Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Nghiệp cảm Duyên khởi

Phúc Trung
I. Dẫn nhập.- Nói đến Nghiệp cảm duyên khởi là nói đến giáo lý về Nghiệp để chỉ rõ những sự sai biệt của nhân sinh. Hiểu rõ Nghiệp người ta có thể thay đổi cuộc đời của mình trong hiện tại cũng như tương lai, chẳng những hữu ích cho riêng mình mà còn có lợi ích cho xã hội, góp phần kiến tạo cho nền hòa bình của thế giới.
II. Ðịnh nghĩa.- Căn cứ theo kinh điển, người ta thường định nghĩa Nghiệp là những hành động, lời nói, tư tưởng có tác ý.
Theo trong Kinh Tương Ưng Bộ đức Thế Tôn dạy về Nghiệp như sau:
"- Này các Tỷ kheo, Ta thuyết về các nghiệp mới và cũ, sự đoạn diệt các nghiệp, con đường đưa đến sự đoạn diệt các nghiệp. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ. Ta sẽ giảng.
- Này các Tỷ kheo, thế nào là nghiệp cũ ?
Mắt, này các Tỷ kheo phải quán là nghiệp cũ, được tác thành, được tư niệm, được cảm thọ. Tai... Mũi... Luỡi ... Thân... Ý cần phải quán là nghiệp cũ, được tác thành, được tư niệm, được cảm thọ.
- Các Tỷ kheo, đây được gọi là nghiệp cũ.
- Và này các Tỷ kheo, thế nào là nghiệp mới ? Này các Tỷ kheo, hiện tại làm việc gì với thân, với lời nói hay với ý. Này các Tỷ kheo , đây được gọi là nghiệp mới.
- Và này các Tỷ kheo, thế nào là nghiệp đoạn diệt ? Sự đoạn diệt thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp, nhờ vậy cảm thấy giải thoát. Này các Tỷ kheo, đaY được gọi là đoạn nghiệp.
- Và này các Tỷ kheo, thế nào là con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt ? Ðây là con đường Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỷ kheo, đây là con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt." (1)
Nói tác ý tức là nói đến Tâm, đức Thế Tôn đã dạy trong Kinh Pháp Cú :
1.
Tâm dẫn đầu mọi pháp,
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư ô nhiễm
Khổ não sẽ theo ta
Như xe theo vật kéo.

2.
Tâm dẫn đầu mọi pháp,
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư thanh tịnh
Hạnh phúc sẽ theo ta
Như bóng không rời hình.

Tâm tạo nghiệp như đã trích dẫn ở trên, mà tập quán của chúng ta cũng tạo nghiệp như lời dạy của Thế Tôn sau đây:
167
Chớ sống theo hạ liệt
Chớ sống mặc, buông lung
Chớ tin theo tà kiến
Chớ tăng trưởng tục trần
168
Coi chừng chớ buông lung
Hãy sống theo chánh hạnh
Kẻ chánh hạnh hưởng lạc
Cả đời nầy, đời sau.
169
Hãy sống theo chánh hạnh
Chớ sống theo tà hạnh
Kẻ chánh hạnh hưởng lạc
Cả đời nầy, đời sau.
(3)
Do vậy chúng ta có thể định nghĩa Nghiệp là những tạo tác của thân, khẩu, ý có tác ý của tâm và những tập quán trong đời sống hằng ngày.
III. Phân loại.- Người ta phân ra thành nhiều loại nghiệp:
1.- Theo tính chất:
  1. Nghiệp thiện: Là những hành động, tư duy, lời nói có tánh chất tốt lành mang lại sự ấm no, hạnh phúc, an lạc cho con người hay sinh vật khác.
  2. Nghiệp ác: Là những hành động, tư duy, lời nói có tánh cách thô bạo, xấu, ác gây tai hại, khổ đau cho con người hay sinh vật khác.
2.- Theo tiến trình:
  1. Nghiệp nhân: Là những hành động, tư duy, lời nói gieo nhân tạo ra nghiệp.
  2. Nghiệp quả: Là những hành động, tư duy, lời nói từ trước tạo thành kết quả ngày nay.
3.- Theo thời gian:
  1. Nghiệp cũ: Như đoạn kinh trên Thế Tôn đã dạy, những hành động, tư duy, lời nói từ trước thì là nghiệp cũ.
  2. Nghiệp mới: Là những hành động, tư duy lời nói đang làm sẽ tạo nghiệp được gọi là nghiệp mới.
4.- Theo năng lực:
  1. Cận tử nghiệp: Là những nghiệp tạo tác khi con người sắp chết như lúc gần chết mà trong gia đình, vợ, chồng, con cái gây cho người chết luyến thương, nuối tiếc gia đình mình, nên có thể bị cận tử nghiệp lôi kéo trở lại sinh ra con, cháu hay súc vật như chó trong nhà. Cũng có thể bị tức giận, sợ hải lúc lâm chung đều tạo thành cận tử nghiệp nghiệp nhân nầy nhanh chóng tạo thành nghiệp quả.
  2. Cực trọng nghiệp: Là những nghiệp cực ác chẳng hạng như ngũ nghịch tội (1.- giết cha, 2.- giết mẹ, 3.- giết A La Hán, 4.- làm cho thân Phật chảy máu, 5.-phá hòa hợp Tăng) Những tội nầy bị đọa vào Vô gián địa ngục.
  3. Tập quán nghiệp: Là thói quen của hành động, tư duy, lời nói, đời sống cá nhân hàng ngày, và môi trường sống từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội.
  4. Tích lũy nghiệp: Là những nghiệp được tích lũy dần dần từ ngày nọ qua tháng kia hay từ kiếp nầy qua kiếp khác. Như trong Pháp Cú có câu:
121
Chớ khinh điều ác nhỏ
Cho rằng "chưa đến mình"
Lâu ngày cũng đầy bình
Người ngu si cũng vậy
Dần dần ác chứa đầy.
(4)
5.- Theo phân chia:
  1. Nghiệp riêng: Nghiệp đặc biệt riêng rẻ của mỗi cá thể. Ví dụ anh A có nghiệp riêng của anh, có gia đình, làm công nhân.
  2. Nghiệp chung: Nghiệp chung của những người ở trong cùng gia đình, hoàn cảnh, xã hội. Ví dụ anh A, chị B, cô C mỗi người có gia đình riêng, cùng làm công nhân trong một cơ xưởng ở Việt Nam, nên cùng có đời sống tương tợ nhau, sống chung dưới cùng chế độ Cộng sản.
6.- Theo tác dụng:
  1. Nghiệp dẫn đến tái sanh (hữu lậu nghiệp): Thông thường nghiệp của chúng ta đều dẫn đến sự tái sanh, bởi vì chúng ta có tác ý vào.
  2. Nghiệp không dẫn đến tái sanh (vô lậu nghiệp): Như chư Bồ Tát bố thí mà không nghĩ mình bố thí, vật bố thí và người nhận của bố thí do đó nghiệp ấy không dẫn đến tái sinh.
7.- Theo biến đổi:
  1. Ðịnh nghiệp: Là nghiệp được lưu chuyển từ nghiệp nhân đến nghiệp quả đồng nhất với nhau, thời gian ổn định.
  2. Bất định nghiệp: Là nghiệp lưu chuyển từ nghiệp nhân đến nghiệp quả không đồng nhất, thời gian không ổn định...
IV. Ý nghĩa.- Nói Nghiệp cảm duyên khởi là để chỉ cho nghiệp là nhân tố chính, chiêu cảm các duyên dẫn dắt chúng sinh trong lục đạo luân hồi. Ðối với con người, cuộc đời của chúng ta là do chúng ta tạo ra, hoàn cảnh hiện tại là do nghiệp nhân trong quá khứ, đồng thời cũng tạo nghiệp quả trong tương lai. Hiểu rõ nghiệp cảm duyên khởi chúng ta mới có lý giải vì sau con người có kẻ hiền, người dữ, kẻ giàu người nghèo, kẻ sang, người hèn, chẳng ai giống ai, mổi người đều do nghiệp nhân trong quá khứ tạo thành.
Do đó người ta có thể làm thay đổi vận mệnh của mình cho tương lai gần là trong kiếp nầy, xa là những kiếp sau.
Theo kinh Phật, trong hoàn vũ có thập pháp giới: 1.- Phật, 2.- Bồ Tát, 3.- Duyên giác, 4.- Thanh Văn, 5.- Trời, 6.- Người, 7.- A Tu La, 8.- Súc sanh, 9.- Ngạ quỷ, 10.- Ðịa ngục. Sanh làm người là khó, gặp được Phật, biết được Pháp càng khó hơn. Vì Phật pháp dạy cho chúng ta tu tập để chuyển nghiệp nhân đạt được quả tốt. TU cho đạt đến quả vị A La Hán hay Phật sẽ thoát khỏi luân hồi. không còn tái sinh vào lục đạo chịu nhiều nổi thống khổ, não phiền. Và vì chỉ có làm người mới dễ dàng tu nhân tích đức, những cõi thấp hơn chúng ta không thể tu, còn cõi Trời chỉ để hưỡng phước báo vui chơi, hết phước phải sanh lại làm người, làm người mà không biết tu bị vô minh gây ra nhiều ác nghiệp phải đọa vào các cõi thấp hơn, chẳng may rơi vào địa ngục thì khổ biết là bao.
V. Kết Luận.- Nghiệp cảm duyên khởi dẫn dắt chúng sinh vào trong luân hồi, biết rõ nghiệp nhân, nghiệp quả. Chỉ có con đường Tu mới chuyển được nghiệp ác của chúng ta trong những kiếp trước và gieo nghiệp lành cho mai sau.
8-3-2003
Ghi chú:
  1. HT. Thích Minh Châu dịch Kinh Tương Ưng Bộ, ÐTKVN, trang 223-24, VNCPHVN, Việt Nam. 1993
  2. HT. Thích Minh Châu dịch Kinh Lời Vàng, trang 78 Chùa Giác Hoàng Washinton DC, USA.
  3. sđd trang 127
  4. sđd trang 120

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét