Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Tổng kết về Duyên khởi


Phúc Trung
*
I. Dẫn: Lý Duyên Khởi rất độc đáo trong giáo lý của đức Thế Tôn, bởi vì nó cho thấy một vật hiện hữu do duyên sinh, có trùng trùng duyên khởi, không có tự tánh, do vậy vô ngã. Nó khác với các tôn giáo khác, cho rằng có một đấng cao cả sinh hóa vạn vật.
II. Giáo lý căn bản: Trước tiên, thực tế hơn hết, Ðức Thế Tôn dạy cho người ta nhận chân được bốn sự thật : Ðây là khổ. Ðây là khổ tập. Ðây là khổ diệt. Ðây là con đường đưa đến khổ diệt. Con đường đưa đến khổ diệt ấy Ngài dạy thật rõ nó có tám phần phải theo: Thấy biết chân chính. Suy tư chân chính. Nói lời chân chính. Hành động chân chính. Ðời sống chân chánh. Tưởng nghĩ chân chánh. Ðịnh tâm trong chân chánh. Phát triển trí tuệ trong chân chánh.
Ðể giảng dạy về khổ uẩn tập khởi và khổ uẩn đoạn diệt, chúng tôi xin trích hai đoạn văn tinh yếu sau đây trong Kinh Tương Ưng Bộ nói lên đầy đủ về Duyên khởi và những gì trọng yếu đức Thế Tôn đã giảng dạy:
Phẩm Cây. X. Nhân (S.ii,92)
Một thời thế Tôn trú giữa dân chúng Kuru, tại một thị trấn của dân chúng Kuru tên là Kammàsadamma.
Rồi tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn sâu xa thay là định lý Duyên khởi này, và sâu xa thật là định lý này. Nhưng đối với con định lý ấy có vẻ rõ ràng, minh bạch!
- Chớ có nói vậy, này Ànanda! Chớ nói vậy, này Ànanda! Sâu xa thay, này Ànanda là định lý Duyên khởi này, và sâu xa thật là định nghĩa này. Này Ànanda, chính vì không hiểu rõ pháp này, không giác ngộ, không chứng nhập (pháp này) mà chúng sanh nay bị rối ren như cuộn chỉ, bị phủ đầy bởi bệnh cằn cỗi, như cỏ munjà, như cây lau, không thoát khỏi sự luân hồi trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ.
Nàu Ànanda, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái hữu có mặt. Do duyên hữu sanh có mặt. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
Này Ànanda, ví như một cây lớn, các rễ của cây ấy đâm xuống và đâm ngang, tất cả rễ ấy đều hút lên nhựa sống cho cây ấy. Này Ànanda, cây ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể đứng vững trong một thời gian dài.
Cũng vậy, này Ànanda, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ có mặt. Do duyên thủ, hữu có mặt …(như trên)… Như vậy toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
Này Ànanda, ai sống thấy sự tai hại trong các pháp chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt … (như trên)… Như vậy toàn bộ khổ uẩn này diệt.
Này Ànanda, ví như một cây lớn, rồi có người đi đến, cầm cái cuốc và cái giỏ. Người ấy chặt đứt rễ cây ấy. Sau khi chặt đứt rễ, người ấy đào một cái mương. Sau khi đào mương, người ấy nhổ lên các rễ lớn cho đến các rễ con, rễ phụ. Người ấy chặt cây ấy ra từng khúc, người ấy bửa. Sau khi bửa, người ấy chẻ ra từng miếng nhỏ. Sau khi chẻ ra từng miếng nhỏ, người ấy phơi giữa gió và nắng, người ấy lấy lửa đốt. Sau khi lấy lửa đốt, người ấy vun lại thành đống trọ Sau khi vun lại thành đống tro, hoặc người ấy sàng trong gió lớn hay đổ vào dòng nước chảy mạnh để nước cuốn đi. Như vậy, này Ànanda, cây lớn ấy sẽ bị chặt đứt, làm thành như cây Ta La không thể nào tái sanh, không thể sanh khởi lại trong tương lai.
Như vậy, này Ànanda, ai sống thấy tai hại trong các pháp được chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này diệt. (1)
III. Chủ đích giáo hóa: Và một đoạn khác, cho thấy chủ đích giáo hóa của Thế Tôn:
Phẩm Tương Ưng Kassapa. XII. Sau Khi Chết (S.ii.222)
Một thời tôn giả Mahà Kassapa (Ðại Ca Diếp) và Tôn giả Sàriputta (Xá Lợi Phất) trú ở Bàrànasi (Ba La Nại) tại Isipatana (chư Tiên đọa xứ), ở Migadaya (Lộc Uyển).
Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi chiều từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm, liền ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Mahà Kassapa:
- Này Hiền giả Kassapa, có phải Như Lai có tồn tại sau khi chết không?
- Này Hiền giả, Thế Tôn không có tuyên bố: "Như Lai có tồn tại sau khi chết".
- Như vậy, này Hiền giả, có phải Như Lai không tồn tại sau khi chết?
- Cũng vậy, này Hiền giả, Thế Tôn không có tuyên bố: "Như Lai không tồn tại sau khi chết".
- Như vậy, này Hiền giả, có phải Như Lai có tồn tại, và không tồn tại sau khi ch ết?
- Này Hiền giả, Thế Tôn không có tuyên bố: "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết".
- Như vậy, này Hiền giả, có phải Như Lai không tồn tại, và không không tồn tại sau khi chết?
- Cũng vậy, này Hiền giả, Thế Tôn không có tuyên bố: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
- Này Hiền giả, vì sao Thế Tôn không có tuyên bố như vậy? Vì đây này Hiền giả, không đưa đến lợi ích, không đưa đến cứu cánh Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Do vậy, Thế Tôn không có tuyên bố như vậy.
- Vậy này Hiền giả, Thế Tôn tuyên bố cái gì ?
- "Ðây là khổ", này Hiền giả, Thế Tôn đã tuyên bố. "Ðây là khổ tập", Thế Tôn đã tuyên bố. "Ðây là khổ diệt", Thế Tôn đã tuyên bố. "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”, Thế Tôn đã tuyên bố.
- Vì sao, này Hiền giả, Thế Tôn đã tuyên bố như vậy ?
- Vì đây, này Hiền giả, đưa đến lợi ích, đưa đến cứu cánh Phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Do vậy, Thế Tôn đã tuyên bố như vậy . (2)
IV. Kết luận: Ðức Thế Tôn dạy ở một đoạn khác nữa(3) khi một người đã hiểu rõ Duyên khởi thì không hỏi về sự có mặt hay không có mặt của mình trong quá khứ, hiện tại và vị lai, và cũng để yếm ly, ly tham, an trú trong chánh niệm để giải thoát khỏi phiền não, sinh tử trong luân hồi.
--- Chú thích:
(1) HT. Th. Minh Châu
Kinh Tương Ưng Bộ, q2, trang 165, 166, 167VNCPHVN, 1993
(2) HT. Th. Minh Châu
Kinh Tương Ưng Bộ, q2, trang 382, 383, 384VNCPHVN, 1993
(3) HT. Th. Minh Châu
Kinh Tương Ưng Bộ, q2, trang 53, 54 VNCPHVN, 1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét