Phúc Trung
I.- Ðức Phật một nhân vật lịch sử
Ðức Phật Thích Ca tên là Tất Ðạt Ða (Siddhartha) họ Cù Ðàm ( Gautama ) thuộc tộc Thích Ca, ngài là một vị Thái tử, con vua Tịnh Phạn (Suddhodana ) và Hoàng hậu Ma Gia ( Maya ), ở nước Ca Tỳ La Vệ ( Kapilavatthu ), xưa thuộc Ấn Ðộ, nay thuộc về nước Népal.
Hoàng hậu Ma Gia, một hôm nằm mộng thấy có con voi trắng có sáu ngà từ trên không hiện ra rồi nhập vào thân bà, sau đó bà thụ thai. Ðến gần ngày sanh nở, theo tục lệ Ấn Ðộ xưa, Hoàng hậu phải về nhà của cha mẹ mình để sanh nở, trên đường về nước Câu Ly ( Koliya ), Hoàng hậu ghé qua vườn cảnh Lâm Tỳ Ni ( Lumbini ), nghỉ chơn. Trong khi dạo vườn hoa, Hoàng hậu Ma Gia dơ tay lên, định hái đóa hoa Vô ưu thì sanh Thái tử Tất Ðạt Ða, đó là ngày Rằm tháng Tư năm 624 TTL. Nơi đây, cuối thế kỷ 19 ngừơi ta đào được một trụ đá do vua A Dục ( Asoka ) dựng lên năm 250 TTL, xác nhận nơi đây Ðức Phật đã Giáng sinh, nhờ đó các nhà nghiên cứu Tây phương tin chắc rằng Ðức Phật là một nhân vật có thật.
II.- Cuộc đời thái tử Tất Ðạt Ða
Thái Tử vừa mới sinh ra, đựơc ông tiên A TƯ Ðà ( Asita ), tu trong rừng núi Hy mã lạp sơn đến thăm, sau đó ông cho vua Tịnh Phạn biết rằng nếu Thái Tử nối ngôi vua, sẽ trở thành một vị vua tài đức, làm cho nước giàu, dân mạnh; Nếu đi tu, sẽ trở thành một bâc đại giáo chủ. Sau khi sanh Thái Tử được 7 ngày thì Hoàng Hậu Ma Gia từ giả cõi đời, Vua Tịnh Phạn giao Thái Tử cho dì ruột của Ngài là Bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề nuôi dưỡng.
Tin lời của ông tiên A Tu Ðà, vua Tịnh Phạn đã chăm sóc giáo dục Thái Tử trở nên văn võ song toàn. Năm lên 16 tuổi, vua Tịnh Phạn cưới công chúa Gia Du Ðà La ( Yasodhara ), con của một vị vua láng giềng cho Thái Tử, một thời gian sau công chúa Gia Du Ðà La sinh môt Hoàng nam, được đặt tên là La Hầu La ( Rahula ), đó là môt người con duy nhất của Thái Tử Tất Ðạt Ða.
Vua Tịnh Phạn cũng xây dựng những cung điện mùa Hè, mùa Ðông cho Thái Tử nghỉ ngơi, vui chơi với những đoàn vũ nữ, ngày đêm múa hát. Nhưng tất cả những thứ đó trong cung vàng, điện ngọc cũng không làm cho Ngài vui mãi đựơc.
III.- Những nhận thức của cuộc đời
Thái Tử muốn xem cảnh thành Ca Ty La Vệ, lần đầu tiên ra cửa Ðông, ngài thấy một người già râu tóc bạc phơ, lưng còng, gối mõi; dưới mắt ngài, người già trông thật xấu xí. Lần thứ hai ra cửa Nam, ngài thấy một người bệnh đang đau đớn oằn oại, rên la, kêu khóc vỉ cơn bệnh hành hạ. Lần thứ ba ra cửa Tây, ngài thấy một người chết, thân nhân kêu gào than khóc thảm thiết .
Thái Tử đã nhận thấy cảnh Già, Bệnh, Chết là một chuỗi kết nối của cuộc đời mà mọi người, ai cũng phải trải qua. Rồi một lần khác Thái Tử ra cửa Bắc, ngài thấy một Tu sĩ tướng mạo đoan trang, thong dong tiến bứơc.
Những cảnh Sanh, Già, Bệnh, Tử và hình ảnh của Tu sĩ cho Thái Tử một nhận thức cuộc đời là khổ, giàu sang, oai quyền cũng không tránh khỏi, có lẽ chỉ có sống một đời Tu sĩ mới tìm đựơc con đường thoát khổ và cứu giúp cho mọi người.
IV.- Ði tìm chân lý để thoát khổ
Thái Tử xin phép vua Tịnh Phạn cho Ngài xuất gia để trở thành Tu sĩ, vua cha không chấp thuận. Vào một đêm kia, Thái Tử lén nhìn vợ, con rồi cữi ngựa Kiền Trắc ( Kanthala ) cùng với tên giử ngựa Xa Nặc ( Sandaka ) trốn khỏi cung điện, đêm đó nhằm Mồng 8 tháng Hai. Ðến bờ sông A Nô Ma, ngài cắt tóc, tháo những trang sức châu báu giao cả cho Xa Nặc, để mang về dâng lên Vua Tịnh Phạn. Ngài đã quyết chí đi tìm chân lý vào năm 19 tuổi.
Rồi ngài đến rừng Ưu Lâu Tần La bên bờ sông Ni Liên ( Nairanjanà ) bắt đầu tu khổ hạnh với các tu sĩ Kiều Trần Như, Ác Bệ, Thập Lịch Ca Diếp, Ma Ha Nam Câu ly và Bạc Ðề, trãi qua nhiều năm tu khổ hạnh, Tu sĩ Tất Ðạt Ða không tìm được chân lý như ngài mong muốn, một hôm Ngài xỉu vì kiệt sức, một thiếu nữ tên là Tu Xà Ðề thấy ngài như thế, có dâng cho ngài một bát cháo sửa, Ngài dùng bát cháo ấy và nhận thức rằng, người tu hành phải gìn giử thân xác quân bình để phát triển trí tuệ, từ đó ngài bỏ lối tu khổ hạnh, năm người bạn kia cũng rời bỏ Ngài.
Ngay sau đó, ngài đến sông Ni Liên Thuyền tắm rửa cho thân xác sạch sẻ, rồi tiến đến cây Bồ đề để ngồi thiền. Ngài đã nguyện rằng: " Nếu ta không tìm ra chân lý thì quyết không rờI khỏi cây Bồ đề nầy ". Một lần Ngài đã ngồi tĩnh tọa tham thiền luôn trong 49 ngày đêm, cuối cùng chiến thắng Ma vương chứng quả Niết Bàn, đó là vào lúc canh Tư ngày mồng 8 tháng Chạp năm 594 TTL, năm đó ngài được 35 tuổi. Từ đó người ta tôn xưng ngài là Phật, là một bậc Ðại Giác ngộ, thoát khỏi sinh tử, luân hồi. Nơi ngài thành đạo, nay là Bồ Ðề Ðạo Tràng .
V.- Sự hoằng hóa chúng sinh
Sau khi thành đạo, Ngài đã đến Vườn Lộc Uyển để giảng đạo cho 5 người cùng tu lúc trước. Bài thuyết pháp đầu tiên là TỨ DIệU ÐẾ, ngài vạch rõ 4 chân lý: Sanh, Già, Bệnh, Chết là Khổ và muốn giải thoát phải tu theo BÁT CHÁNH ÐạO, do vậy mà thời Pháp nầy còn gọi là chuyển Pháp Luân, và dùng biểu hiệu bánh xe với 8 chiếc câm.
Khi tại thế, Ðức Phật đi hoằng hóa nhiều nước trong xứ Ấn Ðộ, đệ tử xuất gia của ngài có đến 1250 vị, trong đó có Bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề, công chúa Gia Du Ðà La, Hoàng Tử La Hầu La, ngoài thường dân ra, nhiều vị Quốc Vương, Hoàng Hậu, Thái Tử, Công Chúa, và các đại thần của nhiều nước theo quy y với Ngài. Ðức Phật giảng dạy nhiều vấn đề cho người ta tu học, người sau chia thành 5 thời thuyết Pháp: Thời kỳ thứ nhất trong 21 ngày, ngài thuyết Kinh Hoa Nghiêm cho đại chúng tu theo Tiểu thừa. Thời kỳ thứ hai trong 12 năm, ngài thuyết Kinh A Hàm, nói về Tam Thừa. Thời thứ ba trong 8 năm, ngài thuyết kinh Phương Ðẳng, để dẫn dắt Tiểu Thừa qua Ðại Thừa. Thời kỳ thứ tư trong 22 năm , ngài thuyết kinh Bát Nhã, nói về chân lý vũ trụ, cái thật tướng " Vô Tướng" của các pháp. Thời kỳ thứ năm trong 8 năm, ngài thuyết Kinh Pháp Hoa và Niết Bàn, kinh Pháp Hoa nói rõ nguyên nhân phật giáng sinh là để " Mở đường, chỉ lối cho chúng sanh giác ngộ để nhập vào sự hiểu biết của Phật " ( Khai, Ngộ, Nhập, Tri kiến Phật ).
Vi.- Nhập Niết Bàn
Phật đã hóa độ chúng sanh trong 45 năm, rồi Ngài đến rừng Sa la trong xứ Câu Ly để kiết hạ, một hôm có ông Thuần Ðà làm nghề đốt than, thỉnh Phật về nhà cúng dường, ngài dùng một bát cháo nấm, nấm nầy có tên là " Nấm heo rừng ", sau đó ngài từ giả ông Thuần Ðà để đi đến rừng Sa La, đến nơi Ngài treo võng lên hai cây Sa La nằm, ngài bảo cho ông A Nan biết, ngài sắp nhập Niết Bàn, nhiều người nghe tin ấy, đến nơi viếng ngài, trong đó có ông Tu Bạt Ðà La (Subhadra) xin thọ giới Sa di, ngài nhận cho, đó là vị đệ tử xuất gia cuối cùng của Phật. Sau đó Ngài phó chúc:
- Y, bát trao truyền cho ông Ma Ha Ca Diếp, do đó ông Ma Ha Ca Diếp là đệ nhất Tổ.
- Các đệ tử phải lấy giới luật làm Thầy.
- Ở đầu các kinh phải ghi: " Ta nghe như vầy "
- Xá lợi của ngài phải chia cho: Thiên Cung, Long Cung, và Thế Gian, phần này về sau chia cho 8 vị Quốc Vương đương thời.
Dặn dò xong, đức Phật nằm quay đầu về hướng Bắc, mình nghiêng phía tay phải, mặt về hướng Tây, hai chân duỗi về phương Nam, ngài nhập định rồi vào Niết Bàn, nhằm ngày Rằm tháng Hai năm 544 TTL. Năm đó ngài tròn 80 tuổi, Phật Lịch được lấy kể từ năm nầy.
Sách tham khảo:
Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, khóa I & II THPG. TP. HCM, 1989.
Thích Minh Châu, Thiên Ân, Chơn Trí, Đức Tâm Phật Pháp, THPGVN, Sàigòn, 1951
Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật Giáo Ấn Ðộ, Vạn Hạnh xuất bản, Sàigòn, 1963.
Thích Trí Chơn, Cuộc Ðời Ðức Phật, GHPGVNTNHNTHK VHV, California, 1994.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét