Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha

(1902-1954)
Cư sĩ Nguyễn Hữu Kha, pháp danh Thiều Chửu, tên tự là Lạc Khổ, sinh năm Nhâm Dần (1902), tại làng Trung Tự, ngày nay thuộc quận Ðống Ða, Hà Nội.
Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học nhiều đời. Thân sinh là cụ Cử Cầu, một nhà hoạt động cách mạng lão thành trong phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục. Ông là người con thứ hai trong bốn anh chị em: ba trai, một gái.
Từ thuở bé, ông đã được sống với bà nội. Cụ Bà vốn là một cô Tú, văn hay chữ giỏi ở đất Hà Nội và lại là một Phật tử mộ đạo thuần thành. Do đó, ông đã có duyên được gần với nếp sống đạo hạnh, tập ăn chay từ năm lên Tám tuổi. Nhờ bà nội chỉ dạy cặn kẽ về Nho học, ông sớm tinh thông Tứ Thư, Ngũ Kinh. Ðược thừa hưởng vốn liếng căn bản ấy, khi vào độ tuổi thiếu niên, ông được học chữ Quốc Ngữ. Ðồng thời ông tự nghiên cứu thông thạo các ngoại ngữ: Anh, Pháp, Hoa, Nhật. Nhờ thiên tư sẵn có, ông dễ dàng bước vào lãnh vực nghiên cứu giáo lý Phật Ðà và nhanh chóng thấm nhuần sâu sắc.
Năm Tân Dậu (1921), vừa 20 tuổi, ông đã bắt đầu dạy Nho học giúp cho Tăng đồ quanh vùng. Vì vậy, có thêm điều kiện trao đổi, tìm hiểu thêm trong việc nghiên cứu giáo lý. Cũng từ đó, nhận thấy mình có túc duyên với Phật Pháp, ông sẵn sàng hộ pháp với khả năng tri thức của mình. Bằng tâm nguyện và tư thế một người cư sĩ, ông đảm nhận phụ giảng cho Tăng Ni và công tác từ thiện xã hội.
Tâm nguyện cao đẹp đó được ông thể hiện qua nếp sống giản dị, đạm bạc, y phục đơn giản như những người chân quê. Ông bắt đầu trường chay và mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Ông rất quý thì giờ. Công việc được phân chia thời khóa rành mạch, phần lớn là dịch kinh, viết sách, tu học. Ông cũng dành nhiều thời giờ để gần gũi và chăm sóc các trẻ em mồ côi.
Ðể tạo thêm điều kiện thuận lợi trong việc góp phần tuyên dương Phật pháp, ông lập nhà bán sách Hòa Ký ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Khi phong trào Chấn Hưng Phật Giáo ở Bắc Kỳ được khởi xướng, ông cùng các đạo hữu cư sĩ cùng thời như: Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Trần Văn Giáp, Nguyễn Ðỗ Mục, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh, Dương Bá Trạc v.vẨ, là những nhà trí thức tiên tiến, được chư vị Tăng giới như Ngài Trí Hải, Tố Liên mời cùng đứng ra lập hội Bắc Kỳ Phật Giáo vào năm Giáp Tuất (1934). Hòa thượng Thích Thanh Hanh (Tổ Vĩnh Nghiêm) làm Thiền Gia Pháp Chủ.
Năm Ất Hợi (1935), hoạt động nổi bật nhất của hội Bắc Kỳ Phật Giáo là việc xuất bản tạp chí Ðuốc Tuệ. Ông là cây bút đắc lực và bền bỉ nhất. Vai trò của Phật giáo được phát huy trên từng trang báo, góp phần cổ xúy cho phong trào Chấn Hưng Phật Giáo tại Bắc Kỳ. Báo Ðuốc Tuệ do ông trực tiếp quản lý, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ - Hà Nội, cũng là trụ sở trung ương hội Bắc Kỳ Phật Giáo. Ðuốc Tuệ là một tạp chí Phật giáo có ảnh hưởng lớn thời bấy giờ nơi đất Bắc. Song song với công việc báo chí, ông soạn bộ Hán Việt Tự Ðiển rất có giá trị, được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ ngày đó cho đến bây giờ.
Năm 1941, nhằm phát triển công tác giáo dục và từ thiện, Hòa thượng Trí Hải đã ủy thác cho ông lập trường Phả Quang và nghĩa trang Tế Ðộ tại ngoại thành Hà Nội. Ông tận tình trông nom và ra sức dạy học. Lớp học có các Tăng Ni theo học. Ngoài việc dạy chương trình thế học, Nho học, ông còn kiêm giảng dạy Phật học cho Tăng Ni. Từ những lớp Phật học đầu tiên, có những vị sau này đã trở thành danh Tăng như Hòa thượng Tâm Tịch, Hòa thượng Thanh KiểmẨ, danh Ni như Ni sư Ðàm Tuệ, Ni sư Ðàm Ánh...
Năm Ất Dậu (1945), nạn đói sảy ra ở miền Bắc. Thể hiện lòng từ bi, ông cùng chư Hòa thượng Tố Liên, Trí Hải đứng ra thành lập Tổng Hội Cứu Tế để giúp những người đói khổ. Ðồng thời, tạo lập một cô nhi viện nuôi dạy hơn 200 trẻ mồ côi.
Cuối năm 1946, chiến tranh lại bùng nổ. Các Phật sự phải đình chỉ, số phận các cô nhi bấp bênh. Một nửa số các em được đưa về chùa Mai Xá tự túc sinh sống. Nửa còn lại, ông mang theo lên Phúc Yên làm nghề thủ công và trồng khoai sắn vừa sinh sống vừa học tập. Thời gian công tác từ thiện dạy dỗ chăm lo các trẻ cô nhi, cũng là nhân duyên ông dịch kinh và sáng tác nhiều bài hát để dạy các em cô nhi và truyền bá cho dân chúng như: Tấm lòng vị tha, Người chân tu, Lấp biển trầm luân, Khuyên tu..., cùng một số bài có nội dung giáo dục thiếu nhi như: Ðánh đu... Ước tính có đến 15 bài Phật ca do ông sáng tác được lưu truyền lúc bấy giờ.
Năm Mậu Tý (1948), ông còn mở thêm lớp học bình dân cho người nghèo ở Cao Phong - Phúc Yên. Thường xuyên có trên 100 người theo học. Ông cũng hướng dẫn các em cô nhi lớp trước hướng dẫn, chăm nom cho người lớp sau.
Năm Kỷ Sửu (1949), chiến tranh càng diễn ra khốc liệt. Dân chúng phải tản cư đi khắp nơi. Ông cũng đưa lớp học chuyển qua nhiều vùng khác nhau như: Ðan Thầm, Ðồng Quan, Sơn Tây, Phúc Yên, Thái NguyênẨ. Thầy trò chịu biết bao nhiêu khó khăn vất vả. Có khi suốt tháng chỉ ăn toàn cháo sắn (khoai mì). Tuy trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, đến đâu ông cũng vẫn cùng học trò dựng trường học, cất nhà cho người nghèo. Ông kiên định giữ đúng thời khóa của bản thân: ngày ăn một bữa, đêm thức dịch kinh, chỉ ngủ 3 giờ đồng hồ. Ông nghiêm khắc với bản thân, nên với đồ chúng cũng tạo được được sự nghiêm minh triệt để, kỷ luật gắt gao khi có sai phạm. Riêng đối với Tăng Ni, tuy là học trò, nhưng ông luôn kính lễ, sách tấn họ tu học và tận tâm chỉ dạy sở học của mình cho họ. Do những phong cách chuẩn mực đó, ở đâu ông cũng được người xuất gia, tại gia và dân chúng quý trọng, mến yêu. Mọi người đều xem ông như một bậc Thầy, một cư sĩ có đạo hạnh khả kính.
Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết. Miền Bắc tiến hành phong trào Cải Cách Ruộng Ðất, Cải Tạo Tư Sản. Nhận thấy không ít nông dân bị hàm oan, mắc khổ nạn, ông rất đau buồn. Ông đã viết bốn bức tâm thư. Ba bức gửi cho nhà cầm quyền và đảng Lao Ðộng lúc bấy giờ. Trong thư, ông trình bày nỗi lòng của ông cùng ý kiến đóng góp những điều nên làm, nên tránh để tạo ích nước lợi dân. Bức thứ tư gửi các học trò. Ông dặn dò mọi người cố gắng tu hành, học tập để giáo hóa đời, đừng để bị đời hóa.
Ðể cúng dường Tam Bảo tấm lòng trong sáng thanh tịnh của mình và để bảo toàn khí tiết một Nhà Nho, một người yêu nước chân chính, một cư sĩ hoàn tất nhiệm vụ giáo hoá cho đạo, cho đời, ngày 15 tháng 7 năm 1954, tức là ngày Mười Sáu tháng Sáu năm Giáp Ngọ, sau khi từ biệt học trò, lễ tạ bốn phương, ông đã kết thúc đời mình tại dòng sông Ðuống thuộc Ðồng Mỹ - Thái Nguyên. Ông mất năm 52 tuổi với 30 năm công quả, cống hiến cho sự nghiệp hoằng dương đạo pháp.
Cư sĩ Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha là một Phật tử xứng đáng tiêu biểu cho hàng cư sĩ trong tứ chúng môn đồ của Phật. Ông cũng xứng đáng là gương mẫu tiêu biểu cho sự trọng thị một nhân cách khiêm ái từ hòa của người con Phật. Ông để lại cho hậu thế một sư nghiệp dịch thuật, trước tác vô cùng phong phú và quý báu còn được lưu truyền:
1. Phật học cương yếu.
2. Khóa Hư Kinh diễn giải.
3. Sự Tích Phật Tổ diễn ca
4. Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính.
5. Con đường học Phật thế kỷ XX này.
6. Nhòm qua cửa Phật.
7. Cải tà quy chính.
8. Thế nào là Phật và Phật pháp.
9. Lục Tổ Ðàn Kinh.
10. Khóa tụng hằng ngày.
11. Bốn mươi tám phép niệm Phật.
12. Vì sao tôi tin Phật Giáo (dịch của B. Brongthon).
13. Kinh Lễ Sáu Phương (dịch).
14. Kinh Di Giáo (dịch).
15. Kinh Di Ðà (dịch).
16. Kinh Tứ Thập Nhị Chương (dịch)
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét