Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Như Lai tạng Duyên khởi

Phúc Trung
I.- Dẫn nhập: Theo như tông Hoa Nghiêm thì giáo lý Duyên khởi có bốn chủng loại là: Nghiệp cảm duyên khởi, đây là giáo lý nguyên thỉ, A lại da duyên khởi là thỉ giáo của Ðại thừa, Như lai tạng duyên khởi là chung giáo của Ðại thừa và Pháp giới duyên khởi là viên giáo của Ðại thừa.
II.- Ðịnh nghĩa: Như Lai chữ Phạn viết là Tathà-gata dịch ra Hán việt là Như lai. Trước tiên chúng ta cần tìm hiểu xem nghĩa của Như Lai theo các kinh điển nghĩa là gì? Theo như kinh Kim Cương, đức Thế Tôn giảng " Như Lai giả tức chư pháp như nghĩa", có nghĩa là: " Như Lai có nghĩa là chân như của các pháp ", cũng trong kinh nầy một đọan sau, đức Thế Tôn giảng " Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai " có nghĩa là: " Như Lai có nghĩa là không từ đâu tới cả và cũng không đi về đâu cả, cho nên gọi là Như Lai ". (1)
Trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn, phẩm Phạm Hạnh (2) đức Thế Tôn giảng cho Ngài Ca Diếp về mười danh hiệu của chư Phật : 1.- Như Lai. 2.- Ứng Cúng. 3.- Chánh Biến Tri. 4.- Minh Hạnh Túc. 5.- Thiện Thệ. 6.- Thế Gian Giải. 7.- Vô Thượng Sĩ. 8.- Ðiều Ngự Trượng Phu. 9.- Thiên Nhân Sư. 10.- Phật Thế Tôn. Về nghĩa của Như Lai: " Thế nào gọi là Như Lai ? Như chỗ thuyết pháp của chư Phật quá khứ chẳng biến đổi. Chư Phật quá khứ vì độ chúng sanh nên nói mười hai bộ kinh (3). Ðức Như Lai cũng vậy nên hiệu là Như Lai. Chư Phật Thế Tôn từ sáu môn Ba La Mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo (4), mười một pháp không (5) mà đến đại Niết Bàn. Ðức Như lai cũng vậy, nên gọi Phật là Như Lai. Chư Phật Thế Tôn vì chúng sanh nên tùy nghi phương tiện khai thị ba thừa, thọ mạng vô lượng không thể tính đếm. Ðức Như Lai cũng vậy nên gọi Phật là Như Lai."
Trong Kinh Thắng Man Bảo Quật: " Như lai là thể thuộc Như mà đến nên gọi la Như lai. Cũng như chư Phật mà đi đến, cho nên gọi là Như Lai. Có người hỏi: Nói rằng thể của Phật thuộc tính Như mà đi đến nên gọi là Như Lai. Tức là Ứng thân của Phật, vậy làm sao có nghĩa Lai ? Ðã là Chân như Pháp thân rồi thì làm sao có Lai ? Ðáp: Như vốn ẩn nhưng nay hiện, cho nên nói là Lai (đến) cũng có thể được ".
Như Lai chữ Phạn còn viết là Tu-già-đà dịch là Như Khứ, Hảo Khứ có nghĩa là dứt khỏi vòng sanh tử.
Trong Bi Tàng Kí Bản: " Như Khứ là từ phàm phu tu hành đến thành chánh giác. Hiểu được lẽ Như mà đi nên gọi là Như Khứ. Như Lai là từ sau khi thành Phật, một lòng nguyện từ bi, ra công cứu vớt chúng sinh. Hiểu được là Như mà đến nên gọi là Như Lai ".
Như vậy Như Lai có hai nghĩa đối lập nhau, Như Khứ là hướng lên trên tìm tự lợi (thượng cầu bồ đề), còn Như Lai là hướng xuống dưới làm lợi cho người khác (hạ hóa chúng sanh).
Như Lai còn có nghĩa chẳng phải bực đoạn diệt phiền nãọ mà là bực chẳng hề phát sinh phiền não. Như vậy Như lai tức là Niết bàn.
Như lai chẳng phải là phàm phu, cũng chẳng phải là Thinh Văn, Duyên giác, Bồ tát. Như vậy Như Lai tức là Phật tánh.
Như Lai là bậc mà Thân. Tâm và Trí huệ bủa khắp vô lượng vô số thế giới, không hề bị chướng ngại. Như vậy Như Lai tức là hư không.
Như lai là thường trụ, chẳng hề biến đổi. Như vậy Như Lai tức là thật tướng.
Tóm lại Như Lai là chỉ cho chư Phật, bậc toàn giác, không còn luân hồi sinh tử, an nhiên, tự tại.
Còn Như Lai Tạng trong Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Thế Tôn dạy Bồ tát Ðại Huệ (6): "... Ðại Huệ ! Có khi nói không, vô tướng, vô nguyện, như thật tế, pháp tánh, pháp thân, niết bàn, ly tự tánh, bất sanh, bất diệt những câu như thế đều nói Như Lai tàng..."
Hiểu nghĩa rốt ráo Như Lai tạng là kho chứa Phật tính hay Chân như. Tạng có 3 nghĩa:
1.- Thu nhiếp lại: Chân như ở trong chúng sanh bao gồm hai mặt hòa hợp và không hòa hợp. Hòa hợp thì sinh ra hết thảy các pháp nhiễm ô, không hòa hợp thì sanh ra hết thảy các pháp thanh tinh. Cả hai Nhiễm pháp và Tịnh pháp đều nằm trong Như lai tính tức Chân như, nên gọi là Như Lai Tạng. Nói cách khác, Chân như bao gồm mọi pháp, Như Lai tạng chứa tất cả các pháp.
2.- Giấu kín che phủ: Khi Chân như ở trong phiền não, bị phiền não che lấp mất tính đức của Chơn như, nó không thể hiện ra được vì lẽ đó gọi là Như Lai tạng.
3.- Có khả năng nuôi dưỡng: Chân như ở trong phiền não, ngậm chứa thâu nhiếp hết thảy công đức quả vị của Như Lai, cho nên gọi là Như Lai tạng.
Như trên vừa trình bày, Như Lai tạng gồm cả tịnh và nhiễm pháp, vậy tu tập là gột trừ phiền não nhiễm ô để chỉ có những tịnh pháp, hiển lộ Chân như.
III.- Kết luận: Chúng ta thấy rằng Như Lai tạng chứa hết thảy các pháp, vạn hữu vốn là Chân như từ Như Lai tạng mà ra, nên vạn hữu duyên sanh mà có là Chân như duyên khởi hay Như Lai tạng duyên khởi vậy.
---
Chú thích:
  1. Thích Nhật Từ Kinh Tụng Hằng Ngày Ðạo Phật ngày nay xuất bản, 2002 trang 692, 701
  2. Thích Trí Tịnh Kinh Ðại Bát Niết Bàn THPGTPHCM, 1996, trang 605-606
  3. Thuật ngữ chỉ 12 chủng loại tất cả kinh Phật: 1.- Khế kinh, 2.- Trùng Tụng, 3.- Phúng tụng, 4.- Nhân duyên, 5.- Bản sinh, 6.- Bản sự, 7.- Vị Tằng Hữu, 8.- Thí dụ, 9.- Luận nghị, 10.- Tự thuyết, 11.- Phương quảng, 12.- Thụ ký.
  4. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo gồm có:
1.- Bốn Niệm Xứ :
1.- Quán thân bất tịnh.
2.-Quán tâm vô thường.
3.-Quán pháp vô ngạ
4.-Quán thọ thị khổ.
2.- Bốn Chính cần:
1.-Tinh tấn ngăn ngừa các điều ác chưa phát sinh.
2.- Tinh tấn dứt trừ các phần ác đã phát sinh.
3.- Tinh tấn phát triển các điều lành chưa phát sinh.
4.- Tinh tấn tiếp tục phát triển các điều lành đã phát sinh.
3.- Bốn Như ý túc:
1.-Dục như ý túc.
2.-Tinh tấn như ý túc.
3.-Nhất tâm như ý túc.
4.-Quán như ý túc.
4.- Năm Căn:
1.-Tín căn.
2.- Tấn căn.
3.- Niệm căn.
4.- Ðịnh căn.
5.- Tuệ căn.
5.- Năm Lực:
1.- Tín lực.
2.- Tấn lực.
3.- Niệm lực.
4.- Ðịnh lực.
5.-Tuệ lực.
6.- Bảy Giác chi:
1.- Trạch pháp (chọn lựa pháp tu).
2.- Tinh tấn.
3.- Hỷ.
4.- Khinh an.
5.- Niệm.
6.- Ðịnh.
7.- Xả.
7.- Tám Thánh đạo:
1.- Chánh kiến.
2.- Chánh tư duỵ
3.- Chánh ngữ.
4.- Chánh nghiệp.
5.- Chánh mạng.
6.- Chánh tinh tấn.
7.- Chánh niệm.
8.- Chánh định.
(5) Trong Ðại Trí Ðộ Luận phần 46 có kể ra 18 pháp không. Trong Ðại Bát Niết Bàn Kinh kể ra 25 thứ Không: 1.- Nội không. 2.- Ngoại không. 3.- Nội ngoại không. 4.- Hữu vi không. 5.- Vô vi không. 6.- Vô thỉ không. 7.- Tánh không. 8.- Viễn ly không. 9.- Tán không. 10.- Tự tướng không. 11.- Vô tướng không. 12.- Âm không. 13.- Nhập không. 14.- Giới không. 15.- Thiện không. 16.- Bất thiện không. 17.- Vô ký không. 18.- Bồ đề không. 19.- Ðạo không. 20.- Niết bàn không. 21.- Hành không. 22.- Ðắc không. 23.- Ðệ nhất nghĩa không. 24.- Không không. 25.- Ðại không.
(6) Thích Thanh Từ Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Tu viện Chơn Không, chùa Phổ Ðà ấn tống, 1989, trang 134

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét