Chánh Hạnh
I .- Ngôn ngữ Phật thuyết Pháp :
Ðể trả lời cho câu hỏi : - Ðức Phật thuyết pháp bằng ngôn ngữ nào? Bởi vì ngôn ngữ ấy có thể giữ vai trò lưu truyền thánh điển Phật giáo chính thống. Theo các nhà nghiên cứu về Phật giáo: Thời đó, giới quý tộc dùng ngôn ngữ Sanscrit như kinh Vedas, các tiểu quốc dùng thổ ngữ của nước mình, vương quốc Magadha (Ma Kiệt Ðà do vua A Xà Thế cai trị) dùng tiếng Magadhi, phổ thông trong quần chúng thì dùng thứ ngôn ngữ hổn hợp, ngôn ngữ hổn hợp nầy dùng tiếng Magadhi làm cơ sở, nó đóng vai trò trọng yếu trong việc giao dịch. Kinh sách cho thấy rằng, đương thời đức Phật dùng ngôn ngữ của mỗi địa phương để giảng dạy giáo lý của Ngài.
Theo nhiều tạng Luật có đề cập đến sự tích sau đây : '' Bãy giờ có hai anh em Bà La Môn xin xuất gia theo Phật. Họ yêu cầu Ngài cho phép họ tụng đọc những lời Ngài dạy theo kiểu tụng đọc kinh điển Vệ Ðà mà họ đã quen đọc, họ cũng yêu cầu sử dụng tiếng sanscrit và sắp xếp câu văn thế nào cho hoa mỹ như cách hành văn của Sanscrit trong kinh điển ấy.
Phật dạy rằng trong đạo Ngài không cần văn chương hoa mỹ, chỉ cần nghĩa lý rõ ràng, lập luận chặt chẻ. Lời văn và giọng nói cần phải đơn giản, thế nào cho người nghe hiểu được mình muốn nói gì. Muốn thế cần phải học giáo pháp bằng ngôn ngữ của chính mình ''.
Lời dạy nầy có ảnh hưởng rất sâu rộng đối với văn học Phật giáo và phương pháp truyền đạo sau nầy.
Muốn biết kinh điển được lưu truyền như thế nào, thiết tưởng chúng ta cần nhìn lại những lần kết tập.
II.- Kiết tập lần thứ nhất :
a) Nguyên nhân : Khi đức Phật nhập diệt ở gần thành Kusinagara (Câu Thi Na Yết La) đã được 7 ngày, lúc đó ngài Ðại Ca Diếp đang dẫn một đoàn 500 chúng Tăng đi truyền giáo, được một tu sĩ ngoại đạo báo tin đức Phật đã nhật Niết bàn, chúng Tăng nghe hung tin đều than khóc, trừ có một vị Tỳ Kheo trẻ Subhaddha, vổ tay reo mừng, thốt lời : '' Khi đức Thế Tôn còn tại thế, mọi hành động đều phải bó buộc trong phạm vi giới luật, mất quyền tự do, ngày nay đức Thế Tôn đã diệt độ, từ đây trở về sau sẽ được tự do hành động, không bị giới luật ràng buộc ''. Câu nói nầy là động cơ chính thúc đẩy ngài Ðại Ca Diếp (là bậc trưởng thượng sau khi hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã viên tịch trước đức Thế Tôn) triệu tập 499 vị Tỳ Kheo đã chứng quả La Hán và ngài A Nan, họp khoáng đại Hội Nghị tại thành Vương Xá, trong mùa An cư kiết hạ ngay sau khi đức Phật nhập diệt, để kiết tập lại lời giáo huấn của đức Thế Tôn, hầu bảo vệ giáo pháp và giới luật của Phật được lưu truyền chánh thống.
Lần kiết tập nầy, ngài Ðại Ca Diếp chủ Tọa, ngài Ưu Bà Ly lập lại giới luật đã được Phật đặt ra, ngài A Nan nhắc lại giáo pháp đã được Phật giảng dạy cho những ai, ở tại đâu, vào lúc nào, mọi người được tham gia bổ túc những thiếu sót cho được đầy đủ, ghi nhớ để truyền khẩu. Lần kiết tập nầy kéo dài trong 7 tháng, được mệnh danh là '' Vương Xá Thành Kết Tập '' hay '' Ngũ Bách Kết Tập ''.
Trước lúc hội nghị bắt đầu, Ngài A Nan chưa chứng đắc quả La Hán, vì ngài dành thì giờ làm thị giả của Phật, không có công phu tu chứng, nhưng ngài có nhớ và nghe đủ những lời Phật dạy vì khi giáo đoàn cử A Nan làm thị giả, ngài có xin đức Phật 8 điều sau đây :
1) Xin đừng cho A Nan y phục tốt.
2) Xin đừng cho A Nan vật thực quý.
3) Xin đừng cho A Nan ở chung thất với Phật.
4) Xin Phật đừng đem A Nan theo hầu ở nơi nào mà thí chủ chỉ thỉnh có Phật đến thọ trai.
5) Xin đức Phật ngự đến nơi nào mà A Nan đã nhận lời của thí chủ.
6) Xin đức Phật cho phép A Nan đưa những người ở xa đến, được vào viếng đức Phật.
7) Khi nào A Nan có điều nghi ngờ về giáo pháp, được phép vào hầu và hỏi.
8) Khi đức Phật đi thuyết pháp không có A Nan, lúc Ngài trở về xin thuyết lại cho A Nan nghe.
2) Xin đừng cho A Nan vật thực quý.
3) Xin đừng cho A Nan ở chung thất với Phật.
4) Xin Phật đừng đem A Nan theo hầu ở nơi nào mà thí chủ chỉ thỉnh có Phật đến thọ trai.
5) Xin đức Phật ngự đến nơi nào mà A Nan đã nhận lời của thí chủ.
6) Xin đức Phật cho phép A Nan đưa những người ở xa đến, được vào viếng đức Phật.
7) Khi nào A Nan có điều nghi ngờ về giáo pháp, được phép vào hầu và hỏi.
8) Khi đức Phật đi thuyết pháp không có A Nan, lúc Ngài trở về xin thuyết lại cho A Nan nghe.
Khi được đề cử dự hội nghị, biết mình chưa chứng quả, nên A Nan dành thời gian tu tập ngày đêm, cho đến lúc gần sáng ngày hội nghị khai mạc, A Nan mới chứng quả làm cho đủ túc số 500 vị A La Hán.
Trong hội nghị, A nan có cho biết rằng trước khi nhập niết bàn, Phật có dạy những luật nào xét thấy không quan trọng, giáo hội có thể bỏ, nhưng A Nan quên không xin Phật dạy cho những giáo điều nào nên bỏ, nên không thể chỉ ra. Do vậy hội nghị quyết giữ nguyên tất cả các giáo điều, và trước khi hội nghị kết thúc, A Nan bị hội nghị khiển trách những điều sau đây :
1) Thiếu xót bổn phận không xin Phật chỉ dạy những giáo điều cần hủy bỏ.
2) Vô ý dẫm lên y của Phật nhân một hôm đi theo hầu Ngài.
3) Ðể nước mắt phụ nữ làm ô uế thân mình.
4) Không thỉnh cầu Phật kéo dài thêm thọ mạng.
5) Xin cho nữ giới gia nhập tăng đoàn.
2) Vô ý dẫm lên y của Phật nhân một hôm đi theo hầu Ngài.
3) Ðể nước mắt phụ nữ làm ô uế thân mình.
4) Không thỉnh cầu Phật kéo dài thêm thọ mạng.
5) Xin cho nữ giới gia nhập tăng đoàn.
Cũng có chỗ nói thêm một lỗi nữa là, trong khi Phật bị bệnh, khát nước, bảo A Nan đi lấy nước uống, A Nan không lấy nước cho Phật uống (thật ra A Nan có tới nơi nhưng do một đoàn xe đi qua, nước bị vẩn đục, không thể lấy cho Phật uống). Vì muốn giữ vẹn sự hòa hợp tăng, A Nan nhận và sám hối những lỗi lầm nầy.
Theo Nam truyền, sau khi hội nghị đã bế mạc, ngài Phú Lâu Na dẫn 500 tỳ kheo khất thực ở Nam sơn về tới, giáo hội cho ngài biết nội dung đã kết tập, ngài Phú Lâu Na tuyên bố : '' Chư đức đã kết tập xong Phật Pháp như vậy rồi, nhưng những pháp mà tôi đã được riêng nghe từ kim ngôn của Phật, cũng nên thọ trì ''. Câu chuyện nầy về sau biến thành giai thoại '' Giới ngoại kiết tập '', truyền tụng ở Bắc Phương Phật Giáo như sau : Trong khi 500 vị La Hán họp ở Vương Xá thành, có một số tỳ kheo khác do Bà Sư Ba (Baspa) làm Thượng thủ, họp tại một nơi gần đó để kết tập, gọi là '' Ðại chúng bộ kết tập '' hay '' Giới ngoại kết tập '' Kết quả là khai sinh ra Kinh, Luật, Luận (theo Chân Ðế Bộ Chấp Dị Luận Sớ '' hoặc năm tạng Kinh, Luật, Luận, Tạp và Cấm Chú (theo Tây Vức Ký).
b) Kết quả : Lần kết tập thứ nhất nầy, Kinh và Luật đã hình thành, xảy ra ngay sau khi Phật nhập Niết Bàn, đó là năm Phật lịch thứ nhất, tức là năm 544 trước Tây lịch (TTL).
Giáo pháp của Phật do A Nan trình bày trở thành thánh điển Ngũ bộ (Nikaya) bằng Ba Văn hoặc thánh điển A Hàm (Agama) bằng Phạn Văn. Các điều luật do Ưu Bà Li lập đi lập lại đến 80 lần tạo thành bộ Bát Thập Tụng Luật.
III .- Kiết tập lần thứ hai :
a) Nguyên nhân : Sau khi Phật nhập niết bàn khoảng 100 năm, tức là khoảng năm 444 TTL. Chúng Tỳ kheo Tỳ Xá Ly (Vrji), trú tại thành Phệ Xá Ly (Vesaly) công bố 10 điều luật mới như sau (theo Nam truyền có vài dị biệt).
1) Diêm tịnh : Ðồ ăn ướp muối để cách đêm, vẫn ăn được, không trái giới luật.
2) Chỉ tịnh : Ăn quá ngọ hai lóng tay, không trái giới luật.
3) Tụ lạc tịnh : Trước ngọ tuy ăn rồi nhưng đến làng khác vẫn được phép ăn thêm không trái giới luật.
4) Trụ xứ tịnh : Ở đâu thì làm lễ bố tát ngay đãy, không trái giới luật.
5) Tùy ý tịnh : Quyết nghị đã được đại hội dù ít dù nhiều cho thông qua, đều có giá trị thi hành, không trái giới luật.
6) Cửu trú tịnh : Noi theo tiền lệ, không trái giới luật.
7) Sinh hòa hợp tịnh : Sữa pha nước ăn sau giờ ngọ, không trái giới luật.
8) Thủy tịnh : Rượu mới lên men pha với nước để uống trị bệnh, không trái giới luật.
9) Bất ích lũ ni sư đàn tịnh : Dùng tọa cụ không viền, kích thước lớn hơn mẫu định, không trái giới luật.
10) Kim tiền tịnh : Cất giữ vàng bạc, không trái giới luật.
2) Chỉ tịnh : Ăn quá ngọ hai lóng tay, không trái giới luật.
3) Tụ lạc tịnh : Trước ngọ tuy ăn rồi nhưng đến làng khác vẫn được phép ăn thêm không trái giới luật.
4) Trụ xứ tịnh : Ở đâu thì làm lễ bố tát ngay đãy, không trái giới luật.
5) Tùy ý tịnh : Quyết nghị đã được đại hội dù ít dù nhiều cho thông qua, đều có giá trị thi hành, không trái giới luật.
6) Cửu trú tịnh : Noi theo tiền lệ, không trái giới luật.
7) Sinh hòa hợp tịnh : Sữa pha nước ăn sau giờ ngọ, không trái giới luật.
8) Thủy tịnh : Rượu mới lên men pha với nước để uống trị bệnh, không trái giới luật.
9) Bất ích lũ ni sư đàn tịnh : Dùng tọa cụ không viền, kích thước lớn hơn mẫu định, không trái giới luật.
10) Kim tiền tịnh : Cất giữ vàng bạc, không trái giới luật.
Bãy giờ trưởng lão Da Xá (Yasas) ở phía Tây Ấn độ, đi viếng phía Ðông nhân đến thành Phệ Xá Ly, gặp ngày bố tát ở đó, các chúng tỳ kheo đang quyên tiền bạc của thiện tín bỏ vào trong cái chậu đặt ở giữa đại chúng, Da Xá phản đối chúng Tỳ Xá Lỵ (Vrji), bị nhóm nầy kết án ông làm phương hại đến sự cúng dàng của tín đồ và lăng mạ tăng chúng, bắt ông phải xin lỗi. Da Xá không xin lỗi, ông trốn vào thành đem vấn đề phi pháp trên nêu ra cho dân chúng biết. Ðại chúng thấy ông phạm luật, liền trục xuất ra khỏi tăng chúng (theo giới luật, nếu một Tỳ kheo nào đem lỗi xấu của chúng Tăng công bố trước tín đồ sẽ bị trai trừ khỏi Tăng đoàn). Ông nghĩ giới luật của Phật đã bị suy tàn, nên liền đi vận động với giáo đoàn khắp Ấn độ, thỉnh được 700 trưởng lão thánh tăng đến khai hội tại Phệ Xá Lỵ để nghị quyết về 10 hành vi kể trên là phi pháp hay không phi pháp.
Nhưng trong lúc hội nghị, vì sinh nhiều ý kiến bất đồng, nên hội nghị đề cử một ủy ban gồm có 8 vị trưởng lão để giải quyết vấn đề :
Bốn Trưởng lão phương Ðông gồm có :
- Tát Bà Ca Ma
- Sa Lu ( Sàlha)
- Khuất Xà Tu Tỳ Ða (Khujjasobhita)
- Bà Tát Bà Già Mi (Vàsabhagàmi)
- Sa Lu ( Sàlha)
- Khuất Xà Tu Tỳ Ða (Khujjasobhita)
- Bà Tát Bà Già Mi (Vàsabhagàmi)
Bốn Trưởng lão ở phương Tây là :
- Ly Bà Ða
- Tam Phù Ðà
- Da Xá (Yasas)
- Tu Ma Na (Sumana)
- Tam Phù Ðà
- Da Xá (Yasas)
- Tu Ma Na (Sumana)
Trưởng lão phương Tây Ly Bà Ða nêu ra từng đều trong 10 điều, để hỏi là hợp pháp hay phi pháp; Trưởng lão phương Ðông Tát Bà Ca Ma y vào giới luật trả lời từng điều là phi pháp. Như vậy 10 điều kia trở thành 10 điều phi pháp. Trong hội nghị còn hợp tụng lại tất cả những giáo pháp của Phật, thời gian kéo dài đến 8 tháng mới hoàn tất.
b) Kết quả : Như vậy hội nghị nầy không phải chỉ giải quyết 10 điều trên mà đại chúng còn hợp tụng tất cả pháp tạng, để ngăn ngừa mọi phi pháp pha trộn.
Mặc khác, các Tỳ kheo phía Ðông, không chấp nhận 10 điều trên là phi pháp nên đã cùng nhau họp tại một nơi khác cũng để kết tập kinh điển, gọi là Ðại Kết Tập (Mahàsamgìti) hay là Ðại Chúng Kết Tập, nội dung kết tập nầy đã đúc kết thành Kinh Tạng, Luật Tạng, Ðại pháp tạng, và Tạp tạng thành 4 tạng, lại có thêm Bồ Tát tạng gọi là Ngũ tạng.
Do đó từ đây giáo đoàn Phật giáo chia thành 2 bộ phái là Thượng Tọa bộ (Thera) là phái bảo thủ và Ðại Chúng bộ (Mahàsamghika) là phái canh tân.
III.- Kiết tập lần thứ ba
a) Nguyên nhân : Vua A Dục sau khi lên ngôi thành một bậc đại đế ở Bắc Ấn rồi liền đem quân đánh lấy Nam Ấn, cả hai bên đều có binh hùng tướng mạnh nên trong giao tranh binh sĩ, dân chúng chết rất nhiều, sau khi lấy được Nam Ấn, thống trị toàn cõi Ấn Ðộ vua mới hồi tâm vì sự giết hại sinh linh qua cuộc chiến tranh, thêm vào đó nhờ sự giáo hóa của chư Tỳ Kheo, ông trở nên một Phật tử thâm tín và tận lực hộ trì chánh pháp, vua cho xây các cột biểu khắc ghi những thánh tích quan trọng của Phật, cho xây cất chùa chiền, tháp thờ Xá lợi. Nhà vua tôn sùng đạo Phật làm cho ngoại đạo trà trộn vào làm Tăng, gây ra những mối tương tranh, chúng Tăng không hòa hợp, vua nhận thấy mối họa ấy, rất lo ngại cho tiền đồ Phật giáo, liền cho sứ triệu thỉnh Ngài Mục Kiền Liên Tử Ðế Tu (Moggaliputta Tissa) đang ẩn dật ở núi A Hô Hằng Già (Ahogànga) đứng ra triệu tập chư Tăng để kết tập kinh điển.
Ngài Mục Kiền Liên Ðế Tử Tu vâng lệnh vua, chọn 1000 Tăng chúng thông hiểu kinh điển tụ tập tại Hoa Thị Thành (Pataliputra), để kết tập kinh điển. Kỳ kết tập nầy sau Phật nhập niết bàn 236 năm, tức là năm 308 TTL. Ðại hội kết tập kéo dài 9 tháng.
b) Kết quả : Có một tập sách xuất hiện trong kỳ kết tập nầy đó là '' Luận sự '' hay '' Thuyết sự ''(Kathàvattnu), tương truyền do ngài Mục Kiền Liên Ðế Tử Tu trước tác để thuyết minh sự lý luận giữa ngoại đạo với Phật giáo. Ðó là tập Luận đầu tiên xuất hiện để trở thành Luận Tạng, từ đó có đủ ba tạng kinh điển.
Ba tạng (tripitaka) gồm có tạng Kinh (sutrapitaka), tạng Luật (vinayapitaka) và tạng Luận (abhidharmapitaka).
Pitaka nghĩa là cái giỏ dùng để chứa, người Tàu dịch ra Tạng nghĩa là cái kho chứa, chứa rất nhiều. Tam tạng là ba cái kho chứa đựng những lời Phật dạy. Tạng Kinh là những lời thuyết giảng của Phật, các đệ tử sưu tầm sắp xếp lại cho có hệ thống. Tạng Luật là những giới luật do Phật đặt ra để cho đệ tử tu hành và điều hành giáo hội. Tạng Luận lấy hai kho trên làm đối tượng để khảo sát, giảng cứu, suy tầm và triển khai lời Phật dạy tạo thành một nền triết học kinh viện. Sự phân chia ấy nhằm mục đích làm cho người ta thấy rõ giáo lý đạo Phật có:
- Chủ thuyết căn bản.
- Giới luật hành trì.
- Giáo nghĩa thuyết minh.
- Giới luật hành trì.
- Giáo nghĩa thuyết minh.
Một thuyết khác cho rằng ở nước Ma Thâu La (Mathura) thuộc Trung Ấn, có người con của một thuyền chủ tên là Ðại Thiên (Mahadeva), tới tuổi trưởng thành đi tu, làu thông tam tạng kinh điển, chứng quả A La Hán, được đại chúng kính nể. Gặp ngày Bố Tát tại chùa Kê Viên (Kukkutarama), Ðại Thiên liền đối trước chúng nói một bài kệ gồm có 5 việc, và nói rằng : '' Khi Phật còn tại thế, chư Thiên và Tứ chúng nói ra đều phải được Phật ấn chứng, mới gọi là kinh, nay Phật đã diệt độ, nếu trong đại chúng, có người thông minh, có tài thuyết pháp, cũng có thể trước tác được kinh điển ''.
Theo Dị Bộ Tôn Luân Luận, bài kệ của ngài Ðại Thiên đã nói : '' Du sở dụ, vô tri, do dự, tha linh nhập, đạo nhân thanh cố khởi, thị danh chân Phật giáo '' Ðại khái là đạt tới bực A La Hán hãy còn khuyết điểm, để chỉ trích lý tưởng A La Hán, manh nha tư tưởng Ðại thừa. (LSPGAÐ, trang 99-100)
Ðại chúng nghe thế lấy làm kinh ngạc, đem năm thuyết nầy ra tranh luận, một số cho lời của Ðại Thiên là vọng thuyết. Vua A Dục biết việc, cho sứ đến làm trung gian giảng hòa nhưng đôi bên không nghe. Phần đông công nhận tân thuyết của Ðại Thiên là đúng lập thành Ðại chúng bộ, lấy Trung Ấn làm địa bàn truyền đạo. Thiểu số bảo thủ lập thành Thượng Tọa bộ, lấy nước Ca Thấp Di La (Kasmira) ở Bắc Ấn, làm trung tâm truyền đạo.
Ðến đây chúng ta thấy sự đối lập khởi nguyên phân phái của Phật giáo ở vào hai thời điểm quan trọng. Sự đối lập về Giáo hội vào khoảng 100 năm sau khi Phật Nhập Niết bàn ở kỳ Kết Tập thứ nhì, và đối lập về giáo lý khoảng hơn 200 năm sau khi Phật Nhập Niết bàn, do năm tân thuyết của Ðại Thiên.
Còn một điểm nữa là kỳ Kết tập thứ ba, Phật Giáo Bắc Truyền không thấy ghi chép, các ký lục của ngài Pháp Hiển và Huyền Trang cũng không nói tới lần Kết Tập nầy.
IV.- Kiết tập lần thứ tư :
a) Nguyên nhân : Tương truyền vua Ca Nhị Sắc Ca - Kanishka (78TTL-101STL) tôn sùng và hộ pháp cũng gần bằng với vua A Dục, cứ mỗi ngày vua thỉnh một vị Tăng vào cung để nghe pháp, chính vua cũng duyệt lãm kinh điển, thấy giáo nghĩa có nhiều sai biệt, sinh ra ngờ vực liền đem hỏi ngài Hiếp Tôn Giả (Pàrsva), vị tăng nầy giảng cho vua nghe, vì đạo Phật đã phân thành nhiều hệ phái, nên giáo nghĩa tuỳ theo mỗi hệ phái giảng giải khác nhau, vua bàn với Hiếp Tôn Giả, noi gương tiền nhân, phát nguyện mở đại hội kết tập kinh điển.
Trước nhất, vua hạ lệnh triệu tập 500 vị La Hán họp tại Tịnh Xá Hoàn Lâm (Kundalavana-samgharàma), thành Ca Thấp Di La (Kasmira), nước Kế Tân vung Tây Bắc Ấn, vào khoảng thượng bán thế kỷ II sau Tây lịch (STL).
Hội nghị kết tập kỳ nầy có Thế Hữu (Vasumitra) là Thượng thủ, có các vị Pháp Cứu (Dharmatràtà), Diệu Âm ( Ghosa), Giác Thiên (Buddhadeva) và Hiếp Tôn Giả (Pàrsva)...
b) Kết quả : Hội nghị đã sáng tác bộ Luận Nghị (Upadesa) để giải thích tạng Kinh, bộ Tỳ Bà Sa (Vibhàsa) và bộ A Tỳ Ðạt Ma (Abhidarma) để giải thích tạng Luật và tạng Luận, mỗi bộ 10 vạn bài tụng, vị chi 30 vạn bài tụng, gồm 660 vạn lời, các bài tụng nầy đã được khắc vào các bản đồng cán từ đồng đỏ, hội nghị kết tập nầy mất đến 12 năm.
Sau khi hoàn tất, nhà vua cho cất một bảo tháp để tồn trử và cắt đặt binh lính để canh giữ, ai muốn khảo cứu, học hỏi vào tháp nghiên cứu, không được đem ra ngoài. Tuy nhiên chúng đã sớm bị thất lạc, chỉ còn phần chú thích của Luận tạng A Tỳ Ðạt Ma Ðại Tỳ Bà Sa Luận (Abhidharma-mahavibhàsa-sutra) gồm 200 quyển, do ngài Huyền Trang dịch là còn lưu truyền.
VI . Kiết tập lần thứ năm :
Năm 1870, cách Phật nhập Niết bàn 2414 năm, tại Madalay Miến Ðiện có một Ðại Hội kiết tập kinh điển kỳ V.
VII.- Kiết tập lần thứ sáu :
Sau 2498 năm đức Phật nhập Niết bàn, tại thạch động Maha Pasana Guha cách thủ đô Rangoon 12 cây số ngàn, thuộc Miến Ðiện đã khai mạc Hội Nghị Kiết Tập kỳ VI từ 21-5-1954 đến 25-5-1956, lần nầy có cả thảy 2500 Tỳ Kheo của các nước Phật giáo trên thế giới tới dự, dưới sự chủ tọa của vị Tăng Thống Miến Ðiện. Thể thức kết tập lần nầy cũng như lần đầu, ngoài chủ tọa, có hai vị Thượng Tọa Vấn, Ðáp các đoạn Kinh. Luật, Luận.
VIII.- Các bộ Thánh Ðiển :
Về kinh điển Pali , qua các lần Kết Tập trước Tây lịch, chúng ta không thấy nói đến sự ghi chép thánh điển, các nhà nghiên cứu đều công nhận theo truyền thống, thánh điển chỉ được truyền khẩu trong các thế kỷ trước kỷ nguyên Tây lịch.
Năm 236 sau Phật nhập Niết Bàn, con vua A Dục, vương tử Minhada đã xuất gia, từ A Bàn Ðề ( Avanti) đến Tích Lan mang theo những bộ Pali truyền khẩu, giữ nguyên ngôn ngữ gốc của chúng bằng tiếng Ma Kiệt Ðà. Riêng về chú thích Kinh, ngài dịch ra tiếng Tích Lan để truyền bá đạo Phật.
Tại Tích Lan, sau nhiều năm chiến tranh, ly loạn giữa khoảng 451 đến 454 sau Phật nhập Niết bàn ( khoảng 35-32 TTL), dưới triều đại Vô Úy Vương (Vatthagàmani - Abhaya) một ông vua rất hâm mộ Phật giáo. Dưới sự hộ đạo của Vô Úy Vương, chư Tăng họp tại chùa Alu, gần thị trấn Matale để kết tập lại toàn bộ Tam Tạng. Chính lúc nầy kinh điển bằng tiếng Pali mới được ghi chép bằng tiếng Ma Kiệt Ðà.
Theo các nhà nghiên cứu, ngôn ngữ Pali, phát xuất từ một vùng hẻo lánh nào đó trong vương quốc Ma Kiệt Ðà mênh mông kia.
Trong ngữ nguyên, danh từ Pali vốn đồng nghĩa với danh từ Patha mà chữ Hán dịch là Bái hay Bối có nghĩa là bài văn hay lời chúc tụng. Mãi về sau, trải qua một thời gian dài, danh từ Pali mới biến thành ngôn ngữ Pali.
Trong những thập niên gần đây, theo một số sử gia và các nhà ngôn ngữ học, tiếng Pali phát xuất từ vùng Thượng du Trung Ấn, hình thành bởi một loại tiếng Prakrit cổ, bắt nguồn từ tiếng Sanskrit nó được sử dụng trong quá khứ lâu xa và hiện còn lưu dụng nhưng chỉ hạn cuộc trong diễn đạt tư tưởng thuần túy tôn giáo của Nam phương Phật giáo.
Ngày nay các sử gia Tây phương gọi Pali là ngôn ngữ của Tam Tạng Tích Lan riêng dùng, họ không đồng ý nó giống như thổ ngữ trong dân gian và triều đình Ma Kiệt Ðà sử dụng thời đức Phật tại thế.
Từ Tích Lan, Kinh điển Pali được truyền sang Miến Ðiện, Mã Lai, Thái Lan, Lào, Campuchea là những nước trong khu vực Nam Á, được gọi chung là Nam Phương Phật giáo hay Nam Tông, cũng còn có tên là Phật Giáo Nguyên Thủy.
Tam Tạng Pali được chia như sau :
I.- Tạng Luật (Vinayapitaka)
II.- Tạng Kinh (Sutrapitaka)
1.- Trường bộ kinh (Atghanikaya)
2.- Trung bộ kinh (Majjhimanikaya)
3.- Tương Ưng bộ kinh (Samyuttanikaya)
4.- Tăng Nhứt bộ kinh (Anguttaranikaya)
5.- Tiểu hay Tạp bộ kinh (Khuddakanikaya)
III.- Tạng A Tỳ Ðàm (Abhidharmapitaka)
Về kinh điển Sanskrit, nó trải qua một tiến trình kinh điển Bắc Phương Phật giáo. Trước tiên được ghi chép bằng tiếng Prakrit vùng Tây Bắc Ấn độ, từ thời A Dục cho đến đầu kỷ nguyên, hiện nay còn có một bản văn kinh Pháp cú.
Kế đó đến tiếng Sanskrit tạp, hoặc còn gọi là Sanskrit hổn hợp, Sanskrit lai căn, tiền Sankrit. Ðây là loại tiếng lóng do mô thức tiếng Sanskrit kết hợp với tiếng Prakrit tạo thành, các tác phẩm viết bằng loại tiếng nầy có vào 3 thế kỷ đầu kỷ nguyên, nó phổ biến rộng rãi, tinh luyện nhất ở vùng Trung Ấn.
Ðến thế kỷ thứ IV, tiếng Sanskrit Phật giáo đã hoàn chỉnh, thay thế hẳn các tiếng Prakrit và Sanskrit tạp. Nó là một quá trình xây dựng, từng bước hoàn chỉnh sau 9 thế kỷ đức Phật nhập niết bàn. Nói đến Sanskrit là nói đến Bắc Phương Phật giáo, cũng như nói đến Pali là nói đến Nam Phương Phật giáo vậy.
Kinh điển Bắc Phương Phật giáo, cụ thể là bộ A Hàm (Agama) không phải dịch từ thánh điển Ngũ bộ kinh (Nikaya), tuy có rất nhiều phần giống y nhau, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng A Hàm và Ngũ bộ cùng dịch chung một nguồn gốc, trong khi dịch A Hàm có tham khảo Ngũ bộ kinh.
Kinh điển Sanskrit được truyền từ Ấn độ sang Tây Tạng, Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Ðại Hàn, được gọi chung là Bắc Phương Phật Giáo hay Bắc Tông cũng còn có tên là Phật Giáo Ðại Thừa.
Tam tạng Sanskrit được phân chia như sau :
I.- Tạng Luật (Vinayapitaka)
II.- Tạng kinh (Sutrapitaka) gồm Tứ A Hàm (Amaga)
1.- Trường A Hàm (Dirghagama) - Phật Ðà Da Xá dịch ra Hán văn năm 412 &413
2.- Trung A Hàm (Madhyamagama) - Tăng Già Ðề Bà, năm 397&398
3.- Tạp A Hàm (Samyuktagama) - Cầu Na Bạt Ðà La, năm 436-443
4.- Tăng nhứt A Hàm (Ekottaragama) - Tăng Già Ðề Bà, năm 397&398
III. Tạng A Tỳ Ðàm (Abhidharmapitaka)
IV.- Tạng Khuất Ðà Già (Ksudrakapitaka) , có khi xếp thành Ngũ A Hàm, có khi xếp thành tạng riêng, nó tương đương nhưng kém minh bạch so với Tiểu hay Tạp bộ kinh.
Sanskrit Phật điển hay Phạn ngữ Phật điển dịch ra tiếng Tây Tạng, gọi là Tây Tạng Phật điển, dịch ra Hán Văn gọi là Ðại Tạng Kinh, dịch ra Nhật ngữ (có bổ túc thêm nhiều tài liệu của Nhật), gọi là Tân Tu Ðại Tạng Kinh.
Từ trước đến nay, Trung Hoa có nhiều bộ sưu tập kinh điển :
I.- Bộ 1 (chép tay) sưu tập từ thời Lương Võ Ðế, các kinh điển dịch ra Hán văn có tại Trung quốc từ năm 67 đến năm 517.
II.- Bộ 2 (chép tay) sưu tập dưới thời vua Hiếu Võ nhà Nguyên Ngụy, gồm các kinh điển đến năm 533-534.
III.- Bộ 3 (chép tay) sưu tập tới năm 594, dưới thời Tùy Văn Ðế.
IV.- Bộ 4 (chép tay) sưu tập đến năm 602, dưới thời Tùy Văn Ðế, gồm 2109 bộ, thành 5058 quyển.
V.- Bộ 5 (chép tay) sưu tập đến năm 616 dưới thời Tùy Văn Ðế.
VI.- Năm 644, dưới thời nhà Ðường, lập xong thư tịch của 2847 bộ, thành 8476 quyển kinh đã phiên dịch xong, trong số có 650 bộ do Ngài Huyền Trang thĩnh từ Ấn Ðộ về.
VII.- Bộ 6 (chép tay) hoàn tất năm 695, dưới thời Võ Hậu gồm 3616 bộ, thành 8641 quyển.
VIII.- Bộ 7 (chép tay) hoàn tất năm 730, dưới thời Ðường Huyền Tôn.
IX.- Bộ 8 (in bằng gỗ) hoàn tất năm 972, dưới thời Tống Thái Tổ. Phải khắc 130 ngàn bản gỗ mới in xong bộ Tam Tạng nầy, năm 995, Phật giáo Trung Hoa có cho Cao Ly ( Ðại Hàn) thĩnh một bộ Tam Tạng của bản in nầy. Phật giáo Cao Ly khắc và in lại thành bộ Cao Ly bổn.
X.- Bộ 9 (in) năm 1285-1287 dưới thời Thế Tôn nhà Nguyên.
XI.- Năm 1306, hoàn tất thư tịch kinh điển (đã soạn từ đời Tống cho đến đời Nguyên mới xong).
XII.- Bộ 10 (in) năm 1368-1398, dưới thời Minh Thái Tổ, bộ Tam Tạng nầy được gọi là Ðại Minh Nam Kinh Ðại Tạng Kinh, vì đã được in tại Nam kinh (Nankin)
XIII.- Bộ 11 (in) năm 1403-1424, dưới thời Minh Thành Tổ. Bộ Tam Tạng nầy được gọi là Ðại Minh Bắc Kinh Ðại Tạng Kinh, vì được in tại Bắc kinh (Pékin).
XIV.- Ngài Pháp sư Mật Tạng hổn hợp hai bộ trên thành một và lập thư tịch.
XV.- Bộ 12 (in) năm 1735-1737 dưới thời vua Thế Tôn và Cao Tôn đời nhà Thanh.
XVI.- Bộ 13 (in) năm 1911, Tinh Xá Tần Già ở Thượng Hải in lại bộ Súc Loát Tạng Kinh của Nhật Bản gọi là Tần Già Bản.
XVII.- Bộ 14 (in) Thương vụ ấn quán in lại Tục Tạng Kinh của Nhật Bản.
XVIII.- Bộ 15 (in) khoảng từ năm 1931-1936, có in lại Tống bản Tích Sa tạng kinh và Kim bản Ðại Tạng Kinh, là những sự nghiệp vĩ đại của Phật giáo Trung Quốc, được mệnh danh là Tống Tạng Di Trân.
Về sau nầy, chắc chắn còn có lần in thêm Ðại Tạng Kinh, nhưng bài nầy chưa có đủ tài liệu để tham khảo.
IX.- Kinh điển Việt Nam : Từ trước, kinh điển Việt nam được khắc mộc bản in bằng chữ Hán, các Ðại Tạng Kinh vẫn được thỉnh từ Trung Quốc, sau khi chữ Việt được dùng và phong trào chấn hưng Phật Giáo từ những năm 1930, có một số kinh điển được phiên âm, một số được dịch nghĩa từ Hán Tạng Kinh điển. Những dịch giả có tiếng tăm và công trình dịch thuật đồ sộ như Ðoàn Trung Còn, Lê Ðình Thám, Hoà Thượng Thích Hành Trụ, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Hoà Thượng Thích Thanh Từ, Thượng Tọa Thích Viên Ðức . . . Về kinh điển Nam Phương Phật giáo, có Hòa Thượng Thích Minh Châu, Hòa Thượng Thích Tịnh Sự, Hòa Thượng Thích Giới Nghiêm và một số chư thiền đức khác dịch từ Pali tạng ra Việt ngữ. Công cuộc dịch thuật tuy không có chủ đích thuần nhất, nhưng đến nay có thể tổng hợp thành một Ðại Tạng Việt Kinh gồm có Kinh, Luật, Luận từ nguồn gốc cả Bắc và Nam Tông khá đầy đủ.
X.- Kết luận : Ðến thế kỷ thứ 20, Phật giáo Việt Nam đặc biệt có sự hiện hữu của cả Bắc và Nam phương Phật giáo, sự khác biệt về giáo điển, về hành trì, không phải là sự cách biệt lớn, vì chân lý không thể có hai, đạo Phật chỉ là một. Gần 2500 năm trước, Phật giáo tại Ấn Ðộ bắt đầu phân phái, ngày nay Phật Giáo Việt Nam sẽ hòa hợp lại, theo nguyên nghĩa của Tăng già.
Tìm hiểu Kiết tập để thấy kinh điển được lưu truyền như thế nào ở mỗi thời đại, mỗi địa phương, mỗi tông phái, từ đó người học Phật càng tinh tấn trên con đường đạo.
Tháng 11 năm 1998
Sách tham khảo :
- Thích Thanh Kiểm Lịch sử Phật Giáo Ấn Ðộ Vạn Hạnh xuất bản, Sàigòn, 1963
- Thích Thanh Kiểm Lịch sử Phật Giáo Trung Quốc, Vạn Hạnh tái bản, Sàigòn, 1965
- Huệ Ðức Từ quang tạp chí Số 167 Hội Phật Học Nam Việt phát hành, Sàigòn, 1965
-Cao Hữu Ðính Văn học sử Phật Giáo Hương Sen phát hành, ViệtNam, 1996
- H.W. SCHUMANN Ðức Phật lịch sử VNCPHVN, ViệtNam, 1997
- Thích Thanh Kiểm Lịch sử Phật Giáo Trung Quốc, Vạn Hạnh tái bản, Sàigòn, 1965
- Huệ Ðức Từ quang tạp chí Số 167 Hội Phật Học Nam Việt phát hành, Sàigòn, 1965
-Cao Hữu Ðính Văn học sử Phật Giáo Hương Sen phát hành, ViệtNam, 1996
- H.W. SCHUMANN Ðức Phật lịch sử VNCPHVN, ViệtNam, 1997
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét