là không, đó là sắc. Cảm giác, tư tưởng, hành vi và tri thức ( thọ, tưởng, hành, thức ) cũng đều không, chẳng có chỗ khởi đầu, cũng chẳng có chỗ cuối cùng ( vô thủy vô chung ). Chẳng có nhơ bợn, cũng chẳng có cái chi chẳng nhơ bợn, chẳng có cái chi vẹn toàn cũng chẳng có cái chi chẳng vẹn toàn. Này Xá-lợi-tử, vì vậy trong cái không nầy chẳng có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chẳng có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,ý. Chẳng có sắc tướng, âm thanh, hương vị, xúc giác, và cảnh vật ( Pháp ). Chẳng có mắt... cho đến chẳng có ý, chẳng có cảnh, chẳng có ý thức. Chẳng có trí tuệ, chẳng có vô minh, chẳng có hết ( vô minh )... Cho tới chẳng có già chết, chẳng có hết già chết. Chẳng có Khổ, Tập, Diệt, Ðạo ( bốn chơn lý ), chẳng có trí tuệ, chẳng có chứng đắc, chẳng có vô chứng đắc Niết-bàn. Này Xá-lợi-tử, vì chẳng có chứng đắc ( Niết Bàn ) mà một người nương vào Bát-nhã Ba-la-mật của chư vị Bồ-tát ( trong một thời gian ) tâm bị trói buộc, Nhưng khi tâm hết bị trói buộc, thì người ấy thoát khỏi mọi sự khiếp sợ, xa lìa vọng tưởng và đạt được cứu cánh Niết-bàn.
Các Ðức Phật đời trước, đời nay và đời sau, nhờ Bát-nhã Ba-la-mật mà đắc quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Bởi vậy chúng ta cần biết đại thần chú Bát-nhã Ba-la-mật, là thần chú đại trí huệ, cao hơn các thần chú khác, thần chú nầy làm thuyên giảm mọi sự đau khổ - điều nầy nói thật chớ không phải nói ngoa - thần chú Bát-nhã Ba-la-mật đọc như vầy: Hởi Trí Huệ ! Ði, đi, đi qua bên kia bờ, qua tới bờ bên kia. Ta-bà-ha !
Này Xá-lợi-tử, Bồ-tát dạy tu học pháp môn Bát-nhã Ba-la-mật cao thâm là như vậy đó.
Khi Ðức Thế Tôn xuất định, Ngài liền tỏ ý tán thành Thánh Quán Tự-tại Bồ-tát và khen: Lành thay ! Lành thay ! Thiện nam tử, đúng như vậy. Học tập như thế mới là thật hành pháp Bát-nhã Ba-la-mật cao thâm. Lời ngươi trình bày đã được chư vị A-la-hán Như-lai ( Arahat Tatha-gatas ) hoan nghênh. Ðức Thế Tôn nói với tấm lòng đầy hoan hỷ, Tôn giả Xá-lợi-tử, Ðức Thánh Quán Tự-tại Bồ-tát, toàn thể chúng hội, và cõi trời, người, A-tu-la và chư Tiên, đồng ca tụng lời của Ðức Thế Tôn.
Bản dài cũng còn một bản dịch sang Pháp văn của Bhiskhu Vai-Tae và Dr Dwight Goddard in trong Buddhist Bible, ed. Goddard 1938. Bản nầy không rõ dịch từ bản chữ Phạn nào, nhưng có hai đoạn sau đây có phần giải thích rõ hơn bản của W. Max Muller :
Ðức Quán Tự-tại bèn đáp : Nếu thiện nam, tín nữ nào muốn tu pháp Bát-nhã Ba-la-mật thì trước hết nó phải loại bỏ tất cả những ý niệm liên kết với Bản ngã. Nó phải suy tưởng như vầy Bản ngã - Bản ngã là gì ? Có phải là một thực thể trường tồn hay là nó vốn do những yếu tố nhứt thời cấu tạo ra.
Bản ngã vốn do ngũ Uản : Sắc - thọ - tưởng - hành - thức hợp thành, bản tánh của mỗi uẩn vẫn trống không.. . .
Không có sự hiểu biết Niết-bàn, không có sự chứng đắc Niết-bàn, cũng không có ‘ Không chứng đắc Niết-bàn. Tại sao không có chứng đắc Niết-bàn ‘ Bởi vì Niết-bàn là thế giới vô nhứt vật. Nếu linh hồn là một thực thể tự cấu thành thì nó không chứng dắc Niết-bàn. Ngày nào con người còn tìm kiếm sự Minh Triết cao siêu tột bực thì ngày đó nó còn ở trong cảnh giới của ý thức.
Nếu nó muốn chứng đắc Niết-bàn, nó phải vượt qua khỏi ý thức.
Trong lúc nhập định cao siêu nhất, vượt qua khỏi ý thức, nó thoát ra ngoài ảnh hưởng của sự biến đổi thời gian, nó không còn sợ sệt, nó đã nhập vào Niết-bàn rồi.
Các đoạn còn lại, tựu trung ý nghĩ giống như bản dài, và bản nầy chấm dứt ở câu chú, như bản ngắn chớ không có đoạn đức Thế Tôn xuất định.
Chúng tôi chép nguyên văn bản dài là cốt ý cho thấy Ngài Quán Tự Tại đã nói kinh ở tại đâu và vào lúc nào ?
Chúng ta có thể hiểu được rằng : Ngài Quán Tự Tại tức là đức Quán Thế Âm Bồ Tát, ngài do pháp quán âm thanh mà thành tựu quả vị, nên quán tánh KHÔNG của vạn pháp. Lúc đức Phật nhập đại định, cũng là lúc đức Quán Tự Tại nhập vào Trí Bát Nhã để quán xét tánh KHÔNG từ cái NGÃ, đức Thế Tôn mới dùng thần lực, khiến cho ngài Xá Lợi Phất vấn nạn với đức Quán Tự Tại về phương pháp phát triển Trí Bát Nhã trong Lục Ðộ Ba La Mật, do đó ngài Quán Tự Tại mới nói kinh nầy.
Dù là bản ngắn hay bản dài, cả hai đều không có chữ MA HA ( Ðại : Lớn ) ở tựa bản kinh và cũng không có câu ‘ Ðộ nhất thiết khổ ách ‘. Ngài Huyền Trang thêm câu nầy, không rõ ý ngài như thế nào. Nhưng làm cho chúng ta khó hiểu, bởi vì phải diễn ý ‘ nên không còn các khổ ‘ hay ‘ liền độ thoát mọi khổ ách ‘, tức là trước đó, Bồ Tát Quán Tự Tại vẫn còn khổ, chỉ có sau khi thấy được các Uẩn đều là KHÔNG nên ngài mới không còn khổ, hoặc nhờ Ngài thấy 5 Uẩn trống không, Ngài mới độ hết mọi khổ ải của chúng sanh, như vậy trước đó ngài không độ mọi khổ ách của chúng sanh hay sao ?
Những gì cô động khó mà diễn ý cho thật chính xác, như một bài tứ tuyệt của thể thơ Ðường luật, chỉ có 28 chữ diễn tả cả một tâm tình. Thiên kinh vạn quyển Phật đã thuyết, sau cùng gom lại chỉ nằm trong tạng kinh Pháp Hoa, lại sợ chúng sanh vào thời Mạt Pháp không hiểu được ý nghĩa kín nhiệm, Phật còn dạy rằng, Ngài chưa từng nói một lời nào !
2.- Cốt tuỷ kinh : Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật là tóm tắc kinh Ðại Bát Nhã. Trong kinh nầy Phật đã dạy không nên trụ chấp các tướng. Phàm cái gì có hình dạng đều là hư vọng, nếu thấy được các pháp ( tướng ) đều hư vọng, không thật ( phi tướng ), tức thấy được Như Lai ( thật tướng các pháp ). Ở một đoạn Phật nói : ‘ Tu Bồ Ðề ! Có người nói Như Lai đặng quả Bồ Ðề. Thật ra, Như Lai là bản thể như như của các pháp, nên Như Lai không đặng pháp gì cả ‘, và một đoạn khác nữa : ‘ Tu Bồ Ðề ! Như Lai nghĩa là không từ đâu đến và cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai. ‘
Trong kinh nhiều lần Phật khuyên không nên trụ chấp tứ tướng, trụ chấp các pháp, thành Phật, Phật có thuyết pháp, mà cũng không chấp ‘ đoạn diệt ‘( chấp không ).
Trong kinh Phật tán thán công đức vô lượng vô biên đối với người phát tâm bồ đề thọ trì, đọc, tụng hoặc giảng dạy kinh nầy, trọn quyển, nửa quyển cho đến tối thiểu là 4 câu kệ, thì phước đức nhiều hơn người có của bằng 7 món báu vật, đựng đầy vô lượng vô số thế giới đem chúng ra bố thí. Phật đã dạy: ‘ Tại sao người thọ trì, đọc, tụng và giảng dạy kinh nầy, phước đức nhiều hơn người kia ? Vì người nầy chẳng chấp thủ các tướng ( ngã, pháp ) nhập được thể tánh Kim Cang, như như bất động vậy, ‘ Bài kệ của đức Phật đã nói :
Nhứt thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh. Như lộ diệc như điện. Ưng tác như thị quán.
Như mộng, huyễn, bào, ảnh. Như lộ diệc như điện. Ưng tác như thị quán.
Tạm dịch :
Phải quán làm sao được thế nầy, Bao gồm các pháp hữu vi đây, Tuồng như mộng ảo như bào ảnh,
Nhẹ tợ sương và chớp lẹ trong mây.
Nhẹ tợ sương và chớp lẹ trong mây.
Phật nói kinh nầy vì ông Tu Bồ Ðề đã hỏi :
- Vân hà ưng trụ ?
- Vân hà hàng phục kỳ tâm ?
- Vân hà hàng phục kỳ tâm ?
Nghĩa là: ‘- Làm sao an trụ chơn tâm ?- Làm sao hàng phục vọng tâm ?’. Ðức Phật đã dạy trong câu tinh yếu nhất :
- Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.
Nghĩa là : ‘- Ðừng để tâm trụ nơi nào cả thì điều phục được tâm ‘.
Cho nên tâm kinh, phá chấp các pháp, để tâm đừng trụ vào ngũ uẩn, lục căn, lục trần, lục thức, đừng có để vọng tâm tìm kiếm một cái gì hay tìm cầu chứng đắc một quả vị gì. Có như thế thì tâm mới vắng lặng, dứt sạch mọi mê lầm, nhập Niết bàn.
3.- Chú : Chú có nghĩa là linh ngữ, mật ngữ hay là lời khẩn nguyện.
Nếu là mật ngữ, thì âm thanh mật ngữ sẽ rung động tạo thành một làn sóng trong vũ trụ, nó có công năng làm thành một sự việc gì đó. Cũng như kỹ thuật điện tử, máy thu thanh hay thu hình dùng bắt luồng sóng phát ra âm thanh hay hình ảnh để tái tạo âm thanh và hình ảnh trong máy thu thanh ( Radio ) và truyền hình ( TV ). Chú cũng phát ra một luồng sóng tương tợ như vậy. Ðứng về phương diện nầy, chú là linh ngữ hay mật ngữ, chúng ta không nên dịch nghĩa.
Nếu là một lời nguyện cầu, chắc chắn phải cần dịch nghĩa. Bởi vì một lời nguyện cầu phải mang cả tấm lòng lòng thành để khẩn nguyện. Vậy bài chú trong Tâm Kinh có 2 vấn đề đặt ra :
a) Vấn đề thứ nhất : Ðây là linh ngữ hay lời khẩn nguyện ? b) Vấn đề thứ hai : Ðọc như thế nào cho đúng ?
- Vấn đề thứ nhất : Ðây là linh ngữ hay lời khẩn nguyện ? Phạn ngữ của bài chú là :
Gate gate Pâragate Pârasamegate Bodhi Svâhã
Hòa Thượng Nhật Liên đã dịch ra chữ Hán :
Ðộ khứ, độ khứ, Cứu kính độ khứ,
Cứu cánh chúng độ khứ. Giác ngộ tốc viên thành.
Cứu cánh chúng độ khứ. Giác ngộ tốc viên thành.
Dịch nghĩa :
Ði qua, đi qua, Qua đến bờ bên kia, Mọi người đồng qua đến bờ bên kia.
Nguyện sự giác ngộ chóng tròn thành.
Nguyện sự giác ngộ chóng tròn thành.
Thi sĩ Trụ Vũ đã dịch từ bản chữ Phạn :
Ðộ, độ, siêu suốt mình và độ thoát mọi sinh dân. Giải thoát ! Tất thảy cùng về an nhiên nơi chốn.
Ông Max Muller đã dịch :
O wisdom, gone, gone, gone to the other shore, landed at the other shore, svâhã.
Ông J. Harquès Rivière có qua Tây Tạng nghiên cứu đạo Phật, ông đã dịch :
O sagesse, partie, partie, partie vers l’autre rive, conduite vers l’autre rive, svâhã.
Cả hai bản Anh và Pháp ngữ đều có nghĩa :
Này trí huệ ! Ði, đi, đi qua bờ bên kia, dắt qua tới bờ bên kia, ta bà ha.
Như vậy, chúng ta biết câu chú trong Tâm kinh có nghĩa như thế, như là lời khấn nguyện, nhắc nhở tư tưởng của mình và độ cho mọi người đi từ bên nây bến MÊ sang bên kia bờ GIÁC, dứt bỏ mọi tạo tác nghiệp quả để đạt đến Niết Bàn, từ trí huệ đi đến Trí Bát Nhã vậy.
Nhưng trong bản kinh ngắn hay dài đều nói là CHÚ, mà đã là chú, là linh ngừ là mật ngữ nó đã thuộc về vấn đề thứ hai.
- Vấn đề thứ hai : Ðọc như thế nào cho đúng ? Ngài Huyền Trang là một Pháp sư thông thái, ngài đã sang Ấn độ học trong 13 năm, đã dịch kinh từ chữ Phạn ra chữ Hán, cũng có kinh lại dịch từ chữ Hán ra chữ Phạn. Ngài khẳng định câu: Gate gate Pâragate Pârasamegate Bodhi Svâhã là chú, là mật ngữ hay linh ngữ, ngài không dịch nghĩa nên đã phiên âm, theo âm Hán Việt chúng ta đọc :
Yết đế ! Yết đế ! Ba la yết đế ! Ba la tăng yết đế Bồ đề Ta bà ha.
Chúng ta biết mặc dù dùng cùng chung một chữ Hán, nhưng khi sang Việt Nam chúng ta đọc âm khác, sang Nhật Bản đọc âm khác, sang Ðại Hàn lại đọc âm khác nữa. Ngay chính tại Trung Hoa họ cũng đọc nhiều âm khác, chẳng hạn chúng ta thường nghe nói : Tiếng Quảng, Tiếng Tiều. Chính tiếng nói của họ còn khác nhau, gây nhiều khó khăn trong ngôn ngữ, nên họ đã thống nhất tiếng nói trong cả nước và khắp thế giới người Hoa, tiếng nói chính thức đó gọi là Quan Thoại hay Phổ thông, nó chính là thổ ngữ Bắc Kinh.
Như vậy, ngày xưa lúc dịch Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh, ngài Huyền Trang gốc người tỉnh Hà Nam, nhưng sau khi ở Ấn Ðộ về, ông đến kinh đô Tràng An theo ý của vua Ðường để dịch kinh, như vậy âm của câu chú phải đọc theo đúng giọng Tràng An ngày đó, nay nếu đọc theo giọng Phổ thông hay Bắc Kinh thì như vầy : ‘ Ché tía, ché tía, bó lớ ché tía, bó lớ xứng ché tía, pủa thỉa, xá bơ hơ ‘. Dĩ nhiên âm nầy nghe ra còn khác xa hơn âm Hán Việt với Phạn âm.
Như đã khẳng định nó là linh ngữ, chúng ta phải đọc cho đúng âm, nó mới có công năng, vậy thì chúng ta phải đọc theo nguyên âm Phạn ngữ của câu Chú :
Gate gate Pâragate Pârasamegate Bodhi Svâhã
Chẳng những thế, theo nguyên tắc nầy, chúng tôi đề nghị Phật Giáo Việt Nam nên thành lập một Ủy ban để san định lại những bài chú trong các Kinh, hay nói khác hơn là phiên âm lại cho đúng với Phạn âm, nhờ thế đọc được đúng âm thì sẽ đạt được hiệu năng của Chú.
Sàigòn 1978 - Louisville 1997
STK : - Bạch Liên Những điều tôi hiểu biết về Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh Ðạo học tùng thư Việt Nam, 1970
- Thích Minh Châu Huyền Trang nhà chiêm bái và học giả, Sàigòn, 1966
- Thích Thanh Kiểm Lịch sử Phật Giáo Trung Quốc,Vạn Hạnh, in lần thứ 2, Sàigòn, 1965
-Trụ Vũ Kinh ruột siêu việt phá mê trừ khổ , Paris, 1973
- Thích Minh Châu Huyền Trang nhà chiêm bái và học giả, Sàigòn, 1966
- Thích Thanh Kiểm Lịch sử Phật Giáo Trung Quốc,Vạn Hạnh, in lần thứ 2, Sàigòn, 1965
-Trụ Vũ Kinh ruột siêu việt phá mê trừ khổ , Paris, 1973
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét