Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Thiền


Phúc Trung
I - Dẫn: Thiền là một pháp môn tu tập được nhiều người ưa chuộng nhất, bởi vì người ta thường hay nghe nói đến những quyến năng đạt được của người tu thiền, chẳng hạn như có thể xuất hồn đi chỗ nọ chỗ kia, đi đến những cõi khác, có thể chứng ngộ được nhanh chóng trên đường tu học, trị được những tật bệnh... Nhưng cũng có những người tu thiền không đạt được kết quả gì, trái lại có những người bị bệnh tâm thần thường gọi là "tẩu hỏa nhập ma". Cho nên chúng ta cần phải biết rõ về nguồn gốc, phương pháp tu tập, kết quả một người tu thiền có thể chứng ngộ được, tránh những sai lầm có thể nguy hiểm đến tính mạng.
II- Nguồn gốc Thiền : Ðạo Bà La Môn hay gọi là Ấn Ðộ Giáo phát triển rất sớm ở Ấn Ðộ, thời kỳ thứ nhất khoảng 1500 đến 1000 năm trước kỷ nguyên họ đã có tư tưởng văn hóa ghi trong kinh điển Về Ðà (Veda) , thời kỳ thứ hai từ 1000 đến 800 năm trước kỷ nguyên là thời đại Phạm Thư (Bràhmana) chia xã hội thành 4 giai cấp: fiea cấp Bà La Môn ( Brahmana) giữ việc tế lễ tôn giáo, kế đó là giai cấp Sắt Ðế Lợi (Ksatriya) gồm vua, quan nắm quyền thống trị, xuống nữa là giai cấp Tỳ Xá (Baisya) gồm nông, công, thương và xuống đến cuối cùng là giai cấp Thủ Ðà La (Sùdra) là những người đời đời làm nô lệ. Thời kỳ thứ ba, tư tưởng cuối cùng của Bà La Môn là Triết Học Áo Nghĩa Thư (Upanishad) từ 800 đến 600 năm trước kỷ nguyên, thời kỳ này phát sinh ra phép tu Du Già (Yoga) . Khi Ðức Thế Tôn ra đời thì xã hội Ấn Ðộ có Ký Na giáo, Lục sư ngoại đạo phái, tư tưởng của 6 nhà ngoại đạo và Kỳ na giáo không chịu ảnh hưởng Bà La Môn, trong đó có phái Du Gíà chủ trương tu Thiền để mong giải thoát.
Ðức Phật dạy nhiều pháp môn tu học để thoát khỏi sanh tử luân hồi, về Thiền có kinh An Bang Thủ Ý (Kinh Quán Niệm Hơi Thở), Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Ðức Phật cũng dạy con của Ngài khi mới đi tu : " Này ! La Hầu La, hãy tu tập về sự niệm hơi thở vào, hơi thở ra. Này, La Hầu La, do tu tập niệm hơi thở vào, hơi thở ra, làm cho sung mãn nên được quả lớn, lợi ích lớn...".
III - Ðịnh nghĩa : Thuyền hay Thiền là từ đơn giản, nói cho đủ phải là Thiền Na, phiên âm từ chữ Phạn Jhàna, người Trung Hoa dịch là Tư duy tu hay Tịnh Lự hay Ðịnh Huệ đẳng trì.
Tư duy tu có nghĩa là tập luyện theo phương pháp tập trung tư tưởng và tâm niệm vào một chỗ để quan sát, suy tư.
Tịnh lự là phương pháp làm cho tâm lặng yên để suy nghĩ, quan sát chân lý. Tịnh có nghĩa là yên lặng, nó hàm chứa nghĩa DỪNG LạI, trong thuật ngữ Thiền gọi là CHỈ. Lự có nghĩa là suy gẩm, phải dùng tâm trí suy xét, tìm tòi cho ra ý nghĩa của một vấn đề mà thuật ngữ Thiền gọi là QUÁN.
Ðịnh Huệ đẳng trì, Ðịnh là chuyên chú, tức TÂM chuyên chú vào một vấn đề, không để tán loạn, Huệ là sáng tỏ. Lục tổ có dạy rằng : " Thiền định là thể của trí huệ, trí huệ là dụng của Thiền định. Trong lúc tới trí huệ thì Thiền định ở Trí huệ, trong lúc tới Thiền định thì Trí Huệ ở Thiền định. Nếu biết nghỉa ấy, tức là sự học Thiền Ðịnh, Trí Huệ bằng nhau."
Tóm lại, Thiền là dừng các tạp niệm, tâm chuyên chú quan sát vào một vấn đề, để đạt đến sự hiểu biết sáng suốt.
Trong Kinh Kim Cang, ông Tu Bồ Ðề có hỏi Phật :"Bạch Ðức Thế Tôn ! Nếu có người phát tâm bồ đề, muốn cầu qủa Phật, làm sao an trụ Chơn Tâm, làm sao hàng phục Vọng Tâm ?" Ðức Phật đã trả lời :"Không nên trụ vào Sắc mà sinh tâm. Không nên trụ vào Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp mà sinh tâm. Không để tâm trụ vào cái gì hết thì sinh Tâm Bồ Ðề".
Còn trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy :"Nếu các ông muốn biết cái "Câu sanh vô minh" (vô minh chung cùng sanh tử từ vô lượng vô thỉ đến nay) để trừ, và "Quả vô thượng bồ đề" để tu chứng, vậy nay ta sể chỉ cho các ông rõ.
Này A Nan ! Khiến cho các ông nhiều kiếp sanh tử luân hồi, chỉ là sáu căn, mà làm cho chứng quả Bồ Ðề an vui giải thoát, cũng chỉ là sáu căn của các ông. Căn và Trần đồng một thể (Tâm) phiền trược và giải thoát không hai (mê thì phiền trược, ngộ thì giải thoát), các thức hư vọng cũng như hoa đốm giữa chốn hư không.
- A-Nan ! Vì có trần cảnh, nên ở nơi Căn mới khởi ra phân biệt. Vì đã có cái căn phân biệt ở nơi căn, nên mới hiện ra cái tướng bị phân biệt là cảnh. Căn và Cảnh đối đãi nhau vọng hiện, chớ không có thật. Cũng như hình câ lau gác nhau.
Thế nên khi THẤY, NGHE hay BIẾT mà khởi vọng niệm phân biệt, đó là gốc vô minh. Còn khi THẤY, NGHE hay BIẾT mà không khởi vọng niệm phân biệt, đó là Niết Bàn. Ở trong CHơn Tâm thanh tịnh, không có dung chứa vật gì tất cả!"
Ðó là những gì căn bản của phương pháp tu thiền.
IV - Phân loại : Thiền phân loại tùy theo phương pháp tu tập. Thông thường, người ta phân chia Thiền ra làm 3 loại:
- Như lai thiền
- Tổ sư thiền
- Ngoại đạo thiền
1.- Như lai thiền: Thiền theo phương pháp Phật chỉ dạy như Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Quán Vô Lượng Thọ hay theo Ngũ Ðình Tâm Quán:
- Sổ tức quán: Theo dõi hơi thở, để đối trị bệnh tán loạn của tâm.
- Bất tịnh quán: Tức tuántưởng thân không thanh tịnh, để đối trị lòng tham sắc dục.
- Từ bi quán; Xem tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, bình đẳng, không thù ghét, thương yêu nhau, để đối trị lòng sân hận.
- Nhân duyên quán: Qúan tưởng tất cả sự vật đều giả hợp, do duyên mà có, không trường tồn, chân thật, để đối trị lòng si mê vật chất.
- Giới phân biệt quán: phân biệt và quán tưởng 6 trần, 6 căn, 6 thức vị chi 18 giới đều không thật có "ngã, pháp" để đối trị chấp ngã.
2.-Tổ sư thiền: Thiền theo phương pháp chư Tổ từ Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma trở về sau, ấy là phương pháp công án hay Khán thoại đầu. Công án là một vấn đề mà thiền sư đề ra cho người đệ tử giải quyết còn Khán thoại đầu, cái gì ta nói ra đã là thoại vĩ, vậy thoại đầu là cái mé chưa sanh một niệm, tức là chỗ không sanh không diệt, luôn luôn chăm chú nơi "không sanh không diệt " ấy, gọi là khán thoại đầu.
Chư tổ thường dùng phương pháp: Hỏi, hét, đánh, đạp cốt để đập vỡ cái võ cứng cố chấp, hoài nghi làm cho người đệ tử bừng tỉnh sau một thời gian đắm chìm trong suy tư về công án hay thoại đầu, sự bừng tỉnh ấy có thể người đệ tử được " Khoát nhiên đại ngộ". Chẳng hạn nhjư sau khi Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma tịch, vấn đề giải thoát được nêu lên với tất cả tin thành của người Phật tử. Người ta tham vấn biết bao Thiền sư qua câu hỏi :" Như hà thị Tổ sư Tây lai ý ?" ( Ý nghĩa tối yếu của Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma qua Trung Hoa là gì ?)
Thiền sư Hương Lâm đáp : "Ngồi lâu thấm mệt !"
Thiền sư Cửu Phong đáp :" Một tấc lông rùa nặng chín cân"
Thiền sư Triệu Châu đáp : " Cây Bách ở trước sân !"
Riêng Thủy Lão tham kiến câu này với Mã Tổ Ðạo Nhất, bị ngài Ðạo Nhất đạp cho một đạp té nhào, sau khi bò dậy, tỉnh cơn chấnđộng từ thể xác dến tinh thần, Thủy Lão nói:" Kỳ thật, trăm ngàn món tam muội, vô lượng ý nghỉa diệu huyền chỉ ở trên đầu một sợi lông và nhờ thế mà tôi liễu ngộ được cội nguồn !"
Ở thiền viện kia, vị thiền sư mỗi khi muốn nói ra một vấnđề gì quan trọng, thường đưa ngón tay lên miệng, để cho mọi người im lặng. Trong chùa có một chú tiểu rất thông minh, thấy thiền sư làm như thế chú cũng bắt chước, đưa ngón tay lên miệng khi muốn nói chuyện quan trọng. Một hôm hầu chuyện thiền sư, chú tiểu sắp trình bày chuyện quan trọng, ra vẻ trang nghiêm, chú đưa ngón tay lên miệng, thấy thế, sẵn có con dao rọc giấy, thiền sư bèn nắmlấy đè ngón tay chú tiểu xuống bàn, tiện mất một đốt tay ấy. Chú tiểu đau đớn và hoảng sợ, kêu lên rồi bỏ chạy, thiền sư đuổi theo gọi : "Này chú!" Chú tiểu quay đầu nhìn lại, Thiền sư đưa ngón tay lên miệng, quen tánh, thấy vậy, chú tiểu cũng đưa ngón tay lên. Nhưng chợt nhận ra ngón tay mình đã mất, chú tiểu bỗng thấy tâm trí bừng sáng, khoát nhiên đại ngộ.
Nhưng mà thuật ngữ Ðại Ngộ là ngộ cái gì ? Thiền tông chủ trương : Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ minh tâm, kiến tánh thành Phật ( Ðặc biệt truyền riêng, không viết thành kinh sách, chỉ thẳng vào tâm, thấy tánh là thành Phật), khoát nhiên đại ngộ đó Bất khả tư nghi (Không thể nghĩ bàn được) một tiền đề của Ngộ. Vè bất khả tư nghị, khi Phật còn tại thế, ở Hội Linh Sơn, Phật đưa cành hoa sen lên, yên lặng không nói chi, Ngài Ca Diếp lĩnh hội được ý Phật, ngài mỉm cười. Sau này trở thành vị Ðệ Nhất Tổ.
Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma một hôm gọi các đệ tử đến hỏi :" Giờ ta ra đi sắp tới, vậy mỗi đệ tử hãy nói cho ta nghe sở đắc của mình." Nào Ðạo Phỗ, Ðạo Dục, Tổng trì Ni mỗi người đều trình kiến giải của mình. Sau rốt có Huệ Khả làm lễ bái sư rồi đứng ngay một chỗ, im lặng không một lời. Qua đó Tổ truyền y bát cho Huệ Khả.
Không phải các thiền sư đều thành công, truyện thất bại hết sức đau thương sau đây, đã nói lên sự dụng công hết mức của Thiền Sư, người đệ tử vẫn không tự phá vỡ nổi cái vỏ cứng của Công án, trường hợp này, dưới mắt của thiền sư, chỉ một chút, còn một chút nữa thôi người đệ tử sẽ đạt đến đại ngộ, nhưng về phía người đệ tử không thể vượt qua, chỉ ở đây mới nói lên sự đòi hỏi quyết liệt của thiền sư là mỗi người phải Tự chứng tự tri.
Có một đệ tử kia, sau khi được thiền sư trao công án, nghiền ngẫm, nung nấu đã lâu mà không ngộ được, thiền sư kiên nhẫn, thúc bách và khuyến khích:
- Chú về thử ba tháng nữa xem.
Ba tháng sau, người đệ tử trở lại trình thiền sư chưa có kết quả, vị thiền sư lại khuyến khích:
- Chú về thử ba tuần nữa.
Ba tuần sau trở lại, người đệ tử vẫn chưa có két quả.
Thiền sư thúc bách thêm:
- Ba ngày nữa mà không giác ngộ thì chết đi cho rồi, chớ tu nữa mà làm gì ?
Ba ngày sau, khi đệ tử xuất hiện, vị thiền sư hỏi ngay:
- Sao, công án đi đến đâu rồi ?
- Bạch Thầy, con rất hổ thẹn, con vẫn chưa tìm ra được. Con sẽ tự tử.
Thiền sư quát:
- Thì tự tử đi.
Người đệ tử liền rút dao trong người ra, mổ bụng chớp nhoáng rồi ngả gục xuống. Thiền sư nhìn vào nét mặt của người đệ tử của mình và thúc dục:
- Tự tử thì được rồi, nhưng công án đã tìm ra chưa?
Thều thào người đệ tử thưa:
- Bạch thầy chưa!
Vị thiền sư bồi thêm nhát búa cuối cùng:
- Câm đi! Người chết không có nói bao giờ.
Nhát búa cuối cùng ấy không chẻ được khối tư duy của người đệ tử. Một thất bại chua cay cho thiền sư, và cũng là một thảm cảnh cho thiền viện về công án thiền.
Những câu chuyện thiền, cho chúng ta thấy ở thiền viện, thiền sư có nhiệm vụ theo dõi tiến trình tâm sinh lý của đệ tử, để dồn ép, xô đẩy người đệ tử vào một xó góc không lối thoát, và chọn lựa đúng thời cơ để bắt buộc người đệ tử phải vượt qua, cũng giống như xô đẩy người đệ tử leo lên đầu của một cây sào trăm thước, leo như vậy đã khó, khi đã lên tận đầu sào vẫn bị thúc đẩy phải leo lên nữa, tức là vượt lên khỏi đầu sào, không còn được bám víu vào ngọn sào một phương tiện dùng để vượt qua trăm thước.
Hiểu theo nghĩa thông thường, một giới hạn mà thiền sinh phải vượt qua để đạt tới tới hạn của thiền, ai đã tiếp tục leo lên nữa, sẽ rời khỏi đầu sào, rơi từ trên cao trăm thước xuống, người ấy sẽ có một cảm giác, một tới hạn tự chứng tri.
3.- Ngoại đạo thiền: Những phương pháp thiền khác, không chính thống Phật giáo hay không thuộc một trong hai loại trên là ngoại đạo thiền.
V.- Hành thiền: Muốn tu tập pháp môn thiền, chúng ta phải nhận thức rằng vì vô minh vọng động nên chúng ta bị vạn duyên ràng buộc, niệm niệm sanh diệt, trói buộc chúng ta trong vòng sanh tử luân hồi, tập thiền để tạp niệm không sanh, thoát khỏi luân hồi.
Ðức Phật trải qua hằng vô lượng vô số kiếp tu tập, vì nhân duyên đại sự Ngài mới thị hiện cõi ta bà này để giáo hóa chúng sanh, không phải Ngài tu nhứt kiếp, ngộ nhứt thời. Vậy điều cốt yếu là chúng ta phải tu tập hàng ngày, loại bỏ các tạp niệm dần dần tự tánh sẽ sáng suốt.
1.- Nhận thức: Muốn chấm dứt nhân quả để thoát khỏi sanh tử luân hồi, người tu thiền phải giữ cho 3 nghiệp được thanh tịnh: Thân nghiệp, khẩu nghiệp, Ý nghiệp.
A) Hành vi tạo tác thân nghiệp : Vì vậy chúng ta phải giữ chẳng những không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, mà còn tập mỗi mỗi hành động cẩn trọng, nhẹ nhàng khi đi, đứng, nằm, ngồi. Tâm chúng ta sẽ không thanh tịnh, nếu chúng ta có những cử chỉ, hành động thô bạo.
B) Lời nói tạo tác khẩu nghiệp: Chúng ta phải tránh nói dối, nói thêm bớt, chửi mắng, khen chê người khác, nghe người ta nói rồi nói đi nói lại để gây thù oán nhau... nên dùng lời lẽ êm ái, dịu dàng, khuyên can mọi người để sống hòa ái với nhau. Người xưa nói "Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất", nói chẳng những dễ gây họa mà tâm cũng dễ bị phân tán.
C) Tư tưởng tạo tác ý nghiệp: Chúng ta phãi tránh tham, sân, si. Phải giữ cho tâm thanh thịnh hoặc chỉ tưởng nhớ đến những điều hay, tốt đẹp. Bất cứ làm việc gì cũng phải chú tâm vào đó, không nên để thân làm một việc, còn tâm nghĩ đến việc khác, đây cũng chính là thiền. Luôn luôn giữ cho Thân, Khẩu, Ý cho được thanh tịnh từ lúc buổi sáng cho đến khi đi ngủ vào buổi tối.
2.- Phương pháp: Về phương pháp hành thiền thì phải:
-Ðiều thân
-Ðiều tức
-Ðiều tâm
A) Ðiều thân: Có 3 phần:
a) Trước khi ngồi thiền: Phải giữ thân thể sạch sẽ, nên tắm rửa trước khi ngồi thiền, không tắm được thì cũng phải rửa mặt, tay, chân. Ăn mặc quần áo phải rộng rãi và sạch, để tránh bị ngứa ngáy, khó chịu. Không ngồi thiền lúc bụng no, tối thiểu phải ngồi thiền sau khi ăn độ 2 giờ. Cũng không nên để bụng đói quá, nếu thiền vào sáng sớm hay trước bữa ăn, nên uống một tách trà hay thức uống.
b) Trong khi ngồi thiền: Ngồi trên bồ đoàn (hay cái gối thật mềm), hoặc dùng gối chêm ở mông cho 2 mép đầu gối nằm sát xuống sàn nhà, ngồi xuống rồi nới rộng lưng quần để cho bụng thoải mái trong khi thở, xoay mình qua trái, qua phải vài cái rồi ngồi một trong hai thế:
- Ngồi bán già: Ðặt bàn chân trái lên đùi phải.
- Ngồi kiết già: Ðặt bàn chân phải lẻn đùi trái, rồi đặt bàn chân trái lên đùi phải (hai chân gài với nhau)
Hai tay, trước tiên để lên hai đầu gối, để cân cho vai ngang, xương sống thẳng, rồi lấy bàn tay trái để lên gót chân phải, bàn tay phải để lên bàn tay trái, hai lòng bàn tay khum khum, kéo sát vào bụng, hai đầu ngón tay cái giao nhau, ngay rún. Ngồi giữ cho lưng (xương sống) thật thẵng, lỗ tai và bả vai, chót mũi và rún phải ngay nhau. Mắt để hé,nhìn ngay chót mũi. Miệng ngậm lại, răng trên kề răng dưới, chót lưỡi cong lên đụng nướu răng trên. Mặt nhìn xuống, hướng mắt nhìn với thân hợp thành góc 30 độ (mắt nhìn xuống một điểm ở sàn nhà, cách hai chân ta chừng một gang tay) để giữ cho xương sống thật thẳng từ xương khu lên đến ót.
Trong suốt thời gian ngồi thiền không được nhúc nhích, cục cựa do thân bị ngứa ngáy hoặc bị kiến cắn hay muỗi đốt (tìm cách phòng ngừa trước như phải giữ thân thể, quần áo sạch sẽ, không ngồi nơi có kiến, ngồi trong mùng nơi không có muỗi) Khi bị ngứa ngáy buổi ban đầu, sau dần sẽ không có nữa.
Lúc mới ngồi thiền có thể bị ngủ gục, thân bị ngã qua ngã lại, tỉnh ngủ phải sửa thân lại, đôi khi ngưng thiền để kiểm soát thân ngồi có đúng thế hay không, dù không bị ngủ gục, thân đôi khi cũng bị nghiêng qua lại, có thể nhờ người nhà thỉnh thoảng theo dõi sửa giùm.
Mặc dù phải thẳng lưng, hai chân gác chéo nhau, hai tay khoanh ở trước nhưng không được gồng các bắp thịt, phải để cho các cơ bắp ở thế nghỉ ngơi hoàn toàn thoải mái.
Giữ cho được chỗ ngồi thiền yên tịnh, trong lành cũng có thể đốt nhang thơm hay xông trầm. Không nên ngồi nơi lạnh quá hay nóng quá. Trong khi ngồi thiền, yêu cầu người nhà giữ cho yên tịnh, đừng làm ồn ào, đừng quấy rầy mình, nhứt là đừng làm kinh động có thể nguy hiểm cho mình, cho nên cần lựa giờ giấc thích hợp nhất, ít ai lui tới.
c) Sau khi ngồi thiền: Phải giữ các cử động đi từ tế đến thô, tránh cử động mạnh và đột ngột ngay sau khi ngồi thiền, cho nên trước tiên ta ý thức mình đang ngồi thiền vừa mới xong, từ từ đưa hai tay ra để trên đầu gối, rồi thở vài hơi thở dài sau đó thở sâu, dùng hai tay xoa vào nhau cho nóng rồi úp lên hai mắt, rồi lấy tay xoa trán và vổ trán vài cái (có thể dùng hai bàn tay đan vào nhau chà xát vài lần) tiếp theo xoay mình vài cái rồi thả hai chân ra, dùng tay bóp chân từ vế đến đùi, cuối cùng mới đứng lên và từ từ đi.
Trong khi ngồi thiền, đạt được cảm giác thoãi mái nên giữ cảm giác này suốt ngày. Ngoài thời gian ngồi thiền, luôn luôn phải giữ cho thân cùng ý hợp nhau, nghĩa là ta hành động gì thì tâm ta phải chú ý vào đó. Những lúc không làm gì, không để tâm miên man vào vấn đề nầy hay vấn đề kia, tưởng nghĩ đến việc thiện hay hình tượng Phật thì tốt nhất.
B) Ðiều tức : Ai cũng biết rằng động tác của phổi dùng để hút oxy trong không khí vào cơ thể nuôi dưỡng máu huyết, tống thán khí đã xử dụng ra ngoài, ngày nay khoa học cho thấy rằng thở càng dài hơi càng tốt, vừa để hít nhiều oxy vào, tống hết thán khí ra, nhưng có đủ thời gian để trao đổi hết oxy hút vào càng tốt hơn, trong một phút, bình thường phổi làm việc 18 lần, nếu chúng ta thở dài hơi phổi sẽ làm việc chừng 10 lần, như vậy đời sống của phổi dài ra tức nhiên tuổi thọ con người cao hơn.
Chúng ta biết rằng con người có hành động ý thức và vô ý thức, thí dụ ta dơ tay lấy cây bút để viết, hành động đó có ý thức do tâm chúng ta điều khiển, khi ta đi từ chỗ này sang chỗ kia, có khi ta điều khiển cho chân ta bước đó là hành động có ý thức, có lúc ta quên điều khiển nhưng chân ta tự bước đi, đó là hành động vô thức hoặc khi ta đi, hai tay tự nó đánh đồng xa (đưa tới, đưa lui) hành động này ta không điều khiển, hoàn toàn vô thức. Nay ta tập thiền với mọi hoạt động đều có ý thức, có sự chú ý, cột tâm ý ta với hành động thành một. Những thiền viện ở Thái Lan, Miến Ðiện họ luyện tập về tập trung tư tưởng như sau. Ví dụ muốn dơ tay phải lên, người ta nghĩ trong đầu óc : dơ, dơ,dơ, tay, tay, phải, phải, lên, lên, lên...từ từ họ dơ tay phải lên. Làm như vậy để tâm ta luôn luôn gắn chặt vào hành động. Lói thiền nầy gọi là Thiền Minh Sát Tuệ.
Thở còn dùng để tập trung tinh thần (Sổ tức quán), dùng làm kinh nghệm do thời gian trong bước đầi khi ngồi thiền. Thí dụ: Khi áp dụng Sổ tức quán, người ta đếm được 300 hơi thở trong 30 phút, như vậy, cứ 100 hơi thở la 10 phút.
Chúng ta có thể phân biệt 3 loại thở:
- Thở sâu: Khi thở phải hít vào dài hơi, ngực nở, bụng phình ra, khi thở ra co thót bụng lại để tống hết thán khí ra ngoài.
- Thở dài hơi : Thời gian thở kéo dài hơn bình thường.
- Thở thường : Thở thường nhưng dều đặn.
Thở có 3 nhịp:
- Nhịp 2 : Hít vào rồi thở ra.
- Nhịp 3 : Hít vào, ngưng lại giữ hơi, thở ra (hay hít vào, thở ra, ngưng giữ hơi).
- Nhịp 4 : Hít vào, ngưng giữ hơi, thở ra, ngưng.
Thường thường người ta áp dụng thở sâu với nhịp thở 4 hay 3, thở dài hơi với nhịp thở 3 và thở thường với nhịp thở 2. Hầu hết thiền đều áp dụng thở thường mà thôi.
Thở phải hết sức từ từ, thong thả, nhẹ nhàng, giữa hít vào và ngưng thở hay từ hít vào cho đến thở ra đều phải biến đổi từ từ gần như không có giới hạn. Hít vào thờ ra chỉ dùng lỗ mũi mà thôi. Bắt đầu buổi ngồi thiền phải thở 3 hơi thật sâu vừa để tống thán khí ra vừa để nương theo hơi hít vào làm cho xương sống thẳng đứng.
C) Ðiều tâm :
Ðây là phần chính trong buổi tập thiền. Mục đích điều tâm là "Buông bỏ hết mọi suy nghĩ phân biệt". Người xưa thường nói "Tâm viên, ý mã" nghĩa là Tâm của ta như con vượn, nhảy nhót lăng xăng, còn ý của ta đi nhanh chóng như ngựa phi nước đại. Ví dụ chúng ta đang ở Mỹ đây mà nghe ai nóiđến Việt Nam thì ta liền liên tưởng đến cảnh nào đó ở Việt Nam, vậy ý tưởng của ta đi nhanh hơn ngựa chạy, có thể nói nhanh như điện tử vậy. Cho nên điều tâm là làm sao cho tâm dừng lại, không suy nghĩ gì hết, làm được việc này thật là khó. Có 2 phương pháp :
* Thiền hữu chủng: Thiền có đè mục hay vấn đề để chúng ta tập trung tư tưởng vào đó, không để cho tâm buông lung, muốn nghĩ gì thì nghĩ, phương pháp này có 3 giai đoạn:
- Ðịnh tâm: (Tập trung tư tưởng) giữ tư tưởng cho được yên tịnh, tâp trung vào một sự việc.
- Tham thiền: Suy nghĩ một vấn đề, đi từ thỉ cho đến chung, đi từ nhân cho đến quả.
- Nhập định: Nhập vào cái rốt ráo của vấn đề, hòa mình vào đó, không còn suy nghĩ phân biệt.
Ba giai đoạn này, phải đi từng bước như khi nhỏ, ta phải học mẫu giáo rồi mới vào tiểu học, trung học, đại học. Vậy bước đầu phải tập định tâm: Có rất nhiều cách, nhưng có 2 cách dễ dàng áp dụng:
1.- Sổ tức quán : Dùng phương pháp thở dài hơi nhịp 2, tập trung tư tưởng theo hơi thở và đếm số, khi hít vào thì đếm, khi thở ra không đếm, chúng ta đếm từ 1 tới 10 rồi trở lại từ 10 cho tới 1, hoặc từ 1 đến 100 rồi trở lại từ 100 cho đến 1. Khi hít vào, thở ra phải thật nhẹ nhàng và đều đặn, phải đếm thầm và ghi nhớ rõ ràng, nếu quên nửa chừng phải đếm lại từ đầu, bắt buộc phải có kỷ luật như vậy, tâm ta mới chú ý vào hơi thở, trí ta mới định.
2.- Quán tưởng : Ðể tâm hướng vào một vật, hình dạng thật đơn giản. Thí dụ ta vẽ một vòng tròn đường kính chừng 2 tấc, sơn màu vàng, nhìn nó cho kỹ rồi khi ngồi thiền ta cứ hình dung và giữ hình ảnh vòng tròn màu vàng ấy luôn luôn hiện ra trong tư tưởng của ta, không suy nghĩ gì khác và cứ giữ như thế suốt buổi ngồi thiền.
Ðấy là những phương pháp Ðịnh tâm đơn giản, sau khi ngồi thiền ta cũng phải giữ tâm ta luôn luôn chú ý vào hành động ta đang làm, chẳng hạn như khi rửa chén trong chậu, ta để tâm vào công việc rửa từng cái chén, từng cử động của chúng ta, khi quét nhà tâm ta phải theo dõi từng động tác quét của ta với từng cọng rác. Khi tập lái xe, tập trung chú ý vào những gì ở trước mắt ta, đừng để tư tưởng nghĩ gì khác. Tóm lại, nhất nhất, Thân và Tâm là Một giữ cho được từng giờ, từng phút, ấy là Ðịnh tâm.
Ðịnh được tâm lâu mau tùy theo căn cơ, tùy theo nguyện lực của mỗi người, có thể vài tháng, có thể vài năm, cái tâm ta vốn nhiều kiếp lăng xăng lộn xộ đã quen rồi,nay ta mới tập cho nó định cho nên khó. Chúng ta thấy con khỉ, người ta xích nó lại, dù 5 hay 10 năm, nó vẫn nhảy nhót, leo lên tuột xuống lăng xăng, cái tâm của ta cũng y như vậy mà thôi. Sau khi định tâm được rồi ta mới bắt đầu tham thiền về một vấn đề gì đó, trong một buổi chỉ tham thiền về một vấn đề mà thôi. Ví dụ ta tham thiền về câu đầu trong Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh : Quán tự tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Ða thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Ðọc thầm từng chữ rồi tìm hiểu ý nghĩa từng chữ, từng câu và cả đoạn kinh. Tham thiền là giai đoạn Tham Công Án hay Khán Thoại Ðầu trong thiền viện.
Và cuối cùng là chúng ta xem xét đến tận cùng của vấn đề, để ta với nó chỉ là một, ấy là nhập định, cứu cánh của thiền.
Ðừng bao giờ tham thiền khi tâm ta chưa định, phải định tâm cho được mới qua tham thiền dù phải mất 5 hay 10 năm hay cả đời cũng phải kiên nhẫn thành công từng bước mới đến nhập định được.
* Thiền vô chủng: Ngồi thiền nhưng giữ cho tâm không suy nghĩ điều gì hết, đạt được tâm thanh tịnh tức đạt đến cứu cánh của thiền. Nhưng mà điều này hết sức khó khăn, phương pháp cơ bản để thực hành như sau:
- Theo dõi tư tưởng: Ngay từ đầu cứ để cho tư tưởng tự do muốn tưởng chi kệ nó, để dần dần xem coi cách nthế nó tưởng tượng ra sao, tìm ra quy luật của sự tưởng tượng rồi dần dần loại trừ những tư tưởng sai quấy, rồi dần dần cả những tư tưởng tốt cũng dừng lại, nghỉa là để cho tâm được yên tịnh, biết có vọng niệm nổi lên liền không cho nó tiếp tục. Thí dụ đương không ta bị nghĩ tới bãi cỏ xanh ở trước sân, nếu ta không biết, ta sẻ nghĩ tới những cây bông hồng ta trồng ở đó, có cành đã ra hoa, có cành có nụ, ta nghỉ muốn cho hồng tốt, chiều nay sẻ vun phân tưới nước ... tự nhiên ta bị lôi cuốn vào đó, nếu ta biết mình đang ngồi thiền, khi có hình ảnh cỏ trước nhà, ta liền không nghĩ tới nó nữa để giữ tâm thanh tịnh. Vì phương pháp thiền vô chủng rất khó, nên thường người ta dùng các phương pháp định tâm của thiền hữu chủng, sau khi tâm định rồi, người ta mới bước sang thiền vô chủng.
VI. - Thời gian : Người ta ngồi thiền vào các giờ Tý (12 giờ đẻm) , Ngọ (12 giờ trưa), Mão (6 giờ sáng), Dậu (6 giờ chiều). Giờ giấc như vậy theo Ðông phương có Âm, Dương, 6 giờ sáng và 6 giờ chiều là giao thời trong ngày, không khí hòa bình, 12 giờ trưa cực dương, 12 giờ đêm cực âm, thường người ta hay ngồi thiền vào 6 giờ sáng va 6 giờ chiều, thuận cho giờ giấc đi làm việc.
Về thời gian mới đầu nên ngồi 10 đến 15 phút sau tăng dần lên, phương pháp tăng dần như sau: ngồi 15 phút được 3 hay 4 tuần cho quen rồi tăng thêm 5 phút. Tóm lại mỗi lần chỉ tăng chừng 5 phút, phải tập cho quen với thời gian đã tăng từ 3 đến 4 tuần mới tăng thêm 5 phút nữa.
VlI.- Nơi chốn : Ở nhà ta tìm vị trí trang nghiêm, khoảng khoát, không khí trong lành và yên tịnh, có thể xông trầm hay đốt hương thơm, cho nên ngồi thiền trước bàn thờ là hay nhất. Khi thiền không nên để đèn sáng, không để tối, có ánh sáng lờ mờ, êm dịu là tốt, nơi này mùa đông không lạnh quá, mùa hè không nóng quá. Nều có muỗi nên ngồi thiền trong cái màn (mùng) nên tránh ngồi thiền trên giường ngủ.
VIII.- Các trở ngại và cách đề phòng :
-Trở ngại thứ nhất là sự nản chí, vì không đạt được như ý muốn rồi bỏ cuộc.
- Trở ngại thứ hai là sự lười biếng. Thể xác của chúng ta thích được ăn ngon, ngủ kỹ, được nghe người ta tâng bốc bằng lời dịu ngọt, thích nhìn cảnh quyến rũ đẹp đẻ... nuông chìu theo những ý muốn đó ta sẽ ngày tập ngày không, dần dần rồi cũng bỏ cuộc. Phải ngồi thiền hàng ngày, dù có đau ốm cũng phải ngồi thiền, ngồi thiền có thể trị bớt bịnh, thân thể cảm thấy khỏe khoắn hơn.
Thiền là sự tinh lọc tinh thần, đươong nhiên phải tinh lọc thể xác, cho nên bắt buộc phải giữ gìn giới hạnh cho nghiêm mật, phải tu tâm sửa tánh, gìn lời giữ ý từng giây từng phút. Có những người ngồi thiền có kết qủa, nhưng tâm không tu sửa sẽ bị bệnh hoạn, có hại hơn là có lợi cho bản thân. Không nên hút thuốc và uống rượu. Vì đau ốm phải uống thuốc có ngâm rượu, phải ngưng tập thiền trong ngày hôm đó.
Trong khi ngồi thiền, bị tức ngực ấy là do hơi thở không suông sẻ, trong lúc thiền bị nhức đầ phải xả (ngưng) một chút rồi tập lại, nếu vẫn bị thì xả thiền, không tập thêm nữa, hôm sau sẽ tập lại, hôm sau tập vẫn còn bị nhức đầu, nên ngưng vài hôm rồi tập trở lại, nhức đầu do ta chú tâm quá mức. Bị ngủ gục, đó là do mới tập, chưa quen.
Mới tập trong 6 tháng đầu, tâm sinh lý bị thay đổi, đôi khi tánh nóng nỗi lên bất thường, đó là do sự dồn nén tâm lý, nên tập hạnh huỷ xả và từ bi với mọi người chung quanh. Chừng 5, 7 năm trở đi tâm ta thay đổi nhiều, tánh chúng ta sẽ hiền hòa, thuần thục hơn.
Tập bỏ bớt các ưóc muốn, sống bình dị, đương nhiên cần phải thực hành hạnh bố thí.
Những người cư sĩ tại gia như chúng ta, đừng bao giờ nghĩ rằng " Tu nhất kiếp, ngộ nhất thời ", phải có lòng tin vững chắc khi tâm ta thanh tịnh thì trí tuệ được sáng tõ, như lời Phật dạy "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" để trả lời ông Tu Bồ Ðề hỏi: " Làm sao an trụ chơn tâm, làm sao hàng phục vọng tâm ? "
IX .- Vài mẫu chuyện thiền : Năm 1989 và 1990, chúng tôi có đến viếng thượng tọa Thích Thông Lạc ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Mặc dù hai làn đó đều là ngày chủ nhật nhưng người đến viếng Thượng Tọa không hơn 10 người, đều là những người ở Aaigon lên. Nơi Thượng Tọa tu gồm có một chánh điện cất đơn sơ, mỡi bề chừng 6 thước, một dãy nhà khách chừng 8 thước, rộng độ 3 thước, một dãy nhà bếp bằng nhà khách, xung quanh có những cái cốc lợp bằng tranh, mái đan tre, nền đất, bên trong chỉ có một cái giường nằm cũng bằng tre, đơn sơ hết sức.
Trả lời những câu hỏi về tu chứng, Thượng Tọa cho biết, trước Thượng Tọa có tu với Thiền sư Thanh Từ một năm, sau đó Thượng Tọa ra các hòn ở Rạch Giá để tu, nhưng không kết quả. Cuối cùng Thượng Tọa trở về quê ở Trãng Bàng, cất thảo am. làm ruộng, trồng tiêu, trồng điều láy hoa lợi để tu, một ngày kia Thượng Tọa quyết định nhập thất, người mới nhờ bà mẹ mỗi ngày đem đến thất thức ăn và yẻu cầu, nếu người có dùng thức ăn thì không phải lo chi cả, nếu thấy thức ăn mà người không dùng thì phải vào thất xem còn sống hay đã chêt, nếu chết thì nhờ hàng xóm lo chôn cất dùm. Trong 7 ngày nhập thất này, Thượng Tọa đã nhập đươc đại định, sau đó ngài ra thất vẫn ăn uống đi lại bình thường nhưng tâm trí vẫn còn trong Ðại định, một hôm người công phu, lúc thắp nhang, đi lại va chạm mạnh vào cạnh bàn thờ Phật, cơn đau đó mới làm cho người thức tỉnh, xuất khỏi cơn Ðại định.
Sau đó người đi trình chứng đắc với thiền sư Thanh Từ. Thiền sư mới dùng ý nghĩa kinh để hỏi Thượng Tọa, sau khi Thiền sư công nhận những chứng đắc của Thượng tọa, Thiền sư có yêu cầu thượng Tọa hiệu chỉnh lại kinh Pháp Hoa, theo sự chỉ dẫn của Thượng Tọa, chúng tôi thấy trong tủ có chừng 30 quyển tập 100 trang, đó là kinh thượng tọa hiệu đính nhưng chưa in. Thượng Toạ cho biết, ai muốn tu thiền, hãy đến tu với Thượng Tọa trong 100 ngày, Thượng Tọa sẽ chỉ dẫn và theo dõi diễn tiến, nếu tu đươc thì tiếp tục, nếu ai muốn sẽ ở đó tu trong 10 năm để sau khi chứng đắc sẽ viết , dịch một số kinh điển, ai không tu Thiền được thì trở vè tu Thập thiện. Trong thời gian tu, ở trong cốc đã có, mọi sự ăn uống do Thượng Tọa cung cấp.
Tôi có quen biết anh Nguyễn văn Ân, trong ban nhạc không quân ở Tân sơn Nhất, anh ta ở Biên Hòa, theo đạo Công Giáo. Khoảng năm 1970, anh ta tu thiền, một hôm tuyên bố với bạn bè, sẽ nhập thất trong 49 ngày và lần này anh sẽ gặp Ðức Chúa, nhưng khoảng gần đến 49 ngày, bạn bè phát hiện anh đả chết trong cô-néc nơi đó anh đã nhập thất. Sau nầy hỏi lại nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, bạn đờng ngũ với anh ta, anh Thu cho biết khi phát hiện anh ta chết, dưới giường nằm của anh ta còn để một cái bếp điện, có lẽ anh ta bị lạnh quá nên dùng bếp điện sưởi ấm, đúng hơn anh ta đã bị "tẩu hỏa nhập ma". Hơn thế nữa, 6 thất trước, có lẽ anh được thầy dạy nên không sao, còn thất thứ 7 anh tự động thực hành nên bị Tẩu hỏa nhập ma.
Khoảng năm 1980, trong câu chuyện với anh Phạm Văn Tài, người tiền nhiệm của chúng tôi, nguyên hiệu trưởng trường Trung học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ Sài gòn, lúc đó anh cho tôi biết rằng anh có tu thiền, theo môn phái kia, khi tiếp chuyện với ai anh có thể nhìn thấy hào quang của người ấy lớn hay nhỏ, rõ hay mờ. Sau anh đọc Kinh Duy Ma Cật, anh biết đó là tà đạo nên anh đã bỏ ngồi thiền theo môn phái đã học. Khoảng năm 1985, anh Tài đi làm Họa viên cho Hợp tác xã cơ khí Quang Minh ở Gò Vấp, người phó chủ nhiệm gặp tôi cho biết hình như anh Tài đã bị "mát", sau đó tôi đến thăm anh, tôi thấy anh vẫn bình thường, nhưng chị vợ trước mặt anh nói với tôi là anh ta ban đêm không ngủ được, đi lại nói lảm nhảm suốt đêm (chỉ có hai vợ chồng ở trọn trường Việt Nam Học Ðường ở Tân Ðịnh). Năm 1990, vào dịp Vía Ðức Phật A Di Ðà, chúng tôi lại gặp nhau ở Nhất Nguyên Bửu Tự, gần chợ Lái Thiêu, vợ anh Tài cho biết, căn bệnh của anh ta đã giảm, có người đoán cuối năm sẽ hết. Những lần gặp nhau như thế, anh cũng vẫn nói chuyện với tôi như thường, những gì vợ anh ta nói trước mặt anh ta, anh ta đều không xác nhận hay phủ nhận điều gì cả. Sau nầy anh qua Mỹ, vẫn còn bệnh và đã mất năm 2000 ở Oregon.
X .- Kết luận : Thiền rất hấp dẫn mọi người, nó rất hữu ích cho chúng ta, nhưng tập thiền phải đúng phương pháp, có người chỉ dẫn, theo dõi thường xuyên thì tốt hơn, tuyệt đối không nên luyện thứ chi hết, đã tu tâm thì phải sửa tánh tức là phải giữ giới cho nghiêm mật, dù không thành Phật trong kiếp này thì ít ra tâm ta cũng được thanh thịnh, trí huệ được sáng tỏ và sức khỏe chúng ta tốt hơn.
Sách tham khảo:
Ðoàn Văn An, Triết học Zen, Ðông Phương xuất bản, Saigon, 1963
Tâm Quán,
Tình Người, Lá Bối, Saigon, 1964
Trần Hơn
, Từ Quang Tạp Chí, Hội Phật Học Nam Việt, số 221-222, Saigon, 1971
Thích Thanh Từ,
Yếu Chỉ Thiền Tông, Tu Viện Chơn Không, quay Rone

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét