Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Tôi học Duy Thức


Chánh Hạnh
Người ta thường cho rằng Duy Thức Học rất khó. Mà khó thật ! Nhớ lại khoảng năm 1959, tôi có đọc qua một cuốn sách viết về Duy Thức, đọc xong cuốn sách, tôi chỉ nhớ được có mấy câu tóm ý của tác giả : ‘’ Trước khi học Duy Thức, tôi thấy sông là sông, núi là núi. Trong khi học Duy Thức, tôi thấy sông không phải là sông, núi không phải là núi. Sau khi học Duy Thức, tôi thấy sông vẫn là sông, núi vẫn là núi ‘’.
Thiền và Duy Thức vẫn là nỗi ám ảnh tôi từ thuở nhỏ, phải hành và học. Từ năm 1980, tôi đã hành Thiền và cũng trong năm nầy, một ngày nào đó tôi đã mua được một bộ DUY THỨC hỌc tác giả Hoà Thượng Thích Thiện Hoa, sách bìa cứng mạ chữ vàng, của Thầy Thiện Huệ từ chùa Hội Phước Quảng Nam, lưu lạc vào chợ sách cũ nằm trên đường Nguyễn Thị Nhu Sàigòn.
Bộ sách nầy gồm có : Duy Thức Nhập Môn, Duy Thức Học Tập I, Tập II, Tập III, Luận A Ðà Na ThứcDuy Thức Tam Thập Tụng Dị Giải, tôi chỉ đọc qua Duy Thức Nhập Môn, cảm thấy khó nhớ quá nên ngưng không đọc tiếp. Rời Việt Nam tôi vẫn mang theo vì nghĩ rằng có một ngày kia tôi sẽ học Duy Thức.
Gần đây, có người giới thiệu, tôi đã mua bộ băng Duy Biểu Học của Thiền sư Nhất Hạnh, do Sinh Thức phát hành, gồm bảy cuốn băng, tôi mua để đó chờ có thì giờ dành riêng để nghe. Có lần khi trở về Việt Nam, đến khu chợ sách cũ đường Hồng Thập Tự gần trường Pétrus Ký, tôi đã mua được quyển Vấn Ðề Nhận Thức Trong Duy Thức Học của Thiền sư Nhất Hạnh, rồi đọc quyển nầy trên phi cơ từ Việt Nam trở lại Mỹ, đọc xong sách, tôi vẫn thấy khó nhớ, khó phân biệt.
Lại có đạo hữu Liên Hoa Tịnh Huệ ở Virginia gửi cho tôi một số kinh sách, trong ấy có quyển Duy Thức Tâm Yếu Luận của ông ta viết. Một chuyến sang California, vào hiệu sách Pháp Quang đối diện chợ Phước Lộc Thọ, tôi đã mua quyển Duy Thức Học của tác giả Thạc Ðức.
Vào dịp lễ Thanksgiving năm 1997, tôi quyết tâm dành thì giờ để đọc qua một lượt các quyển sách trên, mặc cho trí nhớ có nhớ được cùng không.
Quả là trí thông minh của tôi kém, tôi không nhớ được nhiều sau khi đọc và nghe qua băng nhựa, nói theo Thiền là do Tâm tôi chưa Ðịnh nên Trí Huệ chưa sanh, còn nói theo Duy Thức, do tôi chưa có mấy chủng tử Duy Thức.
Ngày nay tôi hiểu, gọi là Duy Thức vì chỉ có THỨC nên vạn vật mới hình thành, nó tóm gọn trong câu ‘’ Tam giới duy Tâm, vạn pháp duy Thức ‘’. đứng về phương diện hiện hữu, biểu hiện của vạn vật, ngày nay người ta còn gọi nó dưới cái tên khác là DUY BIỀU.
Thức nghĩa là hiểu biết, phân biệt, tức là biệt hiệu của tâm. Về bản thể mà nói thì vô hình tướng, vô phân biệt, gọi là Tâm . Còn về phương diện tác dụng, từ chỗ vô tướng mà hiện ra có tướng, từ chỗ vô phân biệt mà hiện ra sự phân biệt, đó gọi là Thức. Cho nên Tâm là thể mà Thức là dụng.
Duy Thức Học do Bồ Tát Vô Trước hệ thống hóa các kinh điển của đức Phật, viết quyển Du Già Sư Ðịa Luận, luận nầy bàn về Du Già và tư tưởng A Lại Gia Duyên Khởi, là sách căn bản làm nền móng cho Duy Thức Học. Ngài Vô Trước (Asanga) sanh khoảng cuối thế kỷ IV, tại thành Bá Lộ Sa (Purusapura), nước Kiền Ðà La (Gandhàla), Bắc Ấn. Em trai kế Ngài là Thế Thân (Vasubandha) và em trai út là Tỷ Lân Trì Tử (Virincivaisa), gia đình theo Bà La Môn về sau cả ba anh em đều xuất gia đầu Phật. Thế Thân viết Duy Thức Nhị Thập Tụng, Duy Thức Tam Thập Tụng, đó là những sách căn bản của Pháp Tướng Tông hay Duy Thức Học vậy. Danh từ PHÁP chỉ cho cái gì gìn giữ được bản thể của nó, làm cho người ta trông đến, nhận biết đó là vật gì, thì kêu là một pháp ( nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải) như danh từ sừng thỏ, lông rùa cũng là Pháp. Pháp Tướng Tông phân chia vạn hữu thành 5 loại, gồm 100 thứ :
1. Tâm pháp : Cũng gọi là Tâm vương là chân tướng của tri thức, nó có 8 :
- Nhãn thức : Cái biết của con mắt.
- Nhĩ thức : Cái biết của lỗ tai.
- Tỹ thức : Cái biết của mũi.
- Thiệt thức : Cái biết của lưỡi.
- Thân thức : Cái biết của thân.
- Ý thức : Cái biết của ý.
- Mạt Na thức : Cái biết thường chấp ngã.
- A Lại Gia thức : Tàng trữ tất cả cái biết.
A Lại Gia thức là căn bản còn bảy thức kia chỉ là biến tướng của nó mà thôi. Có khi người ta chỉ phân Tâm pháp ra thành 3 là : Tâm (A Lại Da), Ý (Mạt Na, vì thức nầy có tánh cách suy nghĩ, lo lắng nên có tên là Ý, nó cũng là Ý căn, để tránh nhầm lẫn với Ý thức, người ta để tên nó theo Phạn âm Mạt na) và Thức (Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý thức)
2. Tâm sở : là sự tác dụng của tri thức, nó có 51 thứ, chia thành 6 loại :
a) Biến Hành .- Có 5 thứ :
- Xúc: Tiếp xúc, gặp gỡ.
- Tác ý : Móng khởi cái ý
- Thọ : Lãnh thọ.
- Tưởng : Nhớ tưởng.
- Tư : Lo nghĩ.
b) Biệt cảnh.- Có 5 thứ :
- Dục : Mong muốn. |- Thắng giải : Hiểu biết rõ ràng.
- Niệm : Nhớ.
- Ðịnh : Chuyên chú.
- Huệ : Sáng tỏ.
c) Thiện.- Có 11 thứ :
- Tín : Tin
- Tàm : Tự xấu hổ.
- Quí : Thẹn với người.
- Vô tham : Không tham lam.
- Vô sân : Không sân hận.
- Vô si : Không si mê.
- Tinh tấn : Tinh chuyên và tấn tới.
- Khinh an : Nhẹ nhàng, thơ thới.
- Bất phóng dật : Không buông lung, phóng túng.
- Hành xả : Làm rồi không chấp trước.
- Bất hại : Không làm tổn hại.
d) Căn bản phiền não.- Có 6 thứ :
- Tham : Tham lam.
- Sân : Nổi nóng.
- Si : Ngu si.
- Mạn : Khinh mạn.
- Nghi : Nghi ngờ, do dự.
- Ác kiến : Những thấy biết thuộc về tội ác, nhiễm ô như : Thân kiến (Chấp NGÃ), Biên kiến (Chấp một bên), Tà kiến (Chấp tà, mê tín, dị đoan), Kiến thủ (Cho rằng chỉ chỗ hiểu biết của mình là đúng), Giới cấm thủ (Chấp giữ theo những giới cấm không chơn chánh).
e) Tùy phiền não.- Có 20 thứ :
- Tiểu tùy : Có 10 thứ :
- Phẫn : Giận.
- Hận : Hờn.
- Phú : Che giấu.
- Não : Buồn buồn.
- Tật : Tật đố, ganh ghét. - Xan : Bỏn xẻn.
- Cuống : Dối.
- Siễm : Bợ đỡ, nịnh hót. - Hại : Tổn hại.
- Kiêu : Kiêu căng.
- Trung tùy : Có 2 thứ :
- Vô tàm : Tự mình không biết xấu hổ.
- Vô quí : Không biết thẹn với người.
- Ðại tùy : Có 8 thứ :
- Trạo cử : Lao chao.
- Hôn trầm : Mờ tối trầm trọng.
- Bất tín : Không tin.
- Giải đãi : Biếng nhát, trễ nải.
- Phóng dật : Buông lung.
- Thất niệm : Mất chánh niệm.
- Tán loạn : Rối loạn.
- Bất chánh tri : Biết song không chơn chánh.
g) Bất định.- Có 4 thứ :
- Hối : Ăn năn. - Miên : Ngủ.
- Tầm : Tìm cầu.
- Tư : Chính chắn xét.
3. Sắc pháp : Là vật tượng do tri thức nhận ra được nó, có 11 thứ :
a) Năm căn.- Căn là chỗ nương cho thức phát sanh, căn nào cũng có tinh tế ở bên trong, gọi là Thắng nghĩa căn , còn thô phù. ở bên ngoài gọi là Phù trần căn. Có năm căn:
- Nhãn căn : Mắt. - Nhĩ căn : Lỗ tai.
- Tỹ căn : Lỗ mũi.
- Thiệt căn : Cái lưỡi.
- Thân căn : Thân thể.
b) Sáu Trần.- Trần có nghĩa là nhiễm ô, bụi bặm.
- Sắc Trần : Cảnh do mắt thấy.
- Thanh trần : Tiếng do tai nghe.
- Hương trần : Mùi ngửi.
- Vị trần : Vị nếm.
- Xúc trần : Sự tiếp xúc của thân.
- Pháp trần : Cái bóng dáng của 5 trần còn lưu lại trong ý thức.
4. Bất tương ưng hành pháp : Hành có nghĩa là Hành Uẩn, Tương ưng có nghĩa là hòa hiệp. Vậy đây là những Hành uẩn không hòa hợp với Tâm. Chúng do sự quan hệ giữa Tâm pháp và Sắc pháp mà thành lập, có 24 thứ :
- Ðắc : Ðược. - Mạng căn : Thân mạng sống lâu hay mau.
- Chúng đồng phận : Là đồn
g loại với nhau.
- Dị sanh tánh : Tánh chất khác nhau.
- Vô tưởng định : Sự tạm diệt các tâm sở ‘‘ tưởng ‘’.
- Diệt tận định : Sự tạm diệt cảm giác và
tư tưởng.
- Vô tưởng báo : Báo thân ở cõi trời vô tưởng.
- Danh thân : Tên hay danh từ.
- Cú thân : Câu.
- Văn thân : Chữ. - Sanh : Sanh ra.
- Trụ : Ở lại.
- Lão : Già, suy yếu.,
- Vô thường : Không thường.
- Lưu chuyển : Xoay vần.
- Ðịnh vị : Nhơn quả lành dữ khác nhau, không lộn lạo.
- Tương ưng : Ưng thuận, cân xứng nhau.
- Thế tốc : Mau lẹ nhanh chóng.
- Thứ đệ : Thứ lớp, trật tự. - Thời : Thời gian.
- Phương : Không gian Ðông,Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới.
- Số : Số lượng.
- Hòa hiệp tánh : Tánh hòa hợp với nhau.
- Bất hòa hiệp tánh : Tánh không hoà hợp, chống chỏi nhau.
5. Vô vi pháp : Có 6 thứ :
- Hư không vô vi : Không ngã, không pháp, không cấu nhiễm, rỗng rang trong vô vi.
- Trạch diệt vô vi : Dùng trí huệ diệt trừ hết các ô nhiễm trong vô vi.
- Phi trạch diệt vô vi : Không lựa chọn, diệt trừ hết các ô nhiễm trong vô vi.
- Bất động diệt vô vi : Diệt trừ hết các chao động trong vô vi. - Tưởng thọ diệt vô vi : Diệt trừ hết các thọ và tưởng trong vô vi.
- Chơn như vô vi : Thật tánh của các pháp.
Bốn pháp trên là Hữu vi pháp thuộc về hiện tượng, còn vô vi pháp thuộc về bản thể. Căn nguyên thứ nhất của hiện tượng giới chính là A Lại Gia Thức, hết thảy những hiện tượng có trong vũ trụ đều do chủng tử của A Lại Gia Thức biểu hiện ra mà thôi. A Lại Gia Thức có 3 nghĩa. Vì nó chứa các chủng tử nên có tên là Tàng Thức, chủng tử phát sinh ra vạn hữu nên còn có tên là Nhứt Thế Chủng, chính chủng tử mang theo nghiệp để chịu luân hồi nên lại có tên là Dị Thục Thức .
Tàng Thức lại bao hàm ba nghĩa: Năng tàng là chủng tử của A Lại Da tạo ra vật nọ, việc kia, Sở tàng là A Lại Da chứa đựng những hình ảnh, những sự việc, A Lại Da lại bị Mạt Na thức luyến ái chấp làm NGÃ, đó là Ngã ái chấp tàng. Dị Thục Thức cũng có ba nghĩa : Dị thời nhi thục, có nghĩa là khác thời mà chín, cũng như trái cây sống và chín thời gian khác nhau. Dị loại nhi thục, có nghĩa khác loại mà chín, cũng như trái cây có thứ sống thì chua mà chín thì ngọt. Biến dị nhi thục, có nghĩa là biến đổi mà chín, cũng như trái cây lúc còn non da xanh, lúc chín da đỏ.
Căn thân (thân mệnh) và Khí giới (thế giới vật lý) đều do nhân duyên kết hợp và do chủng tử của A Lại Gia Thức phát sinh, cho nên vạn hữu đều là giả có, Pháp nào hết nhân duyên, chúng tự tan rã. Chủng tử thuộc A Lại Gia Thức là hữu vi pháp, có sanh diệt, bởi nhân duyên giả hiệp sở sinh nên không phải là thật tại, quyết không phải là bản thể. Bởi vì bản thể của vạn hữu là cái lý tánh của Chân như, nó là thực tại, vô vi, bất biến.
Như vậy thì một vật hữu vi, hữu sinh, hữu hoại, nó liên hệ gì với bản thể vô vi bất biến ? Vấn đề nầy Duy Thức Học giải đáp rằng, vạn vật có 3 tự tánh :
- Biến kế sở chấp : Do vô minh, chúng ta cho rằng vật nọ vật kia có, thật ra thì do thức tạo ra, chớ nó chẳng thật có.
- Y tha duyên khởi : Một vật giả có là do các duyên hợp thành, gồm có Nhân duyên ấy là nhân duyên của chủng tử. Ðẳng vô gián duyên là những cái duyên sanh hóa liên tục, niệm trước diệt lại làm duyên cho niệm sau sanh. Sở duyên duyên là khi tâm khởi, tất nhiên nó dựa vào cảnh giới khách quan, cảnh giới nầy là sở duyên, cảnh giới có trực tiếp và gián tiếp nên có thứ gọi là Thân sở duyên và Sơ sở duyên. Tăng thượng duyên là những thứ làm cho duyên vượt qua các trở ngại, nên nó có Thuận tăng thượng duyên và Nghịch tăng thượng duyên.
- Tánh viên thành thật : Nó gồm có nghĩa viên mãn, thành tựu và thật tại, nó chính là bản thể, là Chân như, nó là cái sanh ra Y tha duyên khởi Cho nên Tánh viên thành thật là bản thể của Y tha duyên khởi và tướng của nó là hiện tượng.
Thức biến chuyển nên đồng thời sanh ra Năng duyên và Sở duyên, Năng duyên còn được gọi là Kiến phần và Sở duyên còn được gọi là Tướng phần. Khi ta nghe một âm thanh, cái nghe của ta là Kiến phần, còn âm thanh phát ra đó là Tướng phần, nhờ cả cái nghe và âm thanh hợp chung lại làm cho ta nhận biết âm thanh kia, đó gọi là Tự chứng phần, lại còn cái mà ta nhận biết được phần mà ta nghe biết âm thanh kia gọi là Chứng tự chứng phần, Chứng tự chứng phần phải có sẳn ở trong tâm ta, ta mới có thể biết được vạn hữu, cho nên có những thứ ta không có chứng tự chứng phần thì ta không thể biết chúng. Kiến
Phần, Tướng phần là hai phần ở bên ngoài, còn Tự chứng phần và Chứng tự chứng phần là hai phần ở bên trong, cả bốn phần nầy có tên là Tứ phần thành tâm.
Kiến phần sai khác nhau, có 3 thứ :
- Hiện lượng : Nhìn thấy một vật, nghe một âm thanh mà tâm ta không phân biệt vật ấy như thế nào, âm thanh ấy ra sao. Ðó là hiện lượng.
- Tỷ lượng : Nhìn một vật ta cho rằng nó hình thật tròn, màu đỏ chói . . . đó là ta đã có so sánh, phân biệt nên gọi là tỷ lượng.
- Phi lượng : Nhìn thấy một vật mà ta phân biệt một cách sai lầm, so sánh không đúng thì gọi là phi lượng.
Về Tướng phần tức là hiện tượng nó có 3 cảnh :
- Tánh cảnh : Tướng phần là khách quan của tâm nội, nó là thật thể và thật dụng do chủng tử sanh ra. Có hai loại tánh cảnh:
1) Vô bản chất tánh cảnh : Do Tàng thức biến ra Tướng phần rồi Tàng thức duyên Tướng phần nầy qua Kiến phần, đó là Vô bản chất tánh cảnh.
2) Hữu bản chất tánh cảnh : Chỉ có Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân thức mỗi thức tự duyên Tướng phần của mình, hay những gì do ngũ quan của mình biết được đó là Hữu bản chất tánh cảnh.
- Ðộc ảnh cảnh : Cảnh nầy không có thật thể và thật dụng, cũng không do từ nơi chủng tử sanh ra, nó chỉ là ảnh tượng đơn độc. Có hai loại Ðộc ảnh cảnh :
1) Hữu bản chất độc ảnh cảnh : Như ý thức duyên năm căn và duyên tâm vương, tâm sở của người khác, dùng cảnh nầy để làm bản chất rồi biến ra ảnh tượng của mình để duyên, như thế gọi là Hữu bản chất độc ảnh cảnh.
2) Vô bản chất độc ảnh cảnh : Như Ý thức duyên lông rùa, sừng thỏ là những thứ không có bản chất, như thế gọi là Vô bản chất độc ảnh cảnh.
- Ðới chất cảnh : Như tâm năng duyên khi duyên cảnh sở duyên, tuy rằng có gá nơi cảnh của sở duyên để làm bản chất nhưng không có duyên đặng tự tướng của bản chất. Có hai loại Ðới chất cảnh :
1) Chơn đới chất : Như Mạt Na duyên Kiến Phần của A Lại Da chấp Kiến phần nầy là Ngã. Kiến phần của A Lại Da là Chơn đới chất của Mạt Na bởi vì nó không phải là thật tướng A Lại Da.
2) Tợ đới chất : Như Ý thức duyên những hình tướng dài, ngắn, vuông, tròn màu sắc xanh, đỏ ... để rồi tạo ra Tướng phần vuông, tròn, xanh, đỏ khác. Tướng phần nầy chỉ do Ý thức sanh ra mà thôi nên gọi là Tợ đới chất.
Năm thức đầu là Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân thức gọi là Tiền ngũ thức. Riêng Ý thức thì lại có 2 loại : Ðộc đầu ý thức Ngũ câu ý thức.
- Ðộc đầu ý thức : Là ý thức độc lập khi tác dụng suy nghĩ, tưởng niệm không cần phối hợp với Tiền ngũ thức, nó được phân thành 5 loại :
a) Ý thức tán vị : Trong khi thức, ý thức của ta hoạt động không ngừng, đây là ý thức tán vị. b) Ý thức trong mộng : Ý thức hoạt động trong giấc mộng.
c) Ý thức trong cơn điên cuồng : Ý thức của người điê
n.
d) Ý thức trong suy tính : Khi suy nghĩ, tính toán.
e) Ý thức trong định : Ý thức nầy chỉ có trong lúc thiền định.
- Ngũ câu ý thức : Là Ý thức phối hợp với một hay nhiều thức của Tiền ngũ thức ( nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân ).
Như trên đã nói, tất cả các pháp đều do chủng tử sanh ra, còn chủng tử là vô thỉ pháp, chứa trong A Lại Da Thức, khi đủ nhân duyên nó sẽ hiện hành các pháp khác, Chủng tử có hai thứ : Thứ có từ trước, gọi là Bản hữu chủng tử (hay là Bản tánh trụ chủng), thứ mới có, gọi là Thỉ khởi chủng tử (hay Tập sở thành chủng), do sự huân tập để sanh chủng tử mới , gọi là huân sanh, thí dụ một người từ nhiều đời nhiều kiếp chưa nghe Phật Pháp, nay lần đầu tiên được nghe, sẽ gieo được chủng tử Phật Pháp trong A Lại Da, đó gọi là huân sanh. Ví như một người cứ niệm danh hiệu một vị Phật, như vậy người đó huân tập hình ảnh vị Phật ấy, A Lại Da của người đó tạo ra ảnh tượng đức Phật, làm cho ảnh tượng ấy ngày càng rõ ràng hơn, đó chính là huân trưởng chủng tử Phật. Chủng tử có 3 tánh: Lành, dữ và không lành dữ. Thứ hoàn toàn lành, không bị tạp nhiễm, gọi là Vô lậu chủng tử thứ lành hoặc dữ có tạp nhiễm thì gọi là Hữu lậu chủng tử.
Nói rằng vạn hữu do Thức biến hiện ra, đại để có hai thứ : Cộng biến là thức của nhiều chúng sanh chung lại biến ra và Bất cộng biến là thức chỉ do một chúng sanh biến ra, nói rộng ra thì có 4 loại :
1) Cộng trung cộng biến : Như quả địa cầu nầy, do thức của tất cả chúng sanh cùng chung biến ra.
2)
Cộng trung bất cộng biến : Tuy ở chung trên quả địa cầu nầy, có những người chỉ ở vùng rừng núi, không thấy biển hay ngược lại.
3)
Bất cộng trung cọng biến : Như người ở Châu Á, người ở Châu Mỹ nhưng cùng chung biến ra mặt trời, mặt trăng.
4)
Bất cộng trung bất cọng biến : Như người Pháp ở Paris có tháp Eiffel, người Mỹ ở New York có tượng thần tự do.
Chủng tử ở trong A Lại Da Thức giả hợp với nhân duyên phát sanh ra vạn hữu gọi là hiện hành, A Lại Da có tánh Năng trì ( khả năng duy trì) và Năng biến ( khả năng chuyển biến), cho nên khi hiện hành ra một pháp nào đó, pháp ấy lại sinh ra chủng tử, rồi chủng tử nầy lại hiện hành ra các pháp khác, cứ thế liên tục. Như vậy chủng tử sanh hiện hành, hiện hành sanh chủng tử biến chuyển từng giây phút không ngừng nghỉ.
Chủng tử giả hợp với nhân duyên sanh ra một pháp, không phải chủng tử rời khỏi A Lại Da, chủng tử vẫn ở tại A Lại Da để làm Tự chứng phần, do đó Chứng tự chứng phần mới biết được các pháp.
Học Duy thức dĩ nhiên là khó, không phải chỉ có 100 thứ của 5 loại đó mà thôi, nó còn biết bao nhiêu là những danh từ mới lạ vừa Hán vưà Phạn, để cho dễ nhớ, từ ngàn năm xưa người ta đã cô động trong văn vần nào là Nhị thập tụng, Tam Thập tụng, Bát thức quy cũ tụng, nay lại có Ngũ thập tụng. Có thể khó là vì chúng ta chưa có huân tập Duy Thức, nay hãy huân sanh rồi huân trưởng, nhờ đó nó sẽ giúp cho ta càng tinh tấn trên đường tu học, dù người đó tu Thiền hay Tịnh hoặc Mật hay Giáo, Duy thức học đều hữu ích.
Trong Thành Duy Thức Luận Huyền Trang viết : ‘’ Mục đích của Duy Thức Luận là giúp chúng sanh đạt được quả chuyển y ‘’, quả chuyển y là giải thoát các thức khỏi biến kế sở chấp, chuyển các chủng tử bất tịnh thành tịnh, từ đó Tiền ngũ thức sẽ chuyển Thành Sở tác trí, là cái trí tạo tác thành tựu các sự nghiệp độ sinh. Ý thức chuyển thành Diệu quan sát trí, diệu dụng của cái trí nầy là quán chiếu được tánh không của Ngã và Pháp, ngăn chận các phiền não ngã si, ngã kiến, ngã mạn và ngã ái. Nhờ Ý thức ngăn chận bốn thứ phiền não đó, không cho chúng đồng sự với Mạt Na, Mạt Na không còn chấp kiến phần của A Lại Da làm Ngã, nó tách rời khỏi A Lại Da chuyển thành Bình đẳng tánh trí, nó không còn phân biệt cái ta và không phải ta trong vạn pháp và A Lại Da khi đó chuyển thành Ðại Viên Cảnh Trí, A Lại Da như một vườn cảnh bao la với sum la vạn tượng trong đó, chứa đựng vạn hữu cũng là thấu hiểu chân lý vậy.
Tóm lại, vạn hữu do Thức biểu hiện, chúng không phải là thật tại, vĩnh cửu, học Duy thức để chúng ta phá Ngã chấp và Pháp chấp, tu tập để chuyển các chủng tử lành, dữ dẫn nghiệp vào luân hồi, để huân trưởng chủng tử không lành dữ. Nhờ đó chúng ta được liễu sanh, thoát tử.
Học Duy Thức thì tôi mới chỉ hiểu được như vậy, muốn thông suốt Duy Thức, chắc chắn là phải học hỏi, suy gẫm nhiều hơn.
Sách tham khảo :
- Phan Văn Hùm Phật Giáo Triết Học Tân Việt tái bản lần thứ nhì, Việt Nam, 1958 - Thích Thanh Kiểm Lịch sử Phật Giáo Ấn Ðộ Vạn Hạnh xuất bản, Sàigòn, 1963
- Thích Thiện Hoa
Duy Thức Học (Trọn bộ) Hương Ðạo xuất bản, Sàigòn, 1962, 1971.
- Thích Nhất Hạnh Vấn đề nhận thức trong duy thức học Lá Bối, Sàigòn, 1969 - Thạc Ðức Duy thức học thông luận Ðại Nam tái bản, California, USA,
Ngày 22-3-1998

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét