Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Ý nghĩa Kinh Nhật tụng


Phúc Trung
I - Dẫn : Kinh có nghĩa là lời của Phật, Bồ Tát hay chư Tổ dạy cho đệ tử được ghi chép lại, những lời này là Chân Lý không thể thay đổi, hợp với trình độ mọi người. Kinh Nhật Tụng là kinh dùng để tụng hàng ngày ở chùa cũng như ở tại gia của cư sĩ. Trước đây và ngày nay, kinh Nhật Tụng gồm có các kinh: Công Phu Khuya (Chú Lăng Nghiêm), Qúa Ðường, Cúng Ngọ, An Vị Phật, Cúng Vong, Phóng Sanh, Mông Sơn Thí Thực, Kinh Di Ðà, Kinh Phổ Môn, Kinh Kim Cang, Hồng Danh Sám Hối, Kinh Vu Lan.
Cư sĩ thường chỉ tụng có Kinh Di Ðà, Kinh Phổ Môn, Kinh Kim Cang, Hồng Danh Sám Hối. Khi nào thọ Bát ở chùa mới tụng thời Công Phu Khuya. Ngoài ra tại gia, Cư sĩ tụng kinh nào cũng tốt cả bởi vì khi tụng kinh thì tam nghiệp thanh tịnh (hành động, lời nói, ý nghĩ), hiểu được lời Phật dạy để thi hành cho đúng pháp. Có người tụng Kinh Dược Sư, Kinh Ðịa Tạng nhưng có rất nhiều người tụng Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Kinh Pháp Hoa).
Il - Ý nghĩa Kinh: Trừ một số kinh dành riêng cho trong chùa tụng, những Kinh Cư Sĩ thường tụng có ý nghĩa sau:
1) Kinh A Di Ðà: Kinh này Phật giảng cho Ông Xá Lợi Phất và những vị khác tại nước Xá Vệ, nơi vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc. Phật ca ngợi cảnh Tây Phương do Ðức Phật A Di Ðà làm giáo chủ, ai muốn sanh về cõi nước này thì nên phát nguyện, khi đã sanh về cõi này rồi thì không còn thối chuyển, người nào được sanh về cõi này, thấy mình ở trong hoa sen nở ra, mình ngồi ở trong hoa sen đó. Nếu có ai niệm danh hiệu Ðức A Di Ðà tu 1 đến 7 ngày, tâm không bị lọan động, khi chết sẽ có Phật A Di Ðà, Ðức Quán Thế Âm, Ðức Ðại Thế Chí hiện ra cho thấy, nếu trong lúc chết mà tâm không tán loạn thì được sanh về cõi Phật A Di Ðà, nơi đây hết sức sung sướng nên còn có tên là cõi Cực Lạc, vỉ khi chưa thành Phật, Ðức A Di Ðà có 48 lời nguyện, khi nào Ngài thành Phật, cõi đó phải được như ngài nguyện vậy.
Pháp môn Tịnh Ðộ chỉ niệm Nam Mô A Di Ðà Phật khi đi, đứng, nằm, ngồi để cầu sau khi chết, được sanh về cõi cực lạc. Khi tụng Kinh cho người chết, để cầu cho người chết được sinh lên cõi cao hơn, gọi là cầu siêu, tức là cầu cho sanh về cõi Cực Lạc và cũng để nhắc nhở lời Phật dạy cho những người khác, muốn sanh về cõi cực lạc phải niệm sáu chữ: " Nam Mô A Di Ðà Phật!".
2) Kinh Phổ Môn : Ðây chỉ là phẩm thứ 25, một trong 28 phẩm của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Phẩm này do Bồ Tát Vô Tận Ý hỏi Phật về Bồ Tát Quán Thế Âm, Phật chỉ rõ Ngài là vị Bồ Tát hay quán sát thế gian, nghe ai kêu cầu, Ngài liền đến cứu giúp, ban cho sự không sợ hãi, Ngài hiện ra khắp nơi, biến hiện thành ra như mọi người để tùy trường hợp mà cứu giúp. Ai muốn nhờ đến sự cứu giúp của Ngài thì hãy niệm danh hiệu của Ngài như :" Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát" hay "Nam Mô Ðại Từ Ðại Bi Linh cảm cứu khổ, cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát."
Gặp những khi hoạn nạn, bệnh tật người ta thường hay tụng kinh Phổ Môn để cầu Ðức Quán Thế Âm cứu giúp cho được an lành, tai qua nạn khỏi nên gọi là Cầu An.
3) Hồng Danh Sám Hối: Kinh này có niệm đến 89 vị Phật, sám hối tất cả những tội lỗi trong nhiều đời nhiều kiếp, những tội do mình làm, bảo người khác làm, hay vui vẻ khi thấy người làm đều sám hối, những công đức lành đều hồi hướng về ngôi vị chánh đẳng chánh giác.
Kinh này người ta thường tụng vào những đêm 14 rạng Rằm hay đêm 30 rạng mồng một, cứ mỗi danh hiệu Phật là lạy một lạy, nhờ tụng kinh này thường xuyên, người ta sẽ bớt bao tội lỗi.
4) Kinh Kim Cang: Kinh này vốn từ Kinh Ðại Bát Nhã, Phật giảng trong 22 năm, tại 4 chỗ, gồm 16 hội, chép thành 600 quyển. Tóm tắt kinh Ðại Bát Nhã là Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật gọi tắt là Kinh Kim Cang, rút lại thành một bài là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh cũng gọi là Bổ Khuyết Chân Kinh, chỉ còn 260 chữ.
Trong Kinh Kim Cang Ngài Tu Bồ Ðề hỏi Phật, nếu có người muốn đạt quả chánh đẳng, chánh giác thì phải làm sao để: - Hàng phục vọng tâm và làm sao để an trụ chơn tâm ? và lời Phật dạy có thể tóm tắt trong câu : Ðừng khởi vọng tâm trụ chấp nơi nào cả. Phật dạy không nên chấp bất cứ thứ gì là thực có, ngay cả:
Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhơn hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai.
và cuối kinh Phật dạy, nên xem các thứ trên đời như thế này:
Nhứt thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn, bào, ảnh,
Như lộ, diệc như điển,
Ưng tắc như thị quán.
Chúng tôi tạm dịch:
Phải quán làm sao được thế này,
Bao gồm vạn vật ở trần ai,
Tuồng như mộng ảo nhu bọt ảnh,
Nhẹ tợ sương và tia chớp trong mây.
Kinh này có sức chấp phá cấp tốc các phiền não, phá chấp triệt để, nhanh chóng thành bậc chánh giác.
4) Các Kinh khác: Ngoài các kinh trên trong kinh Nhật Tụng, có nhiều người tụng kinh Pháp Hoa, đây là bộ kinh tối thượng thừa giáo hóa hàng Bồ Tát thành Phật, Phật giảng kinh này trong 8 năm nói rõ đạo Phật chỉ có một thừa đó là Phật thừa và chư Phật ra đời là để: Mở đường, chỉ lối cho chúng sanh giác ngộ để nhập vào sự hiểu biết của Phật. Trong kinh có 5000 vị đệ tử vì cống cao ngã mạn nên rời khỏi pháp hội, những vị còn lại đều được Phật thọ ký thành Phật sau này.
Phẩm Pháp Sư , Phật dạy rằng sau nầy ai là Pháp Sư, người truyền bá Giáo lý của Phật phải vào nhà Như Lai, Mặc áo Như Lai, Ngồi tòa Như Lai nghĩa là phải đầy lòng Từ Bi, hết sức nhẫn nhục, xem tất cả các pháp đều là KHÔNG.
Còn trong phẩm cuối cùng thứ 28, Phẩm Phổ Hiền Bổ Tát Khuyến Phát, Ðức Phật có dạy, sau khi Ngài diệt độ, nếu ai muốn được kinh Pháp Hoa thỉ phải đắc 4 pháp:
- Ðược chư Phật ủng hộ.
- Nơi mình phải nảy sanh căn lành, cội đức.
- Phải có lòng Chánh định chắc quyết.
- Phải thấy mình có quả vị Phật vì muốn cứu độ tất cả chúng sanh.
Còn kinh Công Phu Khuya hay Chú Lăng Nghiêm, rút từ trong Kinh Lăng Nghiêm ra, đây là Chú mà Phật đã sai Ngài Văn Thù đem đến cứu Ngài A Nan, khi Ngài bị nàng Ma Ðăng Già dùng thần chú của Ca Tỳ Ca La Tiên Phạm Thiên làm hại. Kinh này có công năng Ðịnh Tâm, thường đọc Kinh này hay trì Chú thì tai qua nạn khỏi, ma quái không xâm phạm, chư thiên thường hộ trì, muốn điều chi tốt lành đều được thành tựu. Vì công năng như thế nên các Chùa thời công phu đều tụng kinh này.
III - Kết : Khi tụng kinh, chúng ta cần hiểu kinh nào có công năng ra sao ? Phật dạy những gì, để tùy trường hợp mà ta tụng kinh, hay nói khác hơn là hiểu cho được nghĩa của Kinh để tu tập, áp dụng vào đời sống của người con Phật.
Ngày xưa chùa thường tụng kinh bằng chữ Hán, gọi là Kinh Chữ, ai không biết chữ có thể nghe, đọc theo dần dần thuộc lòng nhưng không thể nào biết rõ được ý nghĩa của Kinh. Ngày nay, kinh hầu hết đều có dịch ra chữ quốc ngữ. Chúng ta tụng và phải để tâm vào chăm chú vào thì sẽ hiểu hết ý nghĩa lời Phật dạy, theo đó chúng ta tu, có như vậy mới thật là lợi ích cho chính bản thân ta, và phần nào lợi ích cho những người chung quanh khi nghe ta tụng Kinh Nghĩa nầy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét