Phật Tâm Thiên Tử
(463-549)
*
Khi nói đến Phật Giáo Trung Quốc, hầu hết người ta đều biết đến Lương Võ Ðế bởi vì ông là vị vua thâm tín Phật Giáo vào bậc nhất trong Lịch đại hoàng đế Trung quốc, tên tuổi ông còn gắn liền với Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma, Sơ Tổ của Thiền Tông Trung Quốc, chẳng những thế mà còn gắn liền với kinh Lương Hoàng Sám. Cho nên tìm hiểu về Lương Võ Ðế là điều cần thiết.
Lương Võ Ðế tên thật là Tiêu Diễn, làm quan Thứ sử đất Ung Châu, thời đại Nam Bắc Triều, là một người tài đức nên đến năm 502, được vua Tề Hòa Ðế nhường ngôi, ông lên làm vua lập nhà Lương lấy niên hiệu là Thiên Giám.
Hồi còn làm Thứ sử Ung châu, phu nhân của ông họ Hy, người rất ghen tương và độc ác, vì một chuyện bà không hài lòng nên nhảy xuống giếng tự tử, do làm những việc ác nên đầu thai làm mãng xà, theo quấy nhiễu cung phi của vua Lương Võ Ðế. Một hôm nhà vua được Hy thị báo mộng là do tánh ác độc trước kia, nên đã tái sanh kiếp rắn thường hay quấy phá trong cung, xin nhà vua hãy thương tình lập đàn tràng, cầu siêu độ để được giải nghiệp.
Vua thỉnh ngài Thích Bảo Chí soạn bài văn Sám hối, và lập đàn tràng nhờ chư tăng tụng bài văn sám hối ấy, sau đó nhà vua nằm mộng thấy phu nhân họ Hy đến yết kiến vua, mặc xiêm y rực rỡ, đẹp lạ thường, bà cám ơn nhà vua đã cho lập đàn tràn, nay được giải nghiệp thoát khỏi xác rắn, rồi từ giả vua, bà là tiên nên bay về thiên giới.
Kinh ấy ngày nay vẫn còn lưu truyền, có tên là Từ Bi Ðạo Tràng Sám Pháp hay cũng còn gọi là Lương Hoàng Sám.
Từ trước, vua theo Ðạo giáo và Nho giáo, đến năm Thiên Giám thứ ba (504) vào dịp lễ Phật Ðản mồng 8 tháng 4 vua đã cử hành đại lễ Xả Ðạo Phụng Phật tại Trùng Vân Ðiện, đó là ngày lễ vua Lương Võ Ðế quy y Tam bảo, nhà vua cũng ra lệnh cho các quan bỏ Ðạo giáo để quy y Phật giáo. Ðến năm Thiên Giám thứ 10 (511) vua soạn ra bài văn Ðoạn Tửu Nhục (bỏ ăn thịt, uống rượu), quyết tâm tu hành. Ðến năm Thiên Giám thứ 16 (517), vua hạ sắc lệnh cấm dân chúng không được giết hại súc vật để cúng quỷ thần, và thay vào đó nên cúng hoa quả. Ðến năm Thiên Giám thứ 18 (519) vào dịp lễ Phật Ðản, vua Thọ Bồ Tát Giới nơi Ngài Tuệ Ước tại chùa Thảo Ðường, làm cho công khanh sĩ thứ theo gương ngài thụ giới đến hàng chục ngàn người. Vua còn ra lệnh dựng chùa Ðồng Thái, Ðại Ái Kính và nhiều chùa lớn nhỏ ở khắp nơi.
Ðến năm 520, Lương Võ Ðế đổi niên hiệu là Phổ Thông, vào ngày 21 tháng 9 năm nầy tổ Bồ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ theo thuyền buôn đến Quảng Châu, Thích sử tỉnh nầy được tin nên tiếp đón ngài, rồi dâng sớ về triều tâu lên Lương Võ Ðế, vua được tin liền sai sứ đến thỉnh ngài về kinh đô Kim Lăng để vua hội kiến.
Khi hội kiến, Lương Võ Ðế hỏi tổ Bồ Ðề Ðạt Ma :
- Trẩm từ lên ngôi đến nay thường cất chùa, chép kinh, đ ộ tăng ni không biết bao nhiêu, vậy có công đức gì chăng ?
Tổ đáp :
- Ðều không có công đức.
- Tại sao không có công đức ?
- Bởi vì những việc ấy là nhơn hữu lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi người, cõi trời, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.
- Thế nào là công đức chơn thật ?
- Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự không lặng, công đức như thế chẳng do thế gian mà cầu.
- Thế nào là thánh đế nghĩa thứ nhất ?
- Rổng rang không thánh.
- Ðối diện với trẩm là ai ?
- Không biết.
Vua Lương Võ Ðế không lãnh ngộ được, lui về cung nghỉ. Tổ biết căn cơ chẳng hợp, tạm lưu lại thêm ít hôm. Ðến ngày 19 tháng 10 năm ấy, không chào từ giả vua, nữa đêm Tổ sang sông qua Giang Bắc, nhập nước Ngụy đến Lạc Dương ngày 23 tháng 11.
Vua cũng mở rất nhiều pháp hội và trai đàn như Vô Giá Ðại Hội, Bình Ðẳng Pháp Hội, Cứu Khổ Trai Ðàn, Ðại Pháp Hội ...
Lương Võ Ðế ngoài việc triều chính ra còn nghiên cứu kinh điển và có chú sớ bộ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Tư Chú Kinh (50 quyển). Ông cũng có chú giải bộ Ðạo Ðức Kinh của Lão tử.
Niên hiệu Ðại Thông thứ 8 ( 527), vua bỏ ngôi vào chùa tu, các quan phải đến chùa yêu cầu ngài ra đảm trách việc nước.
Niên hiệu Ðại Thông thứ 10 (529), vua lại bỏ ngôi vào chùa tu, các đình thần lại phải yêu cầu ngài trở về giữ việc triều chính.
Niên hiệu Trung Ðại Thông thứ 5 (533), vua khai giảng kinh ‘’ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật ‘’ tại chùa Ðồng Thái, có 698 các quan văn võ đến nghe cùng với tăng, ni, sĩ, thứ có đến hàng ngàn người, sứ thần của nước Vu Ðiền và Ba Tư cũng đến dự.
Niên hiệu Trung Ðại Thông thứ 10 (538), có sứ đưa Xá Lợi Phật đến Trung Quốc, ngài cho lập chùa xây tháp thờ, xuất kho bố thí và ân xá tội nhân.
Niên hiệu Trung Ðại Thông thứ 19 (547), vua lại một lần nữa vào chùa tu, các đình thần phải xuất kho, mang tiền đến chùa chuộc ngài trở về triều, đảm trách việc nước.
Sau vua Lương Võ Ðế bị bề tôi là Hầu Cảnh làm phản, đem quân lính bao vây kinh đô, các quan yêu cầu xuất quân đánh trả, nhưng một ông vua nhân từ, bao nở thấy cảnh chiến tranh, ông chỉ lo thủ thành, Lương Võ Ðế mất vào năm 549.
Kẻ ngoại đạo lấy đó cho đạo Phật là yếm thế, vì theo Phật Giáo mà Lương Võ Ðế để cho họa nước mất sau nầy. Sau khi Lương Võ Ðế mất, các vua nhà Lương còn trị vì đến năm 555 mới mất về nhà Trần.
Lương Võ Ðế làm vua 48 năm, thọ 86 tuổi, 45 năm quy y đầu Phật, chẳng những thâm tín mà còn thông hiểu giáo lý đạo Phật, ông đã một đời hoằng dương chánh pháp như độ tăng, cất chùa, xây tháp, giảng kinh, chú sớ, từ bỏ ngai vàng, tránh cuộc chiến tranh. Người hiểu đạo, mới thấy ông là bậc bồ tát hiện thân, cho nên ông được người đương thời xưng tán là Phật tâm thiên tử.
Chánh Hạnh
2-2-2001
Sánh tham khảo :Ðoàn Trung Còn, Phật Học Từ Ðiển Thích Thanh Kiểm, Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc, Vạn Hạnh, Sàigòn, 1965
Thích Thanh Từ , Sử 33 Vị Tổ Thiền Tông Ấn Hoa, Tu viện Chân Không, Việt Nam, 1972
Ðào Duy Anh, Trung Hoa Sử Cương, Nhà Xuất Bản Bốn Phương tái bản, Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét