Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Đức Quán Thế Âm

Công Hạnh Của Một Vị Ðại Bồ Tát.
Chính Hạnh.
Ðức Quán Thế Âm là một vị Bồ Tát gần gủi nhất đối với Phật tử Bắc Tông, được người Việt Nam bình dân hóa trong những truyện dân gian như Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu Thiện..., được nghệ sĩ sáng tác tán dương qua thi ca, qua hát chèo, cải lương, chiếu bóng.
Theo Diệu Pháp Liên Hoa kinh, sở dĩ ngài được xưng tụng là Bồ Tát Quán Thế Âm, vì ngài thường quán sát tiếng kêu cầu cứu của chúng sanh khi bị đau khổ để đến cứu vớt, ban cho sự an vui. Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm do ngài quán sát tánh nghe mà giác ngộ tự tại, nên ngài cũng được xưng tụng là Quán Tự Tại Bồ Tát và hồi thời quá khứ, hằng sa vô lượng kiếp có đức Phật hiệu là Quán Thế Âm đã thọ ký cho ngài sẽ thành Bồ Tát Quán Thế Âm sau nầy. Còn theo Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Ðại Bi Tâm Ðà La Ni, hồi đời quá khứ cách nay vô lượng kiếp, ngài đã thành Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng vì nguyện lực đại bi, nên ngài hiện thân làm Bồ Tát để cứu độ chúng sanh.
Theo kinh Bi Hoa: Về thời quá khứ, Ngài Quán Thế Âm là thái tử con vua Vô Tránh Niệm, thời ấy có đức Bảo Tạng Như Lai giáo hóa chúng sinh, vua nghe Phật thuyết pháp, phát tâm bồ đề chí quyết hành hạnh bồ tát, nguyện thành Phật đặng cứu độ chúng sanh, Vua và thái tử thường cúng dường Phật và Tăng chúng, công hạnh tu chứng viên mãn Vua Vô Tránh Niệm chứng quả Phật ở cõi Cực Lạc Tây Phương hiệu là A Di Ðà Phật, còn thái tử cũng chứng quả Bồ Tát hiệu là Quán Thế Âm cùng ở cõi Tây Phương để tiếp độ chúng sanh.
Người ta thường vẽ hay tô tượng ngài hình dáng phụ nữ để tượng trưng cho lòng từ bi của ngài bao la dịu hiền như của những người mẹ. Trong các tượng Di Ðà tam thánh, đức Quán Thế Âm đứng bên tay trái của đức Phật A Di Ðà, bên tay phải là đức Ðại Thế Chí. Ở Tây Tạng người ta thờ Ngài là hình Nam, có 11 mặt, ngàn mắt, ngàn tay, có 108 hồng danh, lại chuyển hóa vào đức Ðạt lai Lạt Ma và ngự trong đền Potala. Việt Nam ta có tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn, đó cũng là đức Quán Thế Âm. Trong một năm có 3 ngày vía đức Quán Thế Âm là các ngày 19 tháng 2, 19 tháng 6 và 19 tháng 9.
Theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm, đức Quán Thế Âm là một vị Bồ Tát có oai lực như chư Phật nên ngài quán sát, ứng hiện đến 32 thân vào các quốc độ để cứu độ chúng sanh :
1) Phật thân. 2) Ðộc giác thân. 3) Duyên giác thân. 4) Thanh văn thân. 5) Phạm vương thân. 6) Ðế Thích thân. 7)Tự tại thiên thân. 8) Ðại tự tại thiên thân. 9) Thiên đại tướng quân thân. 10) Tứ thiên vương thân. 11) Tứ thiên vương quốc thái tử thân. 12) Nhơn vương thân. 13)Trưởng giả thân. 14) Cư sĩ thân. 15) Tể quan thân. 16) Bà la môn thân. 17) Tỳ kheo thân. 18) Tỳ kheo ni thân. 19) Ưu Bà tắc thân. 20) Ưu Bà di thân. 21) Nữ chúa thân, Quốc phu nhân thân và Mạng phụ đại gia thân. 22) Ðồng nam thân. 23) Ðồng nữ thân. 24) Thiên thân. 25) Long thân. 26) Dược xoa thân. 27) Càn thát bà thân. 28) A tu la thân. 29) Khẩn na la thân. 30) Ma hầu la già thân. 31) Nhơn thân. 32) Phi nhơn thân.
Ðức Quán Thế Âm có 14 công đức bố thí cho chúng sanh khi cầu cứu ngài:
1) Các chúng sanh khổ não trong mười phương được giải thoát.
2) Vào trong lửa lớn, lửa chẳng đốt cháy.
3) Những chúng sanh đương gặp nạn nước thì chẳng chìm được.
4) Những chúng sanh bị vào trong nước quỉ, quỉ chẳng làm hại được.
5) Những chúng sanh khi lâm nguy thì đao trượng liền gãy.
6) Những chúng sanh gặp các loài ác quỉ, ác thần thì chúng chẳng thấy mình.
7) Những chúng sanh đương bị cùm trói, gông xiềng thì được rời ra khỏi mình.
8) Những chúng sanh khi vào đ
ường hiểm, đạo tặc chẳng cướp được của mình.
9) Những chúng sanh tham dục, liền dứt khỏi lòng dục.
10) Những chúng sanh nóng giận, liền dứt lòng sân.
11) Những chúng sanh si mê, liền dứt khỏ tánh si mê.
12) Những chúng sanh muốn cầu con trai, thì sanh đ
ăng con trai tuấn tú, trí tuệ. 13) Những chúng sanh muốn cầu con gái, thì sanh gái đẹp, có phước đức. 14) Những chúng sanh chỉ trì niệm một danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, thì được lợi ích phước đức, cũng bằng như trì danh hiệu của các Ðại Bồ Bồ Tát nhiều như số cát trong sáu mươi hai ức sông Hằng.
Ngài có 12 hạnh nguyện lớn :
1) Nguyện phát thề rộng lớn. 2) Nguyện thường ở biển Nam với tâm không ngăn ngại. 3) Nguyện ở cõi Ta bà khi nghe kêu cầu thì đến cứu. 4) Nguyện diệt tà ma, trừ yêu quái năng trừ nguy hiểm. 5) Nguyện dùng bình thanh tịnh và cành dương liễu để tưới nước cam lồ làm mát mẻ chúng sanh. 6) Nguyện lòng từ lớn, thường hỷ xả bình đẳng độ mọi chúng sanh. 7) Nguyện suốt ngày đêm không mỏi mệt diệt ba đường khổ: tham, sân, si. 8) Nguyện hướng theo núi Nam chuyên lễ bái phá xiềng giải thoát. 9) Nguyện dùng giáo pháp Phật đem vào trong biển khổ để cứu hết chúng sanh. 10) Nguyện tiếp dẫn chúng sanh về cõi Tây phương. 11) Nguyện Ðức Di Ðà thọ ký cho chúng sanh được về cõi Cực Lạc. 12) Nguyện thân trang nghiêm không gì sánh, chí quyết đạt mười hai hạnh.
Những điều nầy cũng được lập lại ở Phẩm Phổ Môn trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Bài SÁM CẦU AN đã nhắc lại và tán dương hạnh nguyện của Ðức Quán Âm như sau :
Con quỳ lạy Phật chứng minh,
Hai hàng Phật tử tụng kinh cầu nguyền.
Cầu cho tín chủ hiện tiền,
Nội gia quyến thuộc bình yên điều hòa.
Thọ trường hưởng phước nhàn ca,
Phổ môn kinh tụng trong nhà thảnh thơi.
Quán Âm phò hộ vui chơi,
Mười hai câu nguyện độ đời nên danh.
Thiện nam tín nữ lòng thành,
Ăn chay niệm Phật làm lành vái van.
Quán Âm xem xét thế gian,
Rước người chìm nổi mười phương phiêu trầm.
Mau mau niệm Phật Quán Âm,
Tai qua nạn khỏi định tâm sáng lòa.
Ðương cơn lửa cháy đốt ta,
Niệm danh Bồ tát hóa ra sen vàng.
Gió Ðông đi biển chìm thuyền,
Niệm danh Bồ tát sóng tan hết liền.
Tà ma quỉ báo khùng điên.
Niệm danh Bồ tát mạnh liền khôn ngoan.
Vào rừng cọp rắn nghinh ngang,
Niệm danh Bồ tát nó càng chạy xa.
Tội tù ngục tối khảo tra,
Quán Âm tưởng niệm thả ra nhẹ nhàng.
Bị trù bị ếm mê mang
Quán Âm niệm niệm vái van tịnh bình.
Quán Âm thọ ký làm tin,
Tùy duyên thuyết pháp độ mình hết mê.
Nương theo Bồ tát trở về,
Thấy mình ngồi gốc Bồ đề giống in.
Tay cầm bầu nước tịnh bình,
Tay cầm nhành liễu quang minh thân vàngt.
Cam lồ rưới khắp thế gian,
Tốt tươi mát mẻ mười phương thanh nhàn.
Quán Âm cứu hết tai nàn,
Ðộ đời an lạc mời phương thái bình.
Quán Âm điểm đạo độ mình, Quán Âm Bồ Tát chứng minh độ đời.
Dựa vào công hạnh tu chứng của Bồ Tát Quán Thế Âm, để tạo nên Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh và trong đó Bồ Tát đã giảng giải cho ông Xá Lợi Phất về Tánh Không. Bản dịch sau đây trọn nghĩa và rất dễ đọc khi tụng kinh :
Khi Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát thực hành sâu xa Bát Nhã Ba La mật đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều Không, liền qua hết thảy khổ ách.
Này ông Xá Lợi Tử ! Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như thế.
Này ông Xá Lợi Tử ! Tướng ‘‘ Không ‘’ của mọi pháp, không sinh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt. Cho nên trong ‘‘ Chân Không ‘’ không có Sắc, không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới; không có vô minh, cũng không có cái hết vô minh, cho đến không có già, chết, cũng không có cái hết già, chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí cũng không chấp chứng đdắc. Vì không chấp chứng đắc, nên Bồ tát y theo Bát nhã ba la mật đa, tâm không ngăn ngại, vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẳn mộng tưởng điên đảo, cứu cánh Niết Bàn.
Chư Phật trong ba đời cũng y vào Bát nhã ba la mật đa, đạt đạo quả Vô Thượng Chính Ðẳng Chính Giác.
Cho nên biết Bát nhã ba la mật đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, trừ được hết thảy khổ ách, chân thật không sai.
Vì vậy, nói ra bài chú Bát nhã ba la mật đa. Liền nói bài chú: Yết đế, yết đế. Ba la yết đế. Ba la tăng yết đế. Bồ Ðề. Sa bà ha.
Bài chú nầy đọc nguyên âm tiếng Phạn như sau: Gate gate Pâragate Pârasamgate Bodhi Svâhã có nghĩa là Ði, đi, đi qua bờ bên kia, qua tới bờ bên kia, Bồ đề. Ta bà ha.
Người ta thường niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm như sau :
1) Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát.
2) Nam mô Quán Tự Tại Bồ Tát.
3) Nam mô đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát .
4) Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát .
5) Nam mô đại từ đại bi linh cảm quảng đại cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.
Còn Thiên Thủ Thiên Nhãn Ðại Bi Tâm Ðà La Ni, thường được gọi là Chú Ðại Bi là do đức Quán Thế Âm truyền lại, chúng tôi chép theo bản của Ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền đăng trong Từ Quang Tạp Chí số 145 tháng 9 năm 1964. Ông tìm thấy bản phiên âm tiếng Phạn ở một ngôi chùa tại Nam Dương.
MAHAKARUNA DHRANI Ðại Bi Thần Chú
Namo Ratnatrayaya
Nam mô Hắt ra đát na đa ra dạ da Nano Arya Avalokiteshavaraya Bodhisattvaya Mahasattvaya Nam mô A rị da Bà lô kiết đế thước bát ra da Bồ đề tát đỏa bà ha Ma ha tát đỏa bà da Mahakarunikaya Ma ha ca ru ni ca da Om Savalavati Shuddha Na Tasya Án ! Tát bàn ra phạt duệ Số đát Na Ðát tỏa. Namaskritva Nimam Arya Avalokiteshavara Lantabha Nam mô tất kiết lật đỏa Y mông A rị da Bà Lô kiết đế thất phật ra Lăng đà Namo Nilakantha Srimahapatashami Sarvavatashubham Nam mô Na ra cẩn trì Hê rị ma ha bàn đá sa mế Tát bà a tha đậu du bằng Ashiyum Sarvasattva A thệ dựng Tát bà tát đa Namo Pasattva Na ma Bà tát đa Namo Bhagamabhate Tu Tadyatha Na ma Bà dà ma phạt đạt Ðậu Ðát điệt tha Om Avaloka Lokate Kaliti Ishiri Mahabodhisattva Sabho Sabho Mara Mara Án ! A bà lô hê Lô ca đế Ca ra đế Di hê rị Ma ha bồ đề tát đỏa Tát bà Tát bà Ma ra Ma ra Masi Masi Ridhayu Guru Guru Ghamain Dhuru Dhuru Ghashiyati Mahabhashiyati Ma hê Ma hê Rị đà dựng Cu lô Cu lô Yết mông Ðộ lô Ðộ lô Phạt xà da đế Ma ha phạt xà da đế Dhara Dhara Dhirini Shvaraya Jala Jala Mahabhamara Mudhili Ehyehi Ðà ra Ðà ra Ðịa rị ni Thất phật ra da Giá ra Giá ra Mạ mạ phạt ma ra Mục đế lệ Y hê y hê Shina Shina Alashinbalashari Basha Bhasnin Bharashaya Hulu Hulu Prahulu Thất na Thất na A ra sâm phật ra xá lợi Phạt sa Phạt sâm Phật ra sá da Hô lô Hô lô Ma ra hô lô Hulu Shri Sara Sara Siri Siri Suru Suru Buddhaya Duddhaya Bodhaya Bodhaya Hô lô Hê rị Sa ra Sa ra Tất rị Tất rị Tô rô Tô rô Bồ đề dạ Bồ đề đạ Bồ đà dạ Bồ đà dạ Maitriye Nilakansta Trisa Ranabhaya Mane Svaha Di đế rị dạ Na ra cẩn trì Ðịa rị Sắt ni na ba dạ Ma na Sa bà ha Sitaya Svaha Maha Sitaya Svaha Sitayaye Shavaraya Svaha Tất đà dạ Sa bà ha Ma ha Tất đà dạ Sa ba ha Tất đà dủ nghệ Thất bàn ra dạ Sa bà ha Nilakanthi Svaha Pranila Svaha Shrisimhamukhaya Svaha Na la cẩn trì Sa bà ha Ma ra na la Sa bà ha Tất ra tăng a mục khê da Sa bà ha Sarvamahasastaya Svaha Chakra Astaya Svaha Padmakeshaya Svaha Sa bà ma ha a tất đà dạ Sa bà ha Giả kiết ra A tất đà dạ Sa bà ha Ba đà ma kiết tất đà dạ Sa bà ha Nilakantepantalaya Svaha Mopholishankaraya Svaha Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ Sa bà ha Ma bà lợi thắng kiết ra dạ Sa bà ha Namo Ratnatrayaya Nam mô Hắt ra đát na đá ra dạ da. Namo Ariya Avalokiteshvaraya Svaha Nam mô A rị da Bà lô kiết đế thước bàn ra dạ Sa bà ha. Om Siddhyantu Mantrapataya Svaha. Án ! Tất điện đô Mạn đà ra bạt đà dạ Sa bà ha.
Nhân đây xin bổ chính, nhiều kinh đã in thiếu một câu ở đoạn : ...a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà tát đa, na ma bà già, ma phạt đạc đậu, ... có lẽ lỗi do ấn công gây ra vào thập niên 60, từ đó lưu truyền về sau nầy sự thiếu sót ấy.
Có một vị giáo sư, đã cho tôi biết nhờ niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát mà ông ta trở nên thông minh và nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẻ tóc, như từ vùng kháng chiến trở về với quốc gia, những giờ phút vô vọng của ngày 30 tháng tư đen, vô tình lại may mắn bước lên tàu vượt thoát, nhưng lại rơi vào tàu của bọn xấu có ý định đem mọi người vất xuống hoang đảo lột lưng lấy của, may thay được Ðệ Thất hạm đội cứu thoát trước khi bọn chúng ra tay.
Một người nữa nguyên là Ðại Úy ở phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu, trên 60 tuổi ông ta bị thay tim, có lần hết thuốc uống, trên đường đi ông ta bị ngất xỉu té nằm sóng xoài giữa đường, một bà bác sĩ thấy thế ngừng xe xem bệnh tình, tiếp theo một ông Bác sĩ khác cũng dừng xe để cứu giúp, hóa ra chính là vị bác sĩ đã mổ thay tim cho ông ta, thế là ông bác sĩ ấy đưa ông ta trở lại bệnh viện để cứu cấp. Ông ta cho biết, nếu không gặp được chính ông bác sĩ mổ tim kia thì ông ta đã chết luôn rồi.
Trước đó, ông ta thường yêu cầu tôi viết bài ca tụng thần chú Ðại bi, bởi vì theo ông ta thần chú ấy rất linh nghiệm, ông ta đọc luôn và đã thoát được hiểm nguy, ngay khi Học Tập Cải Tạo ở ngoài Bắc, trong Trại người ta đã gọi đi 10 người trong danh sách chuyển trại, ông là người thứ 11 sắp sửa được gọi thì có lệnh hoãn lại. Về sau phối kiểm tin tức thì 10 người kia bị kêu đi để thủ tiêu vì đã biệt vô âm tín, ông ta giờ phút chót may mắn thoát khỏi chết. Ðó là chuyện ông kể lại, còn chuyện về bệnh tim của ông xãy ra nhiều người được biết. Cho nên ông ta hết sức tin vào Chú Ðại Bi và mong những người khác nên trì chú nầy, để được tai qua nạn khỏi.
Năm 2001, chúng tôi có được Hòa Thượng Trí Quang dạy tại phương trượng của người ở Già Lam Quảng Hương như sau : ‘‘ Cầu Phật thì sẽ được, nhưng cái được đó chỉ có Phật mới biết mà thôi, giả dụ chúng ta cầu xin cho giàu sang, nhưng khi giàu sang chúng ta có còn tu nhân tích đức không ? Hay là khi giàu sang ta lại trở nên độc ác, vậy thì nghèo mà được phước hơn là giàu mà thất đức ‘’.
Trì chú Ðại Bi, niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát có linh ứng hay không, nên tin theo lời dạy của Hòa Thượng Trí Quang. Nhưng nếu hành theo 12 đại nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, nhất định chúng ta sẽ tạo được nhiều công đức, tinh tấn trên đường tu học giải thoát.
Chính Hạnh
Kỷ niệm ngày Vía Ðức Quán Thế Âm
1-4-2002
(ngày 19 tháng 2 năm Nhâm Ngọ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét