Phúc Trung
I.- Dẫn : Sau khi đức Phật đã chứng quả chánh đẳng chánh giác, Ngài trở lại vườn Lộc Uyển để nói cho những người đã không còn tin tưởng Ngài, làm thế nào cho họ tin theo, đức Phật đã chỉ cho họ thấy chân lý: Cuộc đời là bể khổ ( Khổ ), những yếu tố gây ra nổi khổ ( Tập ), cần phải diệt khổ để được an lành vĩnh cữu ( Diệt ), tám con đường chánh đáng phải đi để tới chốn an nhiên tịch tĩnh ( Ðạo ). Bốn đế nói chung là sự nhận thức con đường phải đi, còn Tám đường chánh là sự thực hành để đạt tới chỗ toàn thiện.
II.- Tám đường chánh : Một người bước chân vào đường Ðạo, người ấy phải giữ gìn đi theo tám con đường để cho ba nghiệp được thanh tịnh ( Giới ), phải thiền để tâm được tịnh ( Ðịnh ), hiểu biết chân chánh làm cho trí huệ phát sinh ( Huệ ). Ðó là pháp tu mà người sơ cơ cũng như bậc chứng quả đều phải hành như vậy, Tám đường chánh là :
1) Hiểu biết chân chánh (Chánh kiến) : Những gì mà chúng ta học hỏi, tìm hiểu, thấy biết là những sự việc chánh đáng tốt đẹp, phù hợp với phong tục, tạp quán và đạo đức, những giảng giải không trái với sự thật. Nhận thức được mọi chúng sanh đều bình đẳng vì cùng có Phật tính, vạn vật chỉ giả có, không trường tồn, mọi hành vi thiện, ác đều tạo tác thành quả báo, phải tu để tiến lên bậc chánh đẳng, chánh giác.
2) Suy nghĩ chân chánh (Chánh tư duy): Là những suy nghĩ không trái với lẽ phải, có lợi cho mọi người, suy nghĩ về những nguyên nhân khổ đau để tránh gây ra đau khổ, suy nghĩ về những sự lỗi lầm để sám hối, suy nghĩ về những việc thiện đã làm hay sẽ làm những điều lợi ích cho mọi người để tăng thêm lòng từ bi nơi mình.
3) Lời nói chân chánh (Chánh ngữ) : Nói những lời êm dịu, nói cho mọi người hài lòng, vui vẻ, nói những chuyện đúng chánh pháp, đúng sự thật, có lợi ích cho mọi người, dùng lời nói để giảng giải cho người khác nghe, tin theo đạo Phật, hiếu để với cha mẹ, thuận thảo với anh chị em, tương thân với làng xóm. Không nói đùa, không nói những lời độc ác làm cho người khác phải khổ đau, cũng không nói những lời có hại cho người khác.
4) Hành động chân chánh (Chánh nghiệp): Hành động luôn luôn tạo tác nghiệp lành, dữ nên người bước vào đường tu phải giữ gìn cẩn thận những hành động của mình chẳng những không làm hại mà còn có lợi cho người khác, những việc dù nhỏ đến đâu mà là việc ác thì không làm, trái lại việc thiện dù nhỏ đến đâu cũng không bỏ qua. Chúng ta nên nhớ trong kinh sách có dạy :
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý |Thị chư Phật giáo.
đó là :
Ðừng làm các điều ác,
Các việc thiện nguyện làm.
Tự thanh tịnh ý mình,
Ấy lời chư Phật dạy.
5) Ðời sống chân chánh (Chánh mệnh): Người Phật tử phải sống đời chân chính, nghề nghiệp của mình làm phải chân chính, không làm những nghề gây khổ đau cho người hay cho vật, không trác táng, rượu chè, cờ bạc, hút sách, không mê tín dị đoan, có những người giác ngộ, họ " xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo " , nghĩa là họ bỏ sự giàu sang, sống đời giản dị, không hưởng lạc thú mà đi làm những việc có lợi ích cho đời cho đạo, luôn luôn làm những việc có lợi cho mọi người.
6) Tiến bộ trong chân chánh (Chánh tinh tấn): Phải tu học và tiến bộ trong đường đạo, phải siêng năng, chuyên cần những giờ giấc công phu trong ngày của mình dù tu tại gia hay nơi tịnh thất, dù là tu theo pháp môn thiền, tịnh, mật, giáo dù bận việc, dù đau ốm cũng phải giữ cho được giờ giấc công phu hàng ngày, chẳng những thế mà còn phải cố gắng hôm nay phải tu tập hơn hôm qua.
7) Tưởng nhớ chân chánh (Chánh niệm): Luôn luôn phải giữ cho tâm mình được thanh tịnh, chỉ nên tưởng nhớ đến những việc thiện mình đã làm, tưởng nhớ đến Phật, điều hay nhứt phải tiến tới, đạt cho được là an trú trong hiện tại, bên trong là theo từng hơi thở của mình, bên ngoài là những gì trước mắt như một cảnh đạp của thiên nhiên, một dòng suối mát, một bầu trời xanh, một cánh hoa tươi, một tiếng chim hót.
8) Thiền theo phương pháp chân chánh (Chánh định): Chúng ta hành Thiền theo phương pháp chánh thống của Phật giáo trong Ngũ đình tâm quán :
a) Quán hơi thở : theo dõi hơi thở vào, hơi thở ra để cột tâm theo hơi thở, đối trị bệnh tán loạn tâm trí.
b) Quán thân bất tịnh : Quán thân nầy không trong sạch để trừ tham dục, si ái.
c) Quán tính từ bi : Là xem xét chúng sanh đều bình đẳng như nhau, trừ những thù hận, ghen ghét, để mở rộng lòng thương đối với mọi chúng sanh.
d) Quán về nhân duyên : Quán tất cả muôn vật đều giả hợp mà có, khi hết nhân duyên chúng sẽ không còn do đó vạn vật không có thật, không trường tồn, phép quán nầy để trừ ngu si và pháp chấp.
e) Quán giới phân biệt : Quán và phân biệt sự giả hợp của 18 giới như trong Bát Nhã Tâm Kinh gồm có 6 căn ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý ), 6 trần ( là sáu cảnh ở ngoài thân ta: hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, cảm giác, vạn vật ), 6 thức ( biết của mắt, biết của tai, biết của mũi, biết của lưỡi, biết của cảm xúc và biết của ý ), tất cả đều không thật có để trừ " ngã và pháp " chấp.
III.- Kết : Người Phật tử chân chánh quyết phải theo Tám đường chánh nầy, giữ được Tám đường chánh, hiểu rỏ Bốn đế, đó là quả vị Thánh chúng cao hơn hết là bậc A La Hán, chứng đắc và lợi ích cho chính bản thân mình cho nên Bốn đế là Thanh Văn thừa, con đường gần nhất để chúng ta đạt tới Niết Bàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét